Sức khỏe

Máu không đến tay, chân: dễ bị tàn tật

PNCN - Khi máu không đến ngón tay, ngón chân, người bệnh sẽ có nguy cơ cao sống trong cảnh tàn tật nếu không phát hiện sớm, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ…

Ngón tay chết dần

Máu nuôi dưỡng các tế bào. Vì vậy, khi máu không đến tay, chân thì những “vùng sâu, vùng xa” này sẽ bị thiếu máu nuôi và chết dần (hoại tử). Người bị bệnh có cảm giác đau buốt, ăn không ngon, ngủ không yên. Bệnh diễn biến trong thời gian dài.

Y khoa chia bệnh ra làm bốn giai đoạn: giai đoạn một không có triệu chứng; giai đoạn hai xuất hiện cơn đau cách quãng, cản trở sinh hoạt hàng ngày; giai đoạn ba bị đau nhức ngay cả khi nghỉ ngơi; giai đoạn bốn bắt đầu hoại tử.

Tay, chân sẽ báo động bằng những biểu hiện mà người bệnh cảm nhận dễ dàng: da khô, tróc vảy, rụng lông, gãy móng, chỉ cần làm động tác giơ cao, sẽ thấy tay tím nhợt vì thiếu máu hoặc đỏ bầm khi hạ xuống. Ngoài ra, vết thương ở đầu ngón tay, chân khó lành, dễ nhiễm trùng, dễ lan rộng… Thực tế cho thấy việc chẩn đoán không khó. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu do chưa có triệu chứng nên không ít người điều trị muộn. Cần lưu ý các triệu chứng bất thường như: vã mồ hôi, lạnh tay chân, tím tái tay chân.

Thiếu máu, hoại tử ngón tay, ngón chân thường là do bệnh Buerger và xơ vữa động mạch. Ít gặp hơn là các nguyên nhân: tắc động mạch do chấn thương, huyết khối vi thể…

Cùng làm cho máu ách tắc giao thông không thể mang chất dinh dưỡng đến nuôi tay - chân nhưng nếu do nguyên nhân xơ vữa động mạch thì bệnh nhân thường bị tắc các động mạch lớn (động mạch chủ bụng, động mạch chủ ngực…); còn do bệnh Buerger chủ yếu xảy ra ở động mạch tay - chân.

Có khá nhiều phương pháp dùng để điều trị bệnh này. Quan trọng nhất là chỉ định điều trị chính xác theo từng giai đoạn của bệnh. Trường hợp nặng phải tháo khớp, đoạn chi để bệnh nhân không chịu cảnh đau đớn, nhức buốt.

Những ai dễ mắc bệnh?

TS Nguyễn Hoài Nam - Đại học Y dược TP.HCM cho biết: “Có nhiều yếu tố nguy cơ gây viêm tắc động mạch gồm: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipit, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Bệnh viêm tắc động mạch mạn tính là một biến chứng rất hay gặp ở những bệnh nhân bị mắc bệnh ĐTĐ. Một nghiên cứu ở Phần Lan, trên những bệnh nhân ĐTĐ cho thấy: ở lứa tuổi từ 30 - 60, tỷ lệ mắc bệnh viêm tắc động mạch ngoại biên mạn tính cao gấp ba - bốn lần ở đàn ông và cao gấp năm - bảy lần ở đàn bà so với những người không mắc bệnh ĐTĐ.

- Hút thuốc lá: Phần lớn những bệnh nhân bị bệnh Buerger đều hút trên một gói thuốc một ngày.

- Ít vận động: Vận động giúp máu huyết lưu thông dễ dàng, ngược lại sẽ làm cho máu đã di chuyển chậm càng chậm hơn, khiến cho “vùng sâu vùng xa tim” thiếu máu…

Tầm soát bệnh và điều trị

Có hai cách phổ biến để phát hiện bệnh:

- Siêu âm Doppler màu hệ thống động mạch của bệnh nhân.

- Chụp X quang động mạch cản quang trước khi tiến hành các kỹ thuật tái tạo lưu thông của động mạch.

- Dùng thuốc ngăn cản hình thành cục máu đông, dãn mạch, bỏ hút thuốc lá, săn sóc vết thương… Nếu tình hình không cải thiện, tùy nguyên nhân bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Bệnh Buerger, sau phẫu thuật khoảng 15 phút thì tình hình cải thiện nhiều, không ít bệnh nhân ngay hôm sau đã hết đau nhức, vết thương đã kéo da non và lành dần.

Tuy nhiên, điều cần biết là bệnh “sánh đôi” cùng đương sự trong thời gian bao lâu. Kết quả điều trị phụ thuộc rất nhiều vào ý thức hợp tác của bệnh nhân, cụ thể: bỏ thuốc lá, tập luyện. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, có đến 75% bệnh nhân phải tháo khớp hoặc đoạn chi sau mười năm mắc bệnh.

Như Ý

www.phunuonline.com.vn

máu, lưu thông máu, viêm tắc động mạch, BS Nguyễn Hoài Nam, máu không đến tay, chân


      © 2021 FAP
        202,758       416