Sức khỏe

Giữ sức vui xuân

PNCN - Càng cận Tết, bạn càng phải lo lắng giải quyết công việc từ nhà đến cơ quan. Chính sự lo lắng, ăn uống thất thường cùng với thời tiết thay đổi khiến cho sức khỏe của bạn tụt dốc.

Dùng đạm dễ tiêu

Khi bạn thấy chán ăn, hãy dùng các món có cần tây như: mực xào, canh cá nấu cần… Bên cạnh các món giúp cơ thể ấm áp, dễ chịu, cần dùng thêm các loại rau củ chứa nhiều vitamin và khoáng chất để tăng khả năng kháng bệnh: cà chua, cải bó xôi, bông cải, cải thìa, cải xoong, cải đắng, bí đỏ…

Loại thực vật chứa nhiều đạm và có khả năng tăng cường sức đề kháng, ngừa ung thư là nấm. Nấm dễ tiêu hóa, lại mềm nên phù hợp với người trung niên và cao tuổi. Song theo Đông y, những người thường xuyên bị tiêu chảy, lạnh bụng không nên dùng nấm rơm vì công dụng thanh nhiệt và mát của nấm sẽ làm cho bệnh tình trầm trọng hơn.

Các nhà khoa học nhận thấy, trong các loại cá hồi, cá thu, cá trích… đều chứa axit béo omega-3, có tác dụng giúp các tế bào trong cơ thể hoạt động tốt, giảm nguy cơ tiểu đường, giảm triệu chứng viêm khớp dạng thấp… Vì vậy, nên đưa cá vào thực đơn thay cho các loại thịt nướng, cánh gà chiên giòn, thịt heo xông khói… Một loại đạm thực vật khác tốt cho sức khỏe mà giá thành lại rẻ là đậu nành. Do là nguyên liệu chính để làm món chay nên có cả trăm món chay chứa đậu nành. Trong đó, có những món đơn giản cũng cung cấp đạm cho cơ thể như: đậu hủ trắng hấp chấm muối tiêu, đậu hủ chiên chấm mắm tôm ăn với rau kinh giới, đậu hủ kho thịt, đậu hủ kho tương, đậu hủ sốt cà chua…

Tận dụng gia vị

Muốn có sức khỏe bền bỉ để chạy đua với thời gian và công việc, bạn cần chú ý ăn uống các loại gia vị có khả năng kháng bệnh, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, tăng cường tuần hoàn máu, giúp cơ thể khỏe hơn. Hành, tỏi là hai loại kháng sinh thiên nhiên có công dụng giải cảm, giúp cơ thể hồi sức rất nhanh, vì thế cần ưu tiên ăn các món có nhiều hành tỏi. Một số món có nhiều tỏi gồm: bông bí xào tỏi, rau muống xào, tôm xào tỏi…

Nên tập ăn nghệ ngay từ khi bao tử còn dẻo dai, khỏe mạnh để đỡ viêm loét khi luống tuổi. Các món ăn bài thuốc từ nghệ gồm: cá kho nghệ, canh cá nấu nghệ (khế, nghệ, thì là, cà chua), bò xào nghệ và rau củ (nghệ giã vắt lấy nước, ướp vào thịt bò) cật heo nấu nghệ (nghệ xắt lát mỏng, phơi khô, cật heo xắt ca rô. Nấu nước dùng nêm nếm gia vị vừa ăn, cho nghệ và cật heo vào...).

Ớt cay có khả năng kích hoạt tiêu hóa, giúp dễ tiêu và ngủ ngon, nhờ vậy giúp tăng cường khả năng kháng bệnh. Ngoài ăn tươi các loại ớt hiểm, ớt đỏ, ớt xanh… nên ăn thêm các món: thịt nướng với ớt Đà Lạt, ớt chuông xào hạt điều, bò xào ớt, ớt nhồi chả cá thát lát chiên…

Trong các loại gia vị hỗ trợ tiêu hóa, thải trừ độc tố trong cơ thể, tiêu đàm, trị đầy hơi còn có tiêu. Các món có tiêu trong thành phần gồm: bò hầm tiêu xanh, gà nấu tiêu, cá bống kho tiêu, bao tử hầm tiêu xanh…

Sả có tác dụng giữ ấm bụng, giảm đau nhức cơ thể, cần tích cực dùng các món ăn có sả như: nghêu hấp sả, gà kho sả, bò kho…

Trong các loại gia vị thường dùng, gừng là loại làm ấm tỳ vị, giúp giảm đau các khớp xương nhờ khả năng hoạt huyết. Nên ăn các món có nước mắm gừng như: cơm gà, gỏi vịt, cá chiên…

Khi nấu các món rau mang tính hàn như cải đắng, bắp cải, người ta thường đập thêm củ gừng để trung hòa, làm ấm cơ thể. Khi cơ thể mệt mỏi, đau nhức, nên dùng các món cháo nấu với thịt gà, thịt vịt hoặc hải sản cùng gừng xắt sợi. Các loại canh nấu với gừng cũng làm cho cơ thể kháng hàn khí.

Tuy gia vị tốt, nhưng phải biết cách dùng. Lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM khuyên: “Khi thấy nóng trong người, bứt rứt, hay đổ mồ hôi trộm, táo bón, da khô…, thì không nên dùng hành, gừng, tiêu...”.

Uống nước trợ lực

Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp tăng cường sức đề kháng. Loại trà này nên tự nấu và uống hàng ngày. Khi lạnh bụng thì đập thêm nhánh gừng vào trà nóng để uống. Tuy nhiên, nếu không lạnh bụng thì không nên dùng gừng, vì sẽ bị táo bón.

Dùng sả nấu nước uống cũng rất ngon và tốt (sáu-bảy cây sả tươi, đập giập nấu với một lít nước sôi, để lửa riu trong vòng 20 phút. Khi uống, thêm chút đường, vài lát chanh). Các loại nước chanh tươi, chanh muối, tắc muối, mơ ngâm, sấu ngâm… đều có công dụng giúp tăng lực và đẹp da. Tuy nhiên, cơ thể cần hấp thụ nhiều vitamin và khoáng chất khác nhau, vì thế không nên dùng mãi một loại nước uống, mà nên “luân canh” khi thì trà xanh, khi sữa chua, khi thì sữa đậu nành, nước mơ…

Trái cây tốt nhất nên ăn tươi, ưu tiên dùng các loại trái cây đang rộ mùa, lúc chúng ngon nhất và có giá mềm. Mùa này, khí hậu ôn hòa, các loại trái ngon như cam, quýt, thanh long, thơm, nhãn, nho, sơ ri, cà chua… Trái cây ăn cả xác sẽ như “cây chổi”, quét sạch độc tố trong các “hẻm hóc” của hệ tiêu hóa. Nhờ vậy, cơ thể không bị táo bón, tránh được nhiều bệnh như: trĩ, nứt hậu môn, ung thư trực tràng…

Gần Tết, ai cũng cố gắng giải quyết công việc tồn đọng của năm cũ và lên kế hoạch cho năm mới. Chính khối lượng công việc đồ sộ cần hoàn thành trong thời gian ngắn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây căng thẳng. Sự vội vã chỉ làm tăng sự lo lắng, khiến tim bị mỏi mệt, đầu óc thiếu sáng suốt, ức chế đại tiện… Chủ động về thời gian và công việc sẽ xua tan sự lo lắng. Muốn vậy, cần có kế hoạch rõ ràng, phân định điều gì cần làm trước điều gì cần làm sau và làm ngay những việc của hôm nay, đừng để “nước đến chân mới nhảy”.

Phương Nam

www.phunuonline.com.vn

giữ sức vui xuân


      © 2021 FAP
        197,000       425