PNCN - * Tôi ngoài 50 tuổi, vừa trải qua một cơn nhồi máu cơ tim, sức khỏe đang dần hồi phục nhưng nhịp tim lại đập chậm hơn bình thường.
Nguyễn Hùng (TP.HCM)
Ảnh minh họa: internet
TS-BS Nguyễn Hoàng Định - BV Đại học Y Dược TP.HCM trả lời: Rất có thể tim bạn đã bị tổn thương sau nhồi máu cơ tim dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim (tim đập quá nhanh hoặc quá chậm). Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do bẩm sinh, do lớn tuổi, do rối loạn về thần kinh cơ hoặc những biến chứng sau phẫu thuật tim hở điều trị bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh… Tình trạng này kéo dài và nặng, tim sẽ không cung cấp đủ máu cho cơ thể, người bệnh khi đó sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi, ngất, khó thở, lú lẫn… Việc đặt máy tạo nhịp tim sẽ làm tăng nhịp tim ở những người có nhịp tim quá chậm, giúp điều chỉnh nhịp tim ở người nhịp tim quá nhanh, giúp cân bằng hoạt động điện giữa buồng nhĩ và buồng thất, giúp buồng thất co bóp hiệu quả trong những trường hợp rối loạn nhịp nhĩ như rung nhĩ, ngăn ngừa các rối loạn nhịp nguy hiểm...
Có hai cách đặt máy tạo nhịp: đặt tạm thời dành cho những trường hợp nhịp tim chậm sau nhồi máu cơ tim, sau phẫu thuật tim hoặc dùng thuốc quá liều… thường dùng để cấp cứu, sử dụng đến khi các rối loạn về nhịp hồi phục hoặc được điều trị ổn. Chỉ định đặt vĩnh viễn thường được đưa ra khi điều trị các vấn đề về nhịp tim kéo dài hoặc không hồi phục. Máy sẽ được đặt dưới nội mạc hoặc ở ngoại tâm mạc, bộ phận điều khiển được gắn ở dưới da tại ngực hoặc bụng qua một phẫu thuật nhỏ.
Tốt nhất là bạn nên đến những BV có khoa tim mạch để kiểm tra và được tư vấn cụ thể. Việc đặt máy tạo nhịp tim phải được sự giám sát chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa.
Rối loạn nhịp tim, bệnh tim mạch