Dinh dưỡng

Dẻo thơm bánh khoai mì

PNO - Hồi tôi còn nhỏ, cái thời mà nhà nào cũng ăn cơm độn hay bo bo trừ bữa, khoai mì là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Nhà tôi luôn có sẵn cái bàn

Món ăn từ khoai mì không khó làm, chủ yếu là ngâm khoai để loại bỏ độc tố và mài thật nhuyễn. Cho dù là nấu bất cứ món gì, trước khi chế biến, khoai mì phải được lột sạch vỏ, cắt bỏ đầu đuôi, ngâm nước vài tiếng hoặc ngâm qua đêm (thay nước thường xuyên), rồi mới vớt ra, nếu làm bánh thì mài nhuyễn, còn luộc, nấu chè hoặc nấu canh thì để nguyên, xắt nhỏ.

Món đơn giản nhất là khoai mì nấu nước cốt dừa. Để khoai ngon, khi vắt nước dừa nên lấy cả nước dảo và nước cốt, nước dảo cho vào luộc chung với khoai. Phần nước cốt nấu riêng, nêm muối, đường cho vừa vị mặn ngọt, thêm ít bột năng để nước cốt sền sệt. Khi khoai vừa chín tới, chắt bỏ nước, sau đó cho nước cốt dừa vào nấu lửa nhỏ cho khoai chín nhừ, nước cốt ngấm vào khoai. Thường khi luộc nếu nhà có lá dứa má tôi sẽ cho vào nồi khoai, ăn rất thơm.

Ảnh minh họa: internet

Phần sơ chế, tôi chỉ có nhiệm vụ lột vỏ, vì nó đơn giản và dễ làm, còn mài khoai thì má tôi chẳng cho tôi đụng vào, bởi đòi hỏi "tay nghề". Khi bào phải cầm nghiêng củ khoai, chà khoai vào bàn bào cho ra bột, đụng sợi chỉ cứng thì rút ra. Ngày nay, nếu muốn tiết kiệm thời gian thì có thể xay khoai mì bằng máy, nhưng khoai khi xay mịn sẽ không còn sợi như mài thì sẽ mất ngon. Sau khi mài xong, cho khoai vào bao vắt khô nước rồi mới tùy món mà chế biến.

Món nhà tôi thường ăn nhất là bánh cay, có người gọi là bánh khoai mì chiên và bánh càng cay càng ngon. Món này làm khá đơn giản. Khoai mì sau khi mài, vắt ráo sẽ được trộn chung với bột nghệ, ớt băm, hành lá xắt nhuyễn, muối, đường, bột ngọt, sau đó vắt thành từng miếng nhỏ. Bắc chảo dầu nóng, thả bánh vào chiên vàng, muốn bánh không bị ngấy dầu mỡ thì phải cho dầu ngập bánh, chiên chín vớt ra để trên giấy thấm dầu. Khi chiên cũng phải canh trở mặt thường xuyên, cho bánh chín đều bên trong mà không bị khét bên ngoài. Bánh này nên ăn nóng, lúc vừa chiên xong, để lâu bánh sẽ bị nguội và cứng, ăn không ngon.

Những ngày có nhiều thời gian, má sẽ làm bánh tằm khoai mì. Món này hơi mất công. Khoai sau khi mài, vắt ráo sẽ trộn chung với nước dảo và nước cốt dừa, đường, bột năng, nhồi thật đều. Chia khoai thành 2 hoặc 3 phần tùy theo muốn pha mấy màu, thường má tôi không dùng phẩm màu mà chỉ lấy nước lá dứa. Cách lấy nước lá dứa cũng rất dễ, chỉ cần rửa sạch lá, cắt nhỏ, nếu không có máy xay thì giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt. Dùng nước này pha vào một phần bột, một phần để nguyên. Thoa một lớp dầu ăn vào khuôn, cho từng loại bột vào, lần lượt đặt vào xửng hấp chín, thấy bột trong là được. Sau khi hấp xong, lấy bánh ra xắt thành sợi hoặc vo viên tròn tùy thích, rồi lăn qua dừa bào để bánh bám đều dừa. Má tôi còn rang mè, trộn với muối rắc lên bánh, không thì cứ để vậy ăn vẫn ngon.

Bánh tằm khoai mì. Ảnh Mỹ Thuật

Sau này tôi biết thêm một cách làm bánh nữa, đó là bánh khoai mì đậu xanh nướng. Để làm bánh, lấy khoai mì ngâm, rửa sạch, mài ra bột, vắt khô nước. Đậu xanh ngâm mềm, hấp chín, nêm vào ít muối, tán nhuyễn. Cho khoai và đậu xanh vào thố, cho nước cốt dừa, bột năng, sữa đặc, đường, muối, vani vào nhồi đều, kỹ hơn thì có thể cho vào máy xay. Bật lò nướng trước cho nóng, lấy bơ hoặc dầu ăn thoa đều khuôn, lót giấy nến lên, trút hỗn hợp bột đã trộn vào, cho vào lò nướng khoảng 60-90 phút là bánh chín. Bánh này không nên ăn vội mà để nguội, cho vào tủ lạnh 3-4 tiếng lấy ra bánh sẽ dẻo lại, ăn rất béo, thơm.

Khoai mì- món ăn dân dã trở thành quà vặt khoái khẩu của nhiều người. Ảnh Mỹ Thuật

Khoai mì, với những món bánh thơm ngon dân dã - giờ đã là món quà vặt khoái khẩu của nhiều người. Bất cứ lúc nào, bạn cũng có thể mua bánh khoai mì, khoai mì hấp, hay bánh tằm khoai mì ở những hàng quán ngoài đường. Nhưng với nhiều người như gia đình tôi, bánh khoai mì tuyệt nhất vẫn là khoai nhà tự làm, vừa ngon vừa hợp khẩu vị các thành viên.

Mỹ Thuật

www.phunuonline.com.vn

khoai mì, bánh tằm khoai mì, khoai mì nướng


      © 2021 FAP
        226,961       701