Dinh dưỡng

Mẹo bảo quản thực phẩm ngày Tết

PNCN - Ngày Tết, các bà nội trợ thường mua khá nhiều loại thực phẩm và gia vị dự trữ. Tuy nhiên, nếu không khéo bảo quản thực phẩm sẽ chóng hỏng.

Rau củ & gia vị tươi

Rau các loại: rau cải, tần ô, xà lách xoong, rau muống… khi mua về giũ sạch đất cát, cắt bỏ rễ, lặt bỏ bớt những lá hư úa rồi bọc bằng giấy hút ẩm, cho vào bao ni lông có đục lỗ rồi để ngăn trữ rau tủ lạnh.

Riêng ngò rí nhặt xong rửa sạch, dùng khăn giấy lau khô rồi cho vào hộp đậy kín để ở ngăn mát. Cần tây cho vào túi ni lông trước khi để vào tủ lạnh.

Khoai tây: cho vào túi giấy khô và để ở nơi thoáng mát, tránh xa ánh nắng mặt trời, không bảo quản chung với củ hành khô hoặc táo vì dễ bị mọc mầm. Không sử dụng khoai đã mọc mầm vì dễ gây ngộ độc.

Cà rốt: cắt sạch cuống lá và để nơi thoáng mát, dựng đứng cà rốt sao cho cuống lá ở trên, nếu có cát cắm vào càng tốt. Không rửa cà rốt khi chưa dùng.

Cà chua: cà chua chưa chín hẳn để ở nơi thoáng mát, không gần với các rau củ quả khác. Nếu cà chua quá chín thì cho vào túi ni lông hoặc hộp kín rồi để ở ngăn rau quả vì cà chua không chịu được không khí lạnh.

Bông cải: cắt sạch cuống lá gần sát bông, dùng dây buộc lại rồi treo lên nơi thoáng mát, đầu bông chúc xuống. Hoặc bọc vào giấy bạc rồi để vào tủ lạnh.

Bắp cải: dùng dây buộc xuyên qua cuống rồi treo lên, để nơi thoáng mát.

Dưa leo: để trên một cái giá, phía dưới để tô nước để duy trì độ ẩm cho dưa. Không nên cho vào tủ lạnh vì dưa dễ bị mất nước.

Ớt tươi: rửa sạch rồi cắt bỏ cuống, dùng khăn giấy lau khô, cho vào hộp kín hoặc túi có khóa kéo; tốt nhất nên hút hết không khí ra, sau đó bảo quản trên ngăn đá tủ lạnh.

Chanh tươi: với chanh nguyên trái, rửa thật sạch, lau khô rồi cho vào túi ni lông buộc kín, để vào ngăn rau quả tủ lạnh. Chanh cắt dở úp vào đĩa có ít giấm sẽ giữ tươi lâu hơn, không nên cho vào tủ lạnh vì sẽ chóng khô.

Gừng tươi: có thể bảo quản ở nhiệt độ bình thường, chỉ cần để nơi khô ráo, thoáng mát, gừng để trần hoặc bọc vào giấy bạc đều được.

Hành lá: cắt bỏ rễ, rửa sạch rồi cắt nhỏ, cho vào túi kín miệng rồi để ở ngăn đá tủ lạnh, khi cần sử dụng lấy ra một ít rồi để lại vào ngăn đá.

Sả: rửa sạch, cắt khúc hoặc xay nhuyễn, cho vào túi kín miệng, hút hết không khí ra rồi niêm miệng bao cho chặt, cho vào ngăn đá để dành dùng dần. 

Thực phẩm & gia vị khô

Tôm khô: tôm khô mua ở chợ thường còn hơi ẩm, nên phơi nắng khoảng hai-ba ngày nắng cho tôm thật khô rồi cho vào túi ni lông buộc kín, bỏ vào lọ đậy kín rồi để ở ngăn mát tủ lạnh. Nếu muốn bảo quản lâu hơn thì để trên ngăn đá.

Mực khô: phơi nắng lại cho khô rồi bọc vào giấy hút ẩm, để vào túi ni lông buộc chặt rồi bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, hoặc trên ngăn đá nếu dùng lâu.

Cá khô: tốt nhất là phơi nắng lại cho thật khô, rồi bọc lại bằng giấy báo để ở ngăn mát tủ lạnh hoặc treo ở nơi nhiều nắng, thoáng gió.

Lạp xưởng: phun một lớp rượu trắng lên lạp xưởng rồi cho vào lọ đậy kín, có thể bảo quản lâu mà không bị mất mùi.

Măng khô: cho vào túi có khóa kéo rồi để ở nơi tối, mát.

Nấm hương, nấm đông cô: cho nấm vào hộp nhựa hoặc túi ni lông rồi để nơi tối, mát, không ẩm ướt hoặc cho vào túi khóa để nơi cửa tủ lạnh.

Tỏi, hành củ: tốt nhất cho vào túi lưới hoặc rổ thông hơi rồi treo nơi thoáng mát, khô ráo.

Hành tây: cất giữ nơi khô thoáng hoặc bọc từng củ vào giấy bạc rồi để ở ngăn mát tủ lạnh.

NGUYỄN NGOAN

www.phunuonline.com.vn

bảo quản thực phẩm ngày Tết


      © 2021 FAP
        232,668       781