Sống khỏe

Thuế đường và cuộc chiến chống béo phì

PN - Bộ trưởng Khoa học và đời sống Anh George Freeman vừa chính thức cảnh báo, các nhà sản xuất thực phẩm và thức uống gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng có thể bị đánh thuế nặng thông qua khoản mục thuế đường.

Không chỉ gây nguy cơ béo phì, đường còn bị cho là kẻ thù của sức khỏe tim mạch không kém muối. Tạp chí y khoa trực tuyến Open Heart cuối năm 2014 công bố kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tiêu thụ đường làm tăng lượng insulin. Từ đó kích thích hệ thống thần kinh, làm tăng lượng máu lưu thông và tăng huyết áp.

Tiêu thụ nhiều đường dễ gây béo phì - Ảnh: CBC

Đường còn có thể tiêu trừ các phân tử ATP, là phân tử mang năng lượng, có chức năng vận chuyển năng lượng đến các nơi cần thiết cho tế bào sử dụng. Tiêu thụ quá nhiều đường còn gây ra sự gia tăng mạnh các trường hợp tiểu đường.

Na Uy là một trong những quốc gia có ý thức rất sớm đối với việc hạn chế đường. Năm 1981, nước này đã áp dụng thuế lên các sản phẩm có nhiều đường như chocolate, bánh kẹo và nước uống có đường. Năm 1984, Samoa, quốc gia có tỷ lệ béo phì đến 75% đã áp thuế với các loại nước uống có đường. Australia thì áp 10% thuế lên các mặt hàng thức uống nhẹ, kẹo, mứt, các loại bánh ngọt từ năm 2000.

Gần đây, quốc gia có tỷ lệ béo phì cao hơn cả Mỹ là Mexico, với 32,8% người dân bị béo phì và 9,2% trẻ em bị tiểu đường, đã công bố hàng loạt chương trình ngăn chặn vấn nạn này. Vì thế, nói không với đường là một trong những mục tiêu hàng đầu của chính quyền Mexico nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Sắp tới, Mexico sẽ tăng thuế tiêu thụ đường, muối, chất béo no lên 8%. Số tiền thu được từ khoản thuế này sẽ dành cho các chương trình bổ sung kiến thức sức khỏe và cung cấp nước uống tinh khiết ở các trường học. Chính phủ Mexico cũng trích một phần để giới thiệu tem dinh dưỡng dành cho các mặt hàng có lợi cho sức khỏe.

Đường cũng là kẻ thù cho sức khỏe - Ảnh Telegraph

Tuy nhiên, nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện dễ dàng. Chính quyền Pháp từng cố gắng nhắc đến thuế dành cho các loại thức uống có đường nhưng vì áp lực của các nhà sản xuất nên chưa đưa ra được quy định cụ thể nào về vấn đề này. Hoặc ở Đan Mạch, năm 2013, chính quyền đã bị lung lay khi tiết lộ rằng có thể xem xét lại thuế đánh vào các mặt hàng thực phẩm có hại cho sức khỏe vì muốn tạo thêm việc làm cho người dân và vực dậy nền kinh tế.

Ở Anh, Tesco là chuỗi siêu thị đầu tiên cam kết giảm lượng đường trong toàn bộ thức uống đóng chai mà mình cung cấp. Nhóm thực hiện dự án trên toàn cầu Action on Sugar hoan nghênh thông báo của Tesco và cho biết mục tiêu mà tổ chức này muốn là đến năm 2020, có 40% mặt hàng hiện nay phải giảm lượng đường.

Đi kèm với việc đánh thuế đường cho sản phẩm thức uống nhẹ và đồ ăn vặt, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng cần có các biện pháp như: thay đổi quy trình chế biến để giảm lượng đường trong thực phẩm; giảm lượng thức ăn trong mỗi khẩu phần; gia tăng cảnh báo tác hại lên sức khỏe do đường gây ra và trên hết vẫn là ý thức trách nhiệm từ các nhà sản xuất.

 ANH THÔNG

(Daily Mail, Telegraph, CBC)

www.phunuonline.com.vn

thuế đường, béo phì, tiểu đường, thức uống có đường, Tesco


      © 2021 FAP
        426,820       12