PNCN - Tôi 30 tuổi, vừa rồi đi khám bác sĩ (BS) cho biết có u nang buồng trứng nhỏ. Tôi rất lo lắng, xin BS tư vấn rõ hơn về căn bệnh này. Cám ơn BS.
Ngọc Hà (Tây Ninh)
BS Lê Thị Bích Hường - Bệnh viện Q.2, trả lời:
U nang buồng trứng (UNBT) được phân thành hai loại: u chức năng và u thực thể (có thể lành tính hay ác tính). Đa số phát hiện tình cờ do không có triệu chứng rõ rệt, UNBT chỉ có triệu chứng khi đã quá to hoặc có biến chứng. Nếu u nhỏ, có thể sờ thấy một khối cạnh tử cung, tròn, căng, không đau, phân cách với tử cung và di động độc lập với tử cung. Nếu u to, có thể nhìn hoặc sờ thấy u ở vùng bụng dưới, căng, gõ đục, di động, đôi khi có dấu hiệu chèn ép tĩnh mạch gây phù nề chi dưới. Có trường hợp u lọt vào túi cùng Douglas, sẽ sờ được qua thăm khám trực tràng.
Để đánh giá bệnh, BS có thể dùng các phương pháp cận lâm sàng như:
- Thử nghiệm thai: để loại trừ thai.
- Siêu âm: đánh giá kích thước, đặc điểm phản âm, số lượng thùy, vách ngăn, vỏ u, dịch ổ bụng.
- X-quang bụng không chuẩn bị: cho thấy có vùng vôi hóa trong trường hợp u nang bì.
- Chụp quang niệu (IVP): cần thiết đối với u to hoặc u nằm trong dây chằng rộng để biết niệu quản có bị đẩy lệch hoặc thận có bị ứ nước do u chèn ép hay không.
- Một số xét nghiệm khác: CA 125, AFP, BetaHCG.
Các biến chứng có thể gặp như: Xoắn: thường gặp ở dạng u bì. Đột ngột đau bụng dưới, kèm nhợn ói hoặc nôn ói, có thể có rối loạn đường tiểu, không sốt. Xuất huyết: xuất huyết trong nang thường xảy ra sau xoắn. Xuất huyết ngoài nang xảy ra sau vỡ, gây bệnh cảnh xuất huyết nội. Vỡ nang: thường xảy ra sau xoắn. Đau bụng dữ dội, ói, kích xúc và bắt đầu lộ triệu chứng nhiễm trùng, hoặc bị chèn ép các cơ quan vùng chậu (bàng quang, trực tràng, niệu quản). Một số biến chứng khác: gây vô sinh, sẩy thai, sinh non, nhau tiền đạo; gây đẻ khó do ngôi bất thường…
Về điều trị, nếu là u chức năng: theo dõi thêm hai-ba chu kỳ kinh tiếp theo. Nếu chắc chắn là u thực thể: nên mổ lấy u, nhất là ở phụ nữ mãn kinh.
Trường hợp không phân biệt được là u chức năng hay u thực thể: nên nội soi để chẩn đoán và xử trí. Nếu phải phẫu thuật, ở phụ nữ trẻ, BS sẽ cố gắng bảo tồn (bóc u, chừa mô lành).
UNBT hiện không có phòng ngừa cụ thể mà nên khám phụ khoa định kỳ hoặc khi có dấu hiệu bất thường.
u nang buồng trứng, BS Lê Thị Bích Hường