PNCN - Đau bụng là triệu chứng rất thường gặp. theo BS Trần Văn Khanh - BV Q.2, “Đau bụng có thể do những nguyên nhân từ đơn giản, lành tính như ăn không tiêu, rối loạn tiêu hóa,
Cấp tính & mãn tính
Đau bụng chia làm hai dạng: cấp tính và mãn tính. Đau bụng mãn tính là tình trạng đau kéo dài nhiều tuần hay nhiều tháng, việc chẩn đoán và điều trị thường có thể tiến hành từ từ, có kế hoạch. Trong khi đó, đau bụng cấp là cơn đau ở vùng bụng xuất hiện đột ngột, đau nhiều trong khoảng thời gian vài giờ đến vài ngày, thường là không quá 48 giờ. Đau bụng cấp cũng có thể xuất hiện trên nền đau bụng mãn, cần nhanh chóng được xác định nguyên nhân để xử trí thích hợp vì đây là triệu chứng hàng đầu, trong đa số các trường hợp cần cấp cứu về tiêu hóa.
Từ trẻ em đến người lớn đều có thể gặp cả hai dạng đau bụng. Ví dụ, viêm ruột thừa cấp là bệnh lý thường gặp ở lứa tuổi thanh niên, nhưng trẻ nhỏ hoặc người già vẫn có thể bị. Đau bụng do viêm ruột thừa cấp thường bắt đầu ở vùng quanh rốn, đau tăng dần, liên tục, sau đó sáu-tám giờ chuyển xuống vùng chậu bên phải. Đây là bệnh lý cần phải phẫu thuật cấp cứu.
Viêm đại tràng mãn tính là một ví dụ cho đau bụng mãn. Người bệnh có những cơn đau quặn dọc theo vùng ngoại vi của bụng, tái đi tái lại kèm các rối loạn tiêu hóa như tiêu phân nhầy, tiêu chảy...
Cơ chế & vị trí đau
Theo giới chuyên môn, có ba nhóm đau: đau do tạng, đau do thành bụng và đau do liên quan.
Đau do tạng: xuất hiện khi các tạng bị căng dãn, co thắt (dạ dày, ruột non, ruột già, tử cung...), cảm giác đau thường mơ hồ, không khu trú. Người bệnh thường cảm thấy đau ở vùng đường giữa bụng như vùng trên rốn, quanh hay dưới rốn.
Đau do thành bụng: người bệnh thường mô tả cảm giác đau đột ngột hơn, cường độ dữ dội hơn do tình trạng kích thích hoặc viêm của phúc mạc thành bụng hay của mạc treo. Đau thường khu trú rõ ràng, kéo dài, tăng lên khi cử động hay khi ho.
Đau do liên quan: đau được cảm nhận tại vị trí khác nơi bị kích thích.
Vị trí cơn đau lúc xuất hiện ban đầu cũng là yếu tố giúp ta nghĩ đến tạng liên quan, vì một nhóm tạng nằm kề nhau trong một khu ổ bụng có thể gây cảm giác đau cùng một vị trí. Chẳng hạn: đau trên rốn: viêm dạ dày, viêm tụy, nhồi máu cơ tim, thoát vị, giun chui ống mật…; đau dưới rốn: viêm bàng quang, sỏi bàng quang, viêm tử cung, phần phụ, thai ngoài tử cung…; đau quanh rốn: viêm đại tràng…; đau hố chậu phải: viêm ruột thừa, viêm manh tràng, sỏi niệu quản…; đau hố chậu trái: sỏi niệu quản, viêm túi thừa…
Ngoài ra, cần lưu ý các triệu chứng đi kèm như: buồn nôn, nôn, ợ chua, nuốt khó, tiêu chảy, táo bón, sốt… cũng giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.
Phòng ngừa & điều trị
Nhìn chung, bất cứ bất thường hay bệnh lý từ các cơ quan tiêu hóa nào cũng có thể gây ra đau bụng, thường gặp nhất là do viêm loét dạ dày tá tràng. Bệnh nhân đau kiểu nóng rát hay cồn cào vùng trên rốn, đau có thể giảm sau khi ăn một ít thức ăn hay sử dụng các thuốc chống acid. Đau do loét dạ dày tá tràng thường tái đi tái lại, nếu người bệnh không điều trị nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu trên một bệnh nhân có tiền căn đau dạ dày, xuất hiện các triệu chứng bất thường như cơn đau đột ngột dữ dội hơn, đau không giảm với các thuốc kháng acid, ói ra máu hay đi tiêu ra máu là dấu hiệu báo động có biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Đau bụng còn có thể là dấu hiệu chỉ điểm không phải do bệnh lý xuất phát từ các cơ quan trong ổ bụng mà là dấu hiệu của bệnh nhồi máu cơ tim vùng hoành, các dạng rối loạn trầm cảm... Do đó, việc đầu tiên khi bạn có triệu chứng đau bụng là nên được bác sĩ trực tiếp thăm khám, không nên tự ý xử lý.
Cách phòng ngừa tốt nhất là nên chú ý vệ sinh ăn uống. Ăn uống điều độ, không bỏ bữa, hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá. Nên có cuộc sống lành mạnh; có chế độ làm việc, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý; tránh stress trong công việc và cuộc sống, có chế độ luyện tập thể thao hợp lý. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp chống lại sự xâm nhập của nhiều yếu tố gây bệnh từ môi trường bên ngoài cũng như bên trong cơ thể. Khi có triệu chứng bất thường nên đi khám ngay, dù là đau bụng cấp hay mãn tính.
Thiên Nga (ghi)
Đau bụng, Chớ lơ là