PNCN - Các loại khoai thường lành tính, tuy nhiên, nếu không chế biến đúng cách cũng rất dễ gây hại cho sức khỏe. Hãy tham khảo vài mẹo nhỏ sau để chế biến khoai thơm ngon và an toàn.
* Lựa mua khoai
- Chọn những củ tròn còn tươi cứng, không bị nứt, thâm dập hay mọc mầm xanh. Tránh chọn những củ quá lớn, khoai có thể già và nhiều xơ.
- Chọn khoai có da trơn láng, không nhăn nheo, không có đốm đen. Với khoai lang, khoai môn, nếu vỏ bị lỗ sâu đục li ti, đó là biểu hiện khoai bị sùng (hà) không nên mua.
* Loại bỏ mầm độc trong khoai
- Khoai mì: Khi lột bỏ vỏ khoai, cần cắt sâu vào hai đầu, sau đó ngâm trong nước muối loãng qua đêm để loại trừ độc tố. Nếu được, nên thay nước vài lần. Tuyệt đối không ăn khoai mì sống vì rất dễ ngộ độc.
- Khoai tây, khoai lang và các loại khoai khác: Khi khoai mọc mầm, dùng dao khoét thật sâu để loại bỏ phần mầm và xung quanh mầm. Sau khi gọt vỏ, ngâm trong nước muối pha loãng để vừa loại bỏ độc tố, vừa giữ cho khoai không bị thâm. Tuy nhiên, đừng ngâm lâu quá hai giờ, khoai sẽ mềm và biến chất.
- Khoai bị sùng: Là khoai đã hỏng, ăn rất đắng, nếu bị sùng ít có thể vạt bỏ phần sùng, nếu nhiều thì nên bỏ hẳn.
* Trị ngứa tay khi gọt khoai
- Khoai môn, khoai sọ, khoai mỡ… thường gây ngứa khi gọt vỏ, có thể phòng tránh bằng cách gọt khi tay thật khô, nếu tay ướt hoặc khoai dính nước sẽ gây ngứa. Tốt nhất là đeo găng tay khi gọt.
- Trường hợp lỡ bị ngứa, hãy hơ tay trên lửa hoặc ngâm tay vào nước ấm có pha giấm, sẽ hết ngứa sau vài phút. Nếu ngứa toàn thân, pha giấm vào nước để tắm.
* Cách bảo quản
- Tất cả các loại khoai đều không nên bảo quản trong tủ lạnh vì khoai sẽ bị héo và không giữ được mùi vị. Chỉ để khoai ở nơi tối, khô ráo và thoáng mát. Nơi ẩm thấp khiến khoai dễ bị nảy mầm.
- Không bọc khoai trong túi ni lông, mà chỉ dùng túi giấy hoặc để rời ngoài rổ. Để tránh khoai tây bị nảy mầm, hãy cho thêm quả táo vào túi đựng khoai. Không nên để khoai tây gần hành tây, mùi hành tây làm khoai chóng hỏng. Cũng lưu ý không để khoai tây cùng với khoai lang, nếu không, khoai lang dễ bị sượng hoặc khoai tây sẽ mọc mầm.
* Bí quyết chế biến
- Khoai có thể chế biến bằng nhiều cách như luộc, hấp, nướng, chiên, hầm, nấu canh, làm bánh, nấu chè... Tùy theo lượng tinh bột chứa trong từng loại khoai mà có thể thích hợp với mỗi cách chế biến khác nhau.
- Nguồn dinh dưỡng và các vitamin của khoai thường nằm ở sát lớp vỏ, vì vậy khi luộc, hấp hoặc nướng nên rửa khoai thật sạch và giữ nguyên vỏ để chế biến. Khi cần gọt vỏ, nên gọt càng mỏng càng tốt.
- Luộc khoai: Cho khoai vào nồi, đổ nước xăm xắp, nấu sôi rồi vặn lửa nhỏ lại luộc tiếp đến khi khoai mềm, đổ bỏ nước, để thêm vài phút cho khoai ráo nước rồi mới đem xuống, củ khoai chín mềm mà không bị bở nát.
- Nướng khoai: Để trực tiếp lên vỉ hay khay nướng, không dùng giấy bạc bọc lại. Muốn vỏ khoai giòn hơn, dùng cọ phết lên một ít dầu ăn hoặc bơ trước khi nướng.
- Nghiền khoai: Nên nghiền khi còn nóng, khoai nguội thì tinh bột cứng lại rất khó nghiền.
- Làm salad: Để nguyên vỏ luộc, cắt khoai khi còn ấm.
NGUYỄN NGOAN
khoai, mẹ chế biến khoai, khoai lang, khoai tây