PNCN - Sau sinh, sản phụ nào cũng mong muốn lấy lại vóc dáng thon gọn bằng cách tăng cường luyện tập thể dục. Điều cần quan tâm là luyện tập phù hợp.
Nữ hộ sinh Trần Thị Mỹ Linh - Bệnh viện Hùng Vương cho biết, sau khi sinh, nhất là sinh mổ, đa số sản phụ rất đau nơi vết mổ, nên việc vận động, xoay trở khá khó khăn. Việc vận động sau sinh rất quan trọng, giúp sản phụ phục hồi thần kinh, tăng sức đàn hồi của cơ bụng, thúc đẩy sự co rút của tử cung và cơ tầng sinh môn, giúp hệ tuần hoàn hoạt động tốt, phòng nhiều biến chứng sau sinh mổ như: bán tắc ruột, tắc ruột, viêm tắc tĩnh mạch sâu...
Theo quan niệm dân gian, sau sinh sản phụ phải kiêng vận động đến sáu tháng. Điều này hoàn toàn sai. Chỉ kiêng với trường hợp lao động nặng quá sớm hoặc gồng gánh quá sớm vì tử cung còn rất mềm và lỏng lẻo, dễ đưa đến sa bộ phận sinh dục. Còn việc đi lại trong nhà, vận động nhẹ nhàng với các bài tập hoặc làm công việc nhà chẳng những không ảnh hưởng xấu mà còn tốt đối với sức khỏe sản phụ.
Cơ thể cần sáu tháng để trở lại bình thường trước khi sinh, riêng các khớp và dây chằng phải mất từ ba - năm tháng. Theo các chuyên gia, tùy theo sinh thường, sinh mổ hay bị cắt tầng sinh môn mà có cách luyện tập khác nhau.
Sinh thường: có thể tập sáu giờ sau sinh
Trung bình khoảng hai ngày sau sinh, sản phụ đi lại nhẹ nhàng và sau một tuần có thể di chuyển bình thường. Sau khi sinh được sáu giờ, sản phụ có thể tập các bài tập nằm ngửa trên giường hoặc ngồi trên ghế như: tập Kegel, các động tác về chân, cơ đùi, cơ bụng, động tác co âm đạo.
Hết tháng đầu tiên, sản phụ nên bắt đầu tập thể dục với các động tác nhẹ nhàng để khởi động lại các cơ, đặc biệt cơ bụng. Có thể chọn các hình thức tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, tạ nhỏ hay tập trên các máy tập đa năng. Khi mới bắt đầu, thời gian tập chỉ khoảng 15 - 30 phút/ngày, sau đó tăng dần lên một giờ/ngày.
Sinh mổ: tập từ ngày thứ nhất đến ngày thứ tư
Trong ngày thứ nhất đến ngày thứ tư, sản phụ nên khởi đầu bằng cách ngồi dậy sau đó đứng lên và tập bước đi từ từ, rồi chuyển sang các động tác đơn giản. Lưu ý, trong giai đoạn đầu khi luyện tập, cảm thấy mệt mỏi là chuyện rất bình thường, hãy kiên trì. Có thể tập các động tác xoay cổ chân, cẳng chân bằng cách nằm trên giường rồi xoay tròn từng chân. Hoặc nằm đặt tay lên ngực tập hít thở sâu, ngồi thẳng lưng, bước ra khỏi giường, thót bụng lại…
Tùy theo sức khỏe, các bài tập nên nhẹ nhàng và thời gian tập ngắn. Lúc đầu có thể đi bộ khoảng năm phút, nếu thấy khỏe hơn thì đi thêm đến 10 - 15 phút. Sản phụ có thể tập một số bài tập bụng vào khoảng sáu tuần. Khi đã qua sáu tuần, nên luyện tập với các bài tập trước khi mang thai.
Nhiều người cho rằng sinh mổ thường “sổ bụng” khiến bụng to rất nhiều so với sinh thường nên sau khi sinh đã vội vàng lao vào luyện tập những bài tập có cường độ vận động mạnh. Nữ hộ sinh Trần Thị Mỹ Linh lưu ý: trường hợp vết mổ chưa lành, băng huyết sau sinh… nếu muốn luyện tập, cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Riêng những người có bệnh lý tim mạch, cao huyết áp... thì không nên tập. Để tránh “ngán” tập, dù sinh thường hay sinh mổ, nên tập hai hoặc nhiều lần trong ngày với thời gian tập ngắn.
Thanh Hoa (ghi)
Vận động sau sinh, tập đi sau sinh, nữ hộ sinh Trần Thị Mỹ Linh, BV Hùng Vương