Sống khỏe

Cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim bằng kỹ thuật mới

PN - Trong hầu hết các trường hợp phẫu thuật cấp cứu bệnh tim mạch, bác sĩ (BS) phải tiến hành khi tim ngưng đập (dùng tim, phổi nhân tạo).

Thao tác trên trái tim đập 100 lần/phút

TS-BS Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, BV Chợ Rẫy cho biết, kỹ thuật mổ không cần phải ngưng tim (off - pump) đã mở ra nhiều cơ hội sống cho người bệnh, đóng góp không nhỏ trong cấp cứu bệnh tim mạch.

Mới đây, một trường hợp nhồi máu cơ tim đã được khoa Hồi sức phẫu thuật tim BV Chợ Rẫy cứu sống bằng kỹ thuật mổ off - pump. “Nếu không được áp dụng kỹ thuật này để cấp cứu có lẽ bệnh nhân (BN) không qua khỏi”, BS An nhận định.

BN là bà Nguyễn Thị Nê, 75 tuổi, ngụ tại H.Củ Chi, TP.HCM được chuyển tới BV Chợ Rẫy trong tình trạng tức ngực liên tục, khó thở do nhồi máu cơ tim cấp. Ngoài ra, BN còn có bệnh tăng huyết áp và tiểu đường. Sau khi thực hiện các kiểm tra, chẩn đoán hình ảnh, BS phát hiện bà bị hẹp ba nhánh mạch vành, thân trung mạch vành hẹp tới 60%.

“BN đang suy tim, nếu áp dụng phương pháp mổ cổ điển là làm ngưng tim và dùng máy trợ tim phổi thì sẽ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, BN đã lớn tuổi, khả năng phục hồi sau khi ngưng tim cũng sẽ kém hơn người bình thường, may mắn qua được cũng có thể gặp nhiều biến chứng”, BS An nói.

Để cứu sống bà Nê, các BS quyết định mổ cấp cứu mạch vành, bắc ba cầu bằng kỹ thuật off - pump. Ca mổ phức tạp và khó khăn ở chỗ, với người bình thường, nhịp đập của tim dao động từ 70-80 lần/phút, nhưng với BN suy tim nặng như bà Nê, trái tim “nhảy” tới 100 lần/phút. Đó là chưa kể lúc thao tác, các BS phải xoay trở, lật quả tim qua lại làm cho huyết động học thay đổi. Trong điều kiện như vậy, BS phải rất khéo léo mới xử lý được các mạch máu mảnh như sợi tóc.

Sau bốn tiếng đồng hồ, ca mổ đã thành công. Chỉ hai ngày sau, BN đã rất tỉnh táo, chức năng co bóp cơ tim tốt, máu tưới đều.

Các bác sĩ BV Chợ Rẫy đang mổ bằng kỹ thuật off - pump - Ảnh: Trâm Anh
 

Kỹ thuật cao trong cấp cứu tim mạch

Theo BS An, mổ off - pump là kỹ thuật cao, được áp dụng chủ yếu trong mổ cấp cứu BN bị nhồi máu cơ tim, có bệnh lý về mạch vành. Tại BV Chợ Rẫy, 90% BN bị bệnh lý mạch vành được mổ bằng kỹ thuật này.

Khi tim bị tắc mạch, cơ tim không được tưới máu. Lúc này phải cứu BN bằng cách giúp cơ thể tưới máu lại cho cơ tim càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, khi tim đã suy, nếu áp dụng phương pháp cổ điển sẽ làm liệt tim và khả năng hồi phục của tim về sau càng khó.

Đặc biệt, nếu dùng biện pháp mổ thông thường, BN phải nằm điều trị theo dõi khoảng một tuần trước khi mổ, trong khi đó, những người bị nhồi máu cơ tim đang trong tình cảnh cấp bách cần cấp cứu.

Với phương pháp mổ cổ điển, BS sẽ phải làm tim BN ngưng đập, dùng máy chạy tuần hoàn tim-phổi hỗ trợ rồi mới tiến hành phẫu thuật. Khi quả tim nằm yên, sẽ dễ dàng cho phẫu thuật viên thao tác, xử lý, nhưng BN lại có nhiều yếu tố nguy cơ hơn.

“BN có thể bị ngộ độc kali trong quá trình làm ngưng tim. Đối với những BN lớn tuổi hoặc đang bị suy tim, làm ngưng tim để mổ, sau này khả năng phục hồi của BN sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, BS An nhận định.

Tất nhiên, không phải BS nào, BV nào cũng thực hiện được kỹ thuật off - pump. Kỹ thuật này tinh tế về gây mê, phẫu thuật viên được đào tạo bài bản và đòi hỏi nghiêm ngặt về tính kiên nhẫn, tỉ mỉ.

Hiện tại, toàn phía Nam chỉ có hai BV thực hiện được kỹ thuật này là Chợ Rẫy và Đại học Y Dược TP.HCM. Riêng tại BV Chợ Rẫy, mỗi năm thực hiện khoảng 200 ca mổ bằng kỹ thuật off - pump, thành công trên 95%.

 TRÂM ANH

www.phunuonline.com.vn

nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch, kỹ thuật mới


      © 2021 FAP
        425,462       51