Sức khỏe

Trời lạnh, cẩn trọng với viêm mũi dị ứng

PN - Thời tiết trở lạnh là nguy cơ gia tăng nhiều nhóm bệnh. Một trong số đó là bệnh viêm mũi dị ứng.

Gia tăng số người mắc bệnh

TS-BS Nguyễn Trọng Minh, phụ trách Phòng khám Tai - mũi - họng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, khoảng 10 ngày nay các ca viêm mũi dị ứng gia tăng.

Tại phòng khám Tai - mũi - họng, tỷ lệ bệnh nhân viêm mũi dị ứng trung bình mỗi ngày chiếm tới 40% tổng số bệnh nhân. Đặc biệt, 1/3 trường hợp trong số bệnh nhân viêm mũi dị ứng kể trên bị bội nhiễm nặng chuyển thành viêm xoang, phải chỉ định phẫu thuật.

Theo BS Minh, viêm mũi dị ứng có thể xảy ra với mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở người độ tuổi từ 30-40 (chiếm 60-70%). Cơ chế, nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng ra sao? Trước tiên, bệnh viêm mũi dị ứng là một bệnh trong các nhóm bệnh dị ứng. Cơ thể con người có thể dị ứng với các dị nguyên như khói bụi, chất ô nhiễm, đồ ăn, hóa chất, lông thú, bọ mạt, mùi, phấn hoa và thời tiết… Khi dị nguyên vào cơ thể bằng đường hít, gặp kháng thể chống lại. Kháng nguyên và kháng thể gặp nhau tạo thành phức hợp kích hoạt cơ thể phóng thích ra chất có thể gây dị ứng. Có nhiều hóa chất được phóng thích gây nên phản ứng dị ứng, trong đó tiêu biểu là histamin.

Những chất này khiến cơ thể phản ứng với các triệu chứng lâm sàng như nhức đầu, sổ mũi (nước trong), ngứa mũi, hắt xì hơi, thậm chí ngứa cả các vùng liên quan ở phần mặt như tai, mắt và họng, nặng thì nổi mề đay, có thể gây khó thở do niêm mạc đường hô hấp bị phù nề. Một số trường hợp viêm mũi dị ứng mạn tính kéo dài có thể có gây ảnh hưởng đến khứu giác (giảm hoặc mất khả năng nhận biết mùi tạm thời) hoặc ngủ ngáy do viêm phù nề niêm mạc họng, thanh quản hoặc viêm amiđan quá phát.

Điều trị sớm tránh bội nhiễm

Khi thời tiết thay đổi, nếu bệnh nhân chỉ bị viêm mũi dị ứng vào lúc đầu giờ sáng thì không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài, nhức đầu gia tăng, mũi chảy mủ, nước mũi có mùi hôi thì phải điều trị ngay để tránh tình trạng bội nhiễm trở nặng.

Điều trị viêm mũi dị ứng chủ yếu bằng nội khoa (uống thuốc kháng histamin, xịt mũi). Nhưng đó chỉ là điều trị triệu chứng, bệnh vẫn có thể tái phát. Muốn điều trị tận gốc phải tìm ra nguyên nhân gây dị ứng.

“Ở Việt Nam có nhiều cơ sở khám và điều trị dị ứng. Các cơ sở này thực hiện việc giải mẫn cảm đặc hiệu (test trên da tìm ra chất gây dị ứng cho người bệnh). Dù thế, họ cũng chỉ tìm ra được một vài loại kháng nguyên gây dị ứng, mà chất gây dị ứng lại rất nhiều, lên tới hàng trăm loại khác nhau. Bởi thế, tìm ra chất gây dị ứng cho từng ca bệnh giống như… mò kim đáy bể” - BS Minh nói.

Phòng ngừa viêm mũi dị ứng cũng rất khó khăn. Những người có tiền căn viêm mũi dị ứng, khi thời tiết thay đổi cố gắng giữ ấm cổ, ra đường đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc lông chó mèo, giữ chăn mền sạch sẽ.

Với các trường hợp bị viêm mũi dị ứng khi lạnh, phải cẩn trọng khi nằm máy lạnh. Tốt nhất bật máy lạnh với nhiệt độ từ 270C trở lên và tránh gió phả trực tiếp vào người. Máy lạnh cũng cần phải vệ sinh định kỳ sạch sẽ, nếu không đó chính là nơi phát tán vi khuẩn, bụi bẩn khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

“Khi có biểu hiện viêm mũi dị ứng kéo dài, bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc kháng dị ứng ngay. Nếu không, chỉ sau từ hai-năm ngày sẽ bị bội nhiễm làm ảnh hưởng tới các cơ quan hô hấp khác. Người bệnh cũng nên vệ sinh mũi bằng cách xịt rửa nước muối sinh lý, vệ sinh răng miệng sạch sẽ” - BS Minh khuyên.

Trên thế giới, tỷ lệ bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 15-20% các bệnh lý về dị ứng, riêng tại Việt Nam, con số này cao hơn rất nhiều do môi trường sống của chúng ta đang ngày một ô nhiễm.

 Trâm Anh

www.phunuonline.com.vn

Trời lạnh, cẩn trọng, viêm mũi dị ứng


      © 2021 FAP
        197,004       1,338