Dinh dưỡng

Bí quyết nấu lẩu Thái cực ngon

PNO - Nước lẩu Thái là loại nước lẩu phổ biến, có thể dùng để nhúng nhiều nguyên liệu như: hải sản, bò, gà, cá, các loại nấm... Mách bạn 5 bí quyết để có nồi lẩu Thái cực hấp dẫn.

1. Chọn nguyên liệu tươi ngon

Muốn có nước lẩu ngon trước tiên phải chú ý đến khâu chọn nguyên liệu. Không chỉ nguyên liệu nhúng, các loại gia vị, thảo mộc dùng để nấu nước cũng phải tươi ngon.

Lẩu Thái thường ăn với các loại rau như: rau muống, bắp chuối bào, cần tây, cải thảo, cải thìa, nấm tuyết, nấm mèo, bắp non, nấm đông cô, nấm đùi gà… và các loại hải sản như cá điêu hồng, chả cá, thịt gà, sò điệp, mực, hoặc tim, cật heo, đậu hũ… Với rau muống, bắp chuối bào nên mua cọng rau muống, nguyên hoa chuối về rửa và bào. Muốn rau muống, bắp chuối trắng, giòn chỉ cần ngâm qua nước chanh pha muối sau đó vớt ra để ráo.

Muốn món lẩu ngon, hải sản cho vào phải thật tươi và được sơ chế kỹ sao cho giữ được hương vị tươi nguyên nhất. Với mực, sau khi lấy phần râu ra khỏi thân, bỏ phần mỏ mực cứng ở giữa các râu mực, bóc bỏ phần da đen, rút xương sống, cạo phần còn lại bên trong bụng mực, sau đó rửa sạch bằng nước lạnh, để ráo trước khi xắt mực thành miếng vừa ăn. Với các loại hải sản có vỏ như nghêu, hàu, sò, nên rửa sạch qua vòi nước mạnh, chà sạch vỏ rồi ngâm nước gạo hoặc nước sả, ớt cho nhả bùn.

2. Hầm nước dùng

Hầm nước dùng từ xương gà: Cho khoảng 5-6 củ hành tím vào chảo dầu nóng, áp chảo cho hành tím thơm, cho vào nồi nấu cùng xương gà và 3 lít nước trên lửa nhỏ trong khoảng 1 giờ, vớt bọt thường xuyên để nước dùng trong.

Hầm nước dùng từ xương heo: Trước khi hầm bạn nên trụng xương một lần qua nước sôi, sau đó rửa sạch và cho vào nồi nước hầm cùng hành tím và một ít muối hột trong khoảng 1-1,5 giờ. Khi nước dùng sôi, canh vớt bọt rồi hạ lửa nhỏ nhất để nước dùng ngọt xương. Sau khi hầm, lược lại nước dùng để loại bỏ phần xương cặn. Lưu ý là nên cho xương heo và xương gà vào nấu từ nước lạnh, nước dùng sẽ trong hơn.

Hầm nước dùng từ hải sản: Hầm nước dùng từ hải sản sẽ có thời gian ngắn hơn so với xương heo, xương gà. Nếu hầm lâu, nước dùng sẽ dễ bị chua. Bạn có thể cho tôm khô, mực khô nướng sơ, đập giập, xương cá vào hầm lấy nước dùng đều được. Nếu hầm bằng mực, tôm khô, có thể để lại trong nước dùng ăn cùng cũng được.

3. Tạo hương vị cay, thơm

Với nước dùng chua cay, hương vị đặc trưng được tạo ra từ mùi thơm của củ riềng, sả, lá chanh, vị của lẩu phải chua, cay, ngọt, đậm đà. Màu sắc của nước lẩu cũng phải “nóng” để kích thích khẩu vị của người dùng.

Để nấu nước lẩu chua cay cần chuẩn bị các nguyên liệu sau: 2 lít nước dùng từ xương heo, xương gà hoặc hải sản, 100g sả cây đập giập, cắt khúc ngắn; 4 trái ớt hiểm (tùy theo khẩu vị của người ăn cay hay không mà cho nhiều hoặc ít hơn lượng ớt trên), 5 lá chanh giấy, 50g củ riềng đập giập hoặc thái lát.

4. Tạo màu “nóng”

Thông thường màu đỏ đặc trưng của lẩu chua cay sẽ được tạo ra nhờ cà chua. Sau khi sơ chế các nguyên liệu trên, cho tất cả vào nước dùng, nấu trên lửa vừa khoảng 20 phút, khi nấu nước nhớ canh vớt sạch bọt để nước dùng được trong.

Dùng một chảo khác, thêm dầu ăn vào chờ chảo nóng, cho tỏi băm vào phi thơm rồi cho cà chua xay (hoặc paste) cùng 1 gói gia vị nấu lẩu Thái vào xào thơm, tắt bếp, trút vào nồi nước dùng.

5. Thêm nước cốt chanh vào trước khi tắt bếp

Với 2 lít nước dùng, nêm vào lẩu 2 muỗng canh nước mắm, 3 muỗng canh đường, 1/2 muỗng canh bột ngọt, 1 muỗng canh hạt nêm, 2 muỗng canh tương ớt, 1 muỗng canh tương cà, nếm cho có vị đậm đà. Sau cùng cho thêm 3 muỗng canh nước cốt chanh tươi vào khuấy đều nếm cho có vị chua, ngọt, cay thì tắt bếp. Nếu thích bạn cũng có thể thay nước cốt chanh bằng nước cốt tắc. Lưu ý chỉ nên cho các loại nước cốt này vào sau cùng để nước dùng không bị đắng.

VĨNH HY ghi 

www.phunuonline.com.vn

bí quyết nấu lẩu Thái, mách nhỏ, mẹo vặt, lẩu nóng, chua cay, gia vị Thái, tom yum


      © 2021 FAP
        232,803       377