Sức khỏe

“Mượn hồn”

PNCN - Người ta thì thất vọng vì xuất tinh sớm, trong khi tôi lại mệt mỏi vì rất khó xuất tinh. Mỗi lần gần gũi với vợ, tôi phải liên tưởng đến những hình ảnh nóng bỏng mới “xong việc được”.

Phan T., (Biên Hòa-Đồng Nai) 

Thực tế, số người đàn ông phải lâm vào cảnh “mượn hồn” như vậy là không hiếm. Có ông hơi yếu sinh lý, gặp bà xã thì “chập chờn”, nhưng lại thổ lộ với bác sĩ rằng “nếu tòm tem với người lạ” thì ngon lành. Thời gian sau này, ông quyết tâm bỏ hẳn mấy mối “bậy bạ”, nhưng mỗi lần gần gũi vợ, lại phải nhớ đến “phần hình” của các cô gái trẻ ngày trước.

Cũng có ông mạnh mẽ trong tình dục, “đánh trận nào thắng trận đó”, nhưng lại có thói quen nhắm mắt tưởng tượng thêm rằng mình đang “chiếm đoạt” những minh tinh màn bạc xinh đẹp để phong phú cảm xúc. Hành vi “khéo tưởng tượng” này được lặp lại nhiều lần, cuối cùng thành thói quen, và thành “tật”.

Phổ biến hơn là chuyện những anh chồng đang ở với “phần xác” cùng vợ, mà mơ màng nghĩ đến “phần hồn” của cô người yêu cũ, hoặc nữ đồng nghiệp xinh đẹp. Những cảm xúc rung động đầu đời hoặc những xúc cảm thoáng qua nhẹ nhàng với một người đẹp dễ lảng vảng trong tâm trí người đàn ông. Thường thì người ta hay mơ mộng đến những điều chưa đạt được (như gần gũi một người đẹp họ mới gặp chẳng hạn). Đó cũng chỉ là mộng mơ thoáng qua, nhưng trong không gian giường chiếu, những ký ức và mong muốn ấy trở về rõ nét hơn.

Chuyện “mượn hồn” như những trường hợp kể trên (và cả những kiểu “trộm tình tư tưởng” khác) diễn ra là dễ hiểu, chẳng phải bệnh tật gì cả. Nhưng trong sâu xa vẫn chứa nhiều bất ổn. Lâu lâu lỡ mơ tưởng chút xíu thì còn có thể xí xóa được, chứ nếu “thấy được làm tới”, sẽ dễ bị “lậm”. Một khi cảm xúc đã bị “bôi bẩn” theo cách ấy, khó mà tìm lại cảm xúc “thuần” như trước.

Cần trở lại vấn đề mấu chốt: Tại sao đang cận kề, “va chạm” xác thịt như thế, đầu óc của người đàn ông vẫn tơ tưởng đến người khác? Cơ bản vẫn là do “đối tác trực tiếp” của người đàn ông ấy không đủ lôi cuốn để chàng toàn tâm toàn ý. Với những đôi vợ chồng đã “tỏ đường đi lối về” cùng nhau, người vợ lại mãi đơn điệu thì việc “trộm nghĩ” của người đàn ông dễ xảy ra. Biết chuyện, một số người vợ đã nổi xung thiên lên mà kết luận rằng “chồng đã ngoại tình tư tưởng”, “sự lừa dối đáng sợ”. Tất nhiên, với tất cả sự tin yêu vốn có, người vợ dễ bị tổn thương nghiêm trọng khi biết chồng “hư” như vậy. Nhưng, như đã phân tích, bản chất của vấn đề không nghiêm trọng đến mức như quý bà nghĩ. Nếu quý ông lâu lâu mới lỡ tơ tưởng “người lạ” một lần, sẽ chẳng có gì phải lo ngại. Còn những người đã bị lậm đến mức không “mượn hồn” không “làm ăn” gì được thì nhất thiết phải được bác sĩ tâm lý điều trị.

Quý ông không thể lấy lý do bà xã thiếu sức hút mà “nghĩ bậy”để tăng cảm xúc. Bản thân người chồng có thể tự hóa giải vấn đề của mình. Nếu thiếu độ “nóng”, cả hai người cần nỗ lực cải thiện, chứ không thể “mượn” độ hấp dẫn của người khác.

Vấn đề phát sinh từ tư tưởng, nên cũng cần được giải quyết từ gốc trong tư tưởng. Cố gắng tự lảng qua vấn đề khác mỗi khi đầu óc mon men nghĩ đến vấn đề nhạy cảm với “người lạ” ấy; mở lòng để đón đợi và hòa quyện cảm xúc cùng bà xã trong sự thoải mái, không quá áp lực với kết quả “cuộc vui” để rồi bằng mọi giá phải đạt được; tặng vợ những món quà, nói những lời ngọt ngào để cả hai cùng vui… sẽ dần đẩy lùi thói quen xấu này.

ThS-BS MAI BÁ TIẾN DŨNG

www.phunuonline.com.vn

Mượn hồn


      © 2021 FAP
        195,602       514