PNCN - Co giật, sùi bọt mép chỉ là một số biểu hiện thường gặp của bệnh động kinh. Bệnh còn có nhiều kiểu biểu hiện khác từ nhẹ tới nặng.
Triệu chứng đa dạng
Bác sĩ Trương Văn Luyện, Phó khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bệnh động kinh có rất nhiều biểu hiện khác nhau, cần nhận biết rõ hơn về căn bệnh này để đi khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân của bệnh động kinh tới nay vẫn chưa được xác định.
Bệnh nhân bị động kinh do rối loạn chức năng ở vỏ não: khi vỏ não của bệnh nhân bị rối loạn chức năng nào đó thì sẽ có các biểu hiện về chức năng tương ứng (chức năng nhìn, vận động, cảm giác, thính giác, chức năng vùng cấm nếu lan tỏa làm mất nhận thức…).
Triệu chứng bệnh động kinh rất đa dạng từ nhẹ tới nặng, từ có ý thức tới mất ý thức, từ không co giật tới co giật.
Một ổ tổn thương trên vỏ não cũng có thể gây động kinh. Tổn thương ở một bên bán cầu não thì gọi là động kinh cục bộ (không mất ý thức), nhưng tổn thương nặng hơn lan qua bán cầu não còn lại sẽ khiến người bệnh mất ý thức.
“Nếu thấy một người lên cơn co giật nhưng vẫn tỉnh táo rồi sau đó bất tỉnh, sùi bọt mép có nghĩa là tổn thương ở vỏ não đã lan tỏa rộng”, bác sĩ Luyện nói.
Ảnh minh họa: internet
Biểu hiện co giật, sùi bọt mép chỉ là một kiểu hay gặp, còn có những kiểu động kinh tâm thần hết sức ghê gớm. Có người đang đi xe máy bỗng lên cơn động kinh, đuổi theo ủi vào xe khác; hoặc không kiểm soát được hành vi dẫn đến giết người, nhảy lầu…
Các bác sĩ xác định, bệnh động kinh phải trải qua các quy trình khám lâm sàng, tìm hiểu bệnh sử của bệnh nhân và gia đình, tiền sử chích ngừa. Tiếp theo đó, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm các xét nghiệm. Quan trọng nhất để xác định bệnh vẫn là chẩn đoán lâm sàng, bởi bác sĩ sẽ có định hướng cho những xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh cũng như phương án điều trị.
Một xét nghiệm rất quan trọng đối với bệnh nhân nghi động kinh là điện não đồ. Nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ được cho đo điện não đồ kéo dài trong 24 giờ.
Dễ nhầm với bệnh lý nguy hiểm khác
Bác sĩ Luyện lưu ý, có nhiều trường hợp mặc dù có biểu hiện động kinh nhưng đó lại là triệu chứng của một bệnh lý khác, hay xảy ra ở người lớn. Đó là các bệnh u não, dị dạng mạch máu não, tai biến mạch máu não, viêm não do vi trùng, siêu vi trùng, lao hoặc ký sinh trùng, bệnh lý nội khoa gây ảnh hưởng về não, bệnh lupus, bệnh xã hội, hội chứng thận hư, viêm nội tâm mạc, áp xe não, bệnh rối loạn điện giải, chấn thương sọ não, sốt cao…
Trong những trường hợp kể trên, bệnh nhân phải được điều trị hết bệnh nền thì các triệu chứng động kinh mới khỏi.
Mới đây, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị co giật, động kinh, liệt nửa người do nhiễm ấu trùng sán lợn. Bệnh nhân đi khám khắp nơi cứ tưởng mình bị bệnh động kinh, nhưng uống thuốc suốt 20 năm không khỏi.
Rất nhiều trường hợp bị ký sinh trùng trong não nhưng lại nhầm với bệnh động kinh như nữ bệnh nhân này.
Theo các bác sĩ, khi có triệu chứng bất thường, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế khám ngay.
“Bệnh động kinh về nguyên tắc có thể chữa khỏi nhưng với điều kiện bệnh nhân phải tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu làm được điều này, tỷ lệ khỏi hẳn sau 5 năm điều trị là 70%. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được cho thuốc để dứt cơn và giữ nguyên liều thêm một năm. Sau đó, cứ sau mỗi năm bác sĩ lại cho bệnh nhân giảm liều dần”, bác sĩ Trương Văn Luyện cho biết. Thực tế vẫn có những trường hợp điều trị cả mười mấy năm vẫn không khỏi do gia đình và bệnh nhân không đủ kiên trì, bỏ ngang trong quá trình chữa chạy, tới khi bệnh nặng quá mới quay lại khiến kết quả điều trị không như mong muốn. Theo thống kê, 2% dân số mắc bệnh động kinh. Bệnh này có thể điều trị ngoại trú. |
Trâm Anh
động kinh, kinh phong, co giật