Sức khỏe

Thận trọng khi nhiệt độ thay đổi đột ngột

PN - Trời nắng nóng, nhiều người có xu hướng tránh nóng bằng cách vào siêu thị, trung tâm thương mại… mà không biết có nguy cơ giảm thân nhiệt đột ngột,

TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp - Trưởng bộ môn Y học gia đình, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, thân nhiệt được vùng dưới đồi trong não bộ điều hòa. Hệ thần kinh luôn chuyển tới vùng này tình trạng nóng lạnh ở các vùng khác nhau của cơ thể. Các cơ quan sẽ kích thích các phản ứng để tăng hoặc giảm nhiệt độ cơ thể. Khi nhiệt độ xuống thấp, máu bị ảnh hưởng và khi đi ngang qua vùng đồi thị sau não, các trung tâm giao cảm ở đó bị kích thích khiến mạch máu ngoại biên co lại, cơ thể xảy ra phản ứng tạo ra nhiệt, làm thân nhiệt tăng lên. Ngược lại, khi nhiệt độ quá cao, máu sẽ nóng và các trung tâm giao cảm bị kích thích khiến mạch máu giãn nỡ, kích thích để ra nhiều mồ hôi giúp hạ thân nhiệt.

Mỗi người có nhiệt độ trung bình khác nhau. Nhiệt độ trẻ em hơi cao hơn người lớn, nam thấp hơn nữ giới. Thân nhiệt thay đổi tùy theo thời gian trong ngày, thấp nhất vào sáng sớm khi đang ngủ và cao nhất vào nửa buổi chiều. Thân nhiệt trung bình từ 36-370C. Bình thường, thân nhiệt tăng là do ăn uống, vận động, có kinh nguyệt, có thai, khí hậu ấm nóng, mặc nhiều quần áo, cảm xúc mạnh. Thân nhiệt hạ là khi thời tiết giá lạnh, mặc quần áo ướt. Tuy nhiên, sự tăng giảm này chỉ tạm thời, ngắn hạn.

Khi đang chạy xe ngoài đường, với cái nắng gần 40 độ C, nếu vào những chỗ có nhiệt độ quá thấp (từ 17-21 độ C) như siêu thị, trung tâm thương mại… cơ thể cảm thấy mát mẻ, dễ chịu ngay lập tức. Tuy nhiên, khi vào chỗ có nhiệt độ quá thấp, sự chênh lệch nhiệt độ nhiều sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được, tổn hại đến trung khu thần kinh. Nhẹ thì có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, nói lắp, đau đầu, chóng mặt; nặng thì nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, có thể dẫn đến trạng thái hôn mê.

Bên cạnh đó, cơ thể đang ở nhiệt độ cao, lỗ chân lông đang giãn nở, vào chỗ lạnh ngay thì khí lạnh sẽ dễ xâm nhập vào cơ thể, dẫn đến sốt; nhiệt độ càng lạnh, mạch máu bị co lại đột ngột dẫn đến thiếu máu não, gây đột quỵ.

Đối với trẻ nhỏ, cơ thể dễ hấp thu nhiệt hơn so với người lớn. Chỉ cần đi ngoài nắng gắt khoảng 30 phút, nhiệt độ có thể tăng lên từ 5-7 độ C. Chức năng điều tiết nhiệt độ cơ thể của trẻ chưa ổn định và đầy đủ bằng người lớn. Vào chỗ lạnh đột ngột, trẻ càng dễ hạ thân nhiệt. Việc này xảy ra tương tự ở người già, gầy yếu...

Những người lưu thông ngoài đường bằng xe hơi thường điều chỉnh nhiệt độ trong xe thấp. Nếu bước ra ngoài đột ngột, sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn sẽ dễ bị sốc nhiệt với biểu hiện đau đầu, chóng mặt hoặc choáng váng, tim đập nhanh, thậm chí ngất xỉu hoặc đột quỵ.

Theo TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, khoảng cách nhiệt độ ngoài trời nắng và những chỗ có máy điều hòa nên chênh nhau từ 8 - 10 độ là an toàn nhất. Ví dụ nhiệt độ ngoài trời đang là 36 độ C, nhiệt độ trong phòng chỉ nên từ 27-28 độ C. Nếu đang đi ngoài trời và sắp sửa vào những nơi lạnh, nên dừng lại ở những chỗ mát hơn nhiệt độ ngoài trời một chút (nhà xe, bóng râm…) từ 3-5 phút rồi mới vào để tránh gây sốc nhiệt. Với những người đi xe hơi, trước khi bước xuống xe nên điều chỉnh nhiệt độ cao lên hoặc hạ kính xe xuống khoảng 5-10 phút rồi hãy bước xuống xe.

Ngoài ra cũng cần chú ý, trong ngày nắng nóng, nếu ở nhà, không nên điều chỉnh nhiệt độ máy điều hòa xuống dưới 26 độ C. Hạn chế tắm nước lạnh, nhiệt độ thích hợp cho trẻ sơ sinh là 36 độ C, trẻ lớn hơn từ 37-38  độ C. Người lớn nên tắm nước ở nhiệt độ từ 38-40 độ C. Nên uống nước ở nhiệt độ phòng, các cơ quan sẽ không bị sốc nhiệt.

 Thanh Hoa

www.phunuonline.com.vn

mùa nóng, sốc nhiệt, sốc nhiệt là gì, nhiệt độ thay đổi đột ngột, mùa nóng có nên tắm nước lạnh


      © 2021 FAP
        201,934       224