Sức khỏe

Chớ xem thường những dấu hiệu nhỏ

PN - Nhiều người cứ nghĩ tật nghiến răng, mắt đổ ghèn hay chảy nước dãi là hiện tượng bình thường, nhưng đây có thể là dấu hiệu của bệnh.

Nghiến răng

Nghiến răng là sự nghiến hoặc siết chặt răng một cách quá mức. Đây là dạng rối loạn giấc ngủ. Hiện tượng này gặp ở tất cả mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới năm tuổi.

BS Tạ Thị Trúc Mai - Phòng Răng Hàm Mặt, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, nguyên nhân gây nghiến răng đến nay vẫn chưa rõ, được quy là do yếu tố di truyền; suy nhược thần kinh, căng thẳng, lo âu quá mức; sốc tâm lý, bất thường trong giấc ngủ như gặp phải ác mộng; đang mắc một số bệnh về răng như viêm chân răng, viêm lợi nướu, bệnh nha chu, co cứng các cơ hàm, viêm khớp thái dương; đang mắc các bệnh do ký sinh trùng đường ruột như giun, sán; bệnh nhân đang sử dụng một số thuốc chống trầm cảm, an thần, suy nhược cơ thể; hoặc thói quen uống bia, rượu, hút thuốc lá…

Ở một số trường hợp, trẻ bị đau tai hoặc răng đang mọc, răng trên và răng dưới của trẻ không ăn khớp với nhau làm trẻ khó chịu, động tác nghiến răng làm trẻ dễ chịu hơn và trở thành thói quen. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ biến mất khi răng trẻ mọc đều, tai không còn đau.

Lực khi nghiến lớn gấp nhiều lần lực khi nhai nên sẽ gây ra âm thanh khó chịu, đánh thức cả người xung quanh. Nghiến quá chặt còn gây mòn răng, răng bị mất lớp men bảo vệ, để lộ ra lớp ngà của răng, khiến răng tăng độ nhạy cảm, nứt gãy răng hoặc cầu răng, lung lay hoặc rụng. Ngoài ra, nghiến răng còn gây đau hoặc tức cơ hàm, mở rộng các cơ quai hàm, đau tai do co thắt cơ hàm, nhức đầu, đau mặt do co cứng các cơ hàm, đau khớp thái dương hàm, mặt biểu hiện mệt mỏi, gây khó khăn cho việc há miệng, nhai và nói chuyện. Ở trẻ, nghiến quá nhiều, các cơ hoạt động quá mức làm phì đại cơ cắn ở hai bên, có thể làm khuôn mặt bị mất cân xứng. Có một số trường hợp trẻ nghiến răng nhưng không phát ra âm thanh, không đau và chỉ phát hiện khi khám răng do thấy vết mòn trên bề mặt răng sữa.

Theo BS Tạ Thị Trúc Mai, khi bị chứng nghiến răng, cần đi khám tại khoa răng hàm mặt hoặc thần kinh để tìm hiểu nguyên nhân. Tùy vào mức độ tổn thương trên răng mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp. Có thể phải mang máng nhai bằng nhựa mềm vào buổi tối để giữ răng không bị mòn hoặc mài bớt những điểm nhô trên răng để khớp cắn ăn khớp và đều nhau. Cần thay đổi lối sống, ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên để giảm stress. Với trẻ nhỏ, thiếu canxi cũng có thể là nguyên nhân gây nghiến răng nên cần bổ sung đủ canxi, trò chuyện với trẻ trước khi ngủ để giúp trẻ bớt căng thẳng, sợ hãi, áp lực bài vở.

Chảy nước dãi

ThS-BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhân dân 115 lý giải, nước bọt được tiết ra chủ yếu từ các tuyến nước bọt mang tai, dưới hàm và dưới lưỡi, được điều khiển bởi hệ thần kinh phó giao cảm. Nước bọt có tác dụng làm ướt niêm mạc miệng, giảm khô miệng, hỗ trợ động tác nuốt thức ăn, giúp phát âm dễ dàng; làm sạch và sát trùng miệng; trung hòa một số chất có tác dụng kích thích mạnh để bảo vệ niêm mạc miệng.

Bình thường nước bọt được bài tiết khi bị kích thích bởi thức ăn, mùi vị, màu sắc món ăn, giờ giấc ăn, những lời nói, hình ảnh, ý nghĩ liên quan tới ăn uống, đặc biệt những thức ăn có tính kích thích. Ngoài ra, nước bọt còn tiết nhiều khi có những tổn thương về thần kinh (rối loạn thần kinh, thần kinh căng thẳng, mệt mỏi, người bị suy nhược…), bệnh lý răng miệng (sâu răng, loét niêm mạc miệng, viêm họng...), tiêu hóa (viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản...), nội tiết, một số thuốc…

Nếu bị chảy nước dãi nhiều và thường xuyên nên đi khám các chuyên khoa tiêu hóa, thần kinh, tai mũi họng, răng hàm mặt... để biết chính xác nguyên nhân.

Mắt đổ ghèn

BS Nguyễn Phạm Trung Hiếu - giảng viên Bộ môn Mắt, ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, bộ phận bảo vệ mắt gồm: mí trên, mí dưới gồm hai điểm lệ (lỗ ghèn) trên và dưới tương ứng ở mí trên và mí dưới, và hệ thống tuyến nước mắt (tuyến lệ). Bình thường, tuyến lệ tiết ra nước mắt, sau khi làm nhiệm vụ bôi trơn, làm sạch giác mạc (tròng đen) và kết mạc (tròng trắng) sẽ đổ về hồ lệ. Lúc này, trở thành nước mắt dơ, sẽ thoát qua hai điểm lệ nối với hai tiểu lệ quản trên và dưới xuống túi lệ và ống lệ mũi, rồi thoát vào khoang mũi và xuống họng. Vì một lý do nào đó, còn thừa một phần nước mắt dơ hòa lẫn với chất tiết của tuyến bờ mi dần tập trung vào khóe mắt tạo thành ghèn. Các lý do đó có thể do bệnh lý như viêm kết mạc cấp, tắc lệ đạo, viêm giác mạc... hoặc do sinh lý bình thường như nóng trong người, vệ sinh mắt kém, tác động của môi trường, phấn trang điểm, xà phòng...

Tuy nhiên, bỗng dưng ghèn đổ nhiều hơn bình thường, có màu vàng như mủ, kéo dài từ hai-ba ngày trở lên có thể là dấu hiệu của viêm kết mạc cấp (bệnh đau mắt đỏ, nhặm mắt), tắc lệ đạo (thường gặp ở trẻ sơ sinh).

Rất nhiều trường hợp, khi trẻ bị đổ ghèn, các bà mẹ chữa trị theo phương pháp dân gian bằng cách nhỏ nước chanh vào mắt. Cách làm này phản khoa học, bởi chanh chứa nhiều axit acetic, sẽ làm nồng độ pH thay đổi, có thể gây tổn thương, bỏng giác mạc, viêm kết mạc.

“Khi bị đổ ghèn nhiều hơn bình thường trên một tuần, cần đến bác sĩ khám để tìm hiểu nguyên nhân, vì một số trường hợp có thể nặng hơn nếu không được chữa trị kịp thời. Nên làm sạch ghèn bằng cách dùng bông gòn sạch, nhúng vào nước sạch rồi lau rửa mắt một cách nhẹ nhàng; hoặc dùng nước muối sinh lý 0,9% để nhỏ rửa mắt, từ ba-bốn lần trở lên/ngày. Tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc nhỏ mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ, hoặc nhỏ chanh theo phương pháp dân gian trên” - BS Nguyễn Phạm Trung Hiếu khuyến cáo.

 Thanh Hoa

www.phunuonline.com.vn

những dấu hiệu nhỏ


      © 2021 FAP
        203,756       578