Sức khỏe

Tạo hình vành tai dị tật

PNCN - Con tôi bẩm sinh đã bị dị tật vành tai nhỏ. Xin hỏi, bệnh này có nguy hiểm không? Có xử lý được không?

B. (Long An)

Ảnh minh họa: internet

BS Nguyễn Anh Tuấn - BV Tai Mũi Họng TP.HCM, trả lời: Dị tật tai nhỏ bẩm sinh không phải là bệnh lý đe dọa tính mạng nhưng ảnh hưởng đến tâm lý và thẩm mỹ bệnh nhân, khiến bệnh nhân tự ti. Nhiều em không hòa đồng với bạn bè, dẫn tới giảm kết quả học tập đáng kể. Với người lớn, sự tự ti sẽ giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động.

Theo y văn, có bốn độ dị tật tai nhỏ:

Độ 1: Tai biến dạng rất ít, gần giống tai bình thường nhưng nhỏ và có ống tai ngoài

Độ 2: Tai biến dạng một phần và ống tai ngoài hẹp hoặc bít.

Độ 3: Tai ngoài biến dạng nhiều, thường chỉ là một mẩu da nhỏ, đôi khi có sụn. Đây là dị tật thường gặp nhất.

Độ 4: Hoàn toàn không có vành tai.

Hiện nay, phẫu thuật tạo hình vành tai trong dị tật tai nhỏ là một trong những phẫu thuật khó khăn và phức tạp trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Trên thế giới có một số tác giả báo cáo về phẫu thuật này, tại Việt Nam cũng có vài bài báo cáo, nhưng chưa có công trình nào công bố đầy đủ và rõ ràng. BV Tai Mũi Họng TP.HCM đã thực hiện được gần 40 ca. Trong những trường hợp này, chúng tôi nhận thấy, dị tật tai nhỏ là bệnh lý bẩm sinh, ở nam nhiều hơn nữ, bên phải nhiều hơn trái và độ 3 là thường gặp nhất (78,4%). Phẫu thuật sẽ gồm hai giai đoạn chính. Giai đoạn một: tạo khung sụn vành tai từ sụn sườn tự thân, tạo hình gờ bình tai, tạo hình dái tai. Ba tháng sau thực hiện giai đoạn hai: nâng khung sụn. Trẻ em có thành ngực mỏng, sụn sườn mềm dễ bóc tách và dễ tạo hình nên phẫu thuật dễ hơn so với người lớn, tỷ lệ thành công 72,7% .

Tốt nhất, bạn nên đưa cháu đến BV kiểm tra, để được BS khám và có hướng điều trị cụ thể. 

www.phunuonline.com.vn

Tạo hình vành tai dị tật


      © 2021 FAP
        196,992       921