PNCN - Nhiều người có cảm giác mệt mỏi, khó ngủ, thường xuyên nhức đầu, cơ thể hâm hấp nóng, khi đi khám thì được bác sĩ cho biết là bị sốt kéo dài.
Ảnh minh họa: internet
Theo ThS-BS Lê Bửu Châu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, sốt >38 độ C, kéo dài từ hai tuần trở lên, có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau. Do vậy, để điều trị hiệu quả phải tìm được nguyên nhân gây sốt.
Đa số các bệnh gây sốt kéo dài là những bệnh nhiễm trùng (vi trùng, vi rút, ký sinh trùng, nấm). Các nhiễm trùng khác nhau cũng có những đặc điểm sốt khác nhau.
Các bệnh lý miễn dịch như Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp...; các bệnh lý ác tính như ung thư hệ tạo máu: bệnh bạch cầu mạn (chronic leukemia), ung thư hạch; ung thư gan, thận, ruột, phổi, tụy, dạ dày... thường gây sốt kéo dài rất dai dẳng trước khi xuất hiện các triệu chứng khác.
Ngoài ra, thuốc còn được xem là một nguyên nhân quan trọng gây sốt kéo dài. Các thuốc có thể gây sốt kéo dài là một số loại kháng sinh, chủ yếu thuộc nhóm beta lactam, sulfonamid, muối brom, các thuốc có asenic, muối iod, thiouracil, barbiturat, các thuốc có chứa phenolphtalein (thuốc tẩy)... Khi ngưng thuốc, bệnh nhân hết sốt và sẽ sốt trở lại khi tái sử dụng.
Sốt kéo dài thường làm bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân, nhức đầu, khó ngủ. Sốt cao có thể đưa đến tai biến nguy hiểm do thân nhiệt tăng quá mức. “Nguyên nhân sốt kéo dài rất phức tạp, cần phải thăm khám tỉ mỉ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định bệnh, từ đó điều trị đặc hiệu các nguyên nhân này”, bác sĩ Châu cho biết.
Hoa Lài
sốt, sốt kéo dài