Xã hội

Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách

Nợ quá hạn tín dụng chính sách tại Đồng Nai chỉ ở mức 0,33%, thấp hơn mức bình quân cả nước (0,35%). Song toàn tỉnh vẫn có đến 4 huyện, thành phố cùng 9 xã và các hội, đoàn thể nhận vốn ủy thác có số nợ quá hạn từ 0,43 đến trên 2%.

Người dân vay vốn tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai tại trụ sở UBND phường Thanh Bình (TP.Biên Hòa)
Người dân vay vốn tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai tại trụ sở UBND phường Thanh Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: Văn Truyên

TIN LIÊN QUAN
Do đó từ nay đến cuối năm, ngoài việc tập trung giải quyết cho vay tín dụng chính sách theo nhu cầu với số tiền dự kiến giải ngân cho vay khoảng từ 260-270 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai nhiều giải pháp tập trung kéo giảm nợ quá hạn.

* Nợ quá hạn gia tăng

Nợ quá hạn đến ngày 30-9-2019 trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai là hơn 7,8 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với nợ quá hạn đầu năm. 4 đơn vị cấp huyện nợ quá hạn còn ở mức cao là: TP.Biên Hòa có nợ quá hạn 0,72%; 3 huyện Tân Phú, Định Quán và Long Thành lần lượt có tỷ lệ nợ quá hạn là 0,48%, 0,47% và 0,43%. Ngoài ra, có 4 xã và 130 tổ tiết kiệm và vay vốn có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%; 5 xã, 65 tổ tiết kiệm và vay vốn đang có tỷ lệ nợ quá hạn trên 1,5% đến dưới 2%.

Vụ trưởng Vụ Địa phương II Văn phòng Trung ương Đảng Đinh Văn Vượng cho biết, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, nợ đọng kéo dài hay chiếm dụng vốn với số tiền lớn gây thất thoát nguồn vốn nhà nước. Vì vậy, Đồng Nai cần tăng cường công tác giám sát nguồn vốn tín dụng chính sách đối với cấp tỉnh, huyện, hội - đoàn thể nhận ủy thác vốn cũng như giám sát sử dụng nguồn vốn đối với người vay. Đồng thời cần có những sự rà soát, điều chỉnh để kịp thời hỗ trợ cho người nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận vốn vay theo đúng quy định.

Để giải quyết nợ quá hạn, nợ khoanh, theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai Huỳnh Công Nam, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà hệ thống ngân hàng chính sách xã hội có những biện pháp xử lý khác nhau. Trong đó, đối với những hộ vay do bệnh tật hiểm nghèo, ảnh hưởng bởi thiên tai làm mất vốn, tai nạn bất ngờ... ngân hàng tiến hành giãn thời gian trả nợ, khoanh nợ hoặc xóa nợ.

9 tháng của năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã đề nghị và được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho xử lý xóa nợ 2 đợt với 106 món vay với tổng nợ gốc và lãi là hơn 1,4 tỷ đồng. Riêng đợt 3, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai đang rà soát, lập hồ sơ để báo cáo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục xem xét, cho xử lý xóa nợ đối với 175 món vay với tiền nợ gốc hơn 1,8 tỷ đồng.

Một số địa phương đang chủ động đề ra những biện pháp hỗ trợ những hộ đang nợ xấu trả nợ bằng các nguồn khác của địa phương để các hộ có điều kiện tái đầu tư làm ăn. Trong đó, dự án Hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh của Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán thực hiện đang phát huy tác dụng tốt. Dự án này cung cấp khoản vay nhỏ không lãi suất từ 5-20 triệu đồng trong thời gian 3 năm cho hộ nghèo từng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng do làm ăn gặp rủi ro nên mất vốn, không có khả năng trả.

Ông Hoàng Ngọc Khang (ngụ ấp 5, xã Phú Tân, huyện Định Quán) cho hay, trước kia ông vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi dê. Nhưng do dịch bệnh, giá dê thịt lại  giảm sâu nên ông mất vốn. Năm 2014, ông được vay 10 triệu đồng từ dự án Hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh của Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán thực hiện. Cách đây hơn 2 năm, ông Khang đã trả lại số vốn cho Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán và Ngân hàng Chính sách xã hội. Đầu năm 2017, gia đình ông Khang được xét ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Theo ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai, ngân hàng đặc biệt quan tâm các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ nợ quá hạn trên 1% hay ở  4 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn cao. Những nơi này, chi nhánh sẽ tiến hành rà soát và lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đủ điều kiện theo quy định; đồng thời tăng cường việc xử lý thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn và không để phát sinh nợ bị chiếm dụng.

* Mở rộng người được vay

Cùng với những nỗ lực kéo giảm nợ xấu, trong những tháng cuối năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai tập trung vào việc tạo điều kiện để người dân tiếp cận với tín dụng chính sách theo quy định của Nhà nước. Trong đó, chi nhánh tập trung giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2019, phấn đấu đến cuối năm tổng dư nợ đạt trên 2,5 ngàn tỷ đồng, tăng 220 tỷ đồng so với cuối năm 2018.

Theo ông Huỳnh Công Nam, hiện do nhu cầu vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm tăng cao nên Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai đang kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bổ sung tăng thêm cho chi nhánh 40 tỷ đồng để giải quyết nhu cầu trong năm 2019; đồng thời xin bổ sung tăng chỉ tiêu kế hoạch cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 30 tỷ đồng.

Ngoài ra, do hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của Đồng Nai ngày càng giảm nên số hộ được vay vốn, số tiền cho vay với chương trình cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng giảm. Vì thế, chi nhánh cũng kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam giảm 30 tỷ đồng đối với nguồn tiền dành cho chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Riêng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, chi nhánh tập trung rà soát danh sách hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay nhưng chưa được vay để thực hiện bình xét cho vay, hướng dẫn lập hồ sơ vay và giải ngân kịp thời. Bên cạnh đó, sẽ nâng mức cho vay phù hợp nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh thực tế của hộ vay để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ vay duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả vốn vay.

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh cho hay, dự kiến đến năm 2020, số hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh sẽ còn rất ít. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của hộ khó khăn rất lớn, đây lại là đối tượng dễ tái nghèo. Do đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai nên có kiến nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam mở rộng đối tượng vay để người dân có nhu cầu về vốn dễ dàng tiếp cận.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,115,517       535