Xã hội

Bài toán giảm nghèo bền vững

Từ khi các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và đặc biệt là Nghị quyết 05 của Huyện ủy về công tác giảm nghèo được triển khai, số hộ nghèo ở huyện Định Quán giảm đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân thay đổi tích cực, an sinh xã hội được nâng lên, bộ mặt huyện từ thị trấn đến nông thôn có nhiều khởi sắc.

Anh Phạm Văn Thuận (ấp 4, xã Thanh Sơn) bên đàn bò từ nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo.
Anh Phạm Văn Thuận (ấp 4, xã Thanh Sơn) bên đàn bò từ nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo

TIN LIÊN QUAN
Mới đây, huyện Định Quán được công nhận là huyện nông thôn mới. Đây vừa là sự ghi nhận, đồng thời là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục nỗ lực đưa kinh tế - xã hội của huyện đi lên.

* Chính quyền, nhân dân đồng lòng

Định Quán là huyện thuần nông nhưng điều kiện về đất đai, nguồn nước, giao thông không thực sự thuận lợi. Huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, nhưng trình độ và thói quen canh tác lạc hậu khiến cho kinh tế huyện trước đây chưa thể phát triển.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, huyện Định Quán đã có bước chuyển mình đáng kể. Năm 2018, giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện Định Quán tăng trưởng ổn định, nông - lâm - thủy sản tăng trên 4%, công nghiệp tăng trên 6%, dịch vụ tăng trên 7%. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa lớn, nông nghiệp sạch, công nghệ cao; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các công trình thủy lợi, đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, nhà văn hóa được quan tâm đầu tư. Thu nhập và chất lượng đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Bà Nguyễn Thị Diễm Châu, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán chia sẻ, có được kết quả đáng mừng như trên là nhờ sự nỗ lực, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện.

Thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo và Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, chính quyền tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, từ Quỹ Vì người nghèo để phát triển sản xuất và chăn nuôi; thành lập các dự án hỗ trợ con giống cho bà con.

Cùng với đó, huyện tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Nhờ đó, mỗi năm có hàng trăm hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, trong đó đa phần là thoát nghèo bền vững. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở huyện chỉ còn 2%.

* Hướng đến giảm nghèo bền vững

Là một trong số hộ được "tiếp sức" xóa nghèo, anh Phạm Văn Thuận (ấp 4, xã Thanh Sơn) chia sẻ, nhà có 5 miệng ăn nhưng không có đất sản xuất, không nghề nghiệp, 3 con quá nhỏ nên quanh năm đi làm thuê vẫn thiếu trước hụt sau. Ước mơ của gia đình anh Thuận là có được sinh kế để làm ăn.

Một hộ nghèo được hỗ trợ vốn để trồng tiêu tại xã Thanh Sơn
Một hộ nghèo được hỗ trợ vốn để trồng tiêu tại xã Thanh Sơn

Biết được hoàn cảnh của anh Thuận, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán đã tiếp sức cho gia đình anh 20 triệu đồng để mua bò, UBND xã hỗ trợ anh làm thủ tục vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để kinh doanh. Anh Thuận mua 2 con bò, đồng thời dựng quán nhỏ tự nấu nước trà giải nhiệt, sữa đậu nành bán tại nhà.

"Tôi trả được 15 triệu đồng tiền mua bò, 20 triệu đồng tiền vay ngân hàng rồi. Chắc khoảng năm nữa sẽ trả hết. Mỗi năm 2 con bò mẹ đẻ được 2 con, bán được gần 20 triệu đồng. Thu nhập từ quán này được 120-150 ngàn đồng/ngày. Nhờ vậy, 3 con của tôi được đi học. Tôi đang làm hồ sơ xin ra khỏi hộ nghèo, nhường suất đó lại cho hộ khác" - anh Thuận vui vẻ nói.

Ngoài dự án mô hình hỗ trợ bò giống, huyện Định Quán cũng đang triển khai nhiều dự án mô hình giảm nghèo khác là: hỗ trợ chăn nuôi gà, hỗ trợ chăn nuôi dê. Thống kê 3 năm trở lại đây, huyện đã xây dựng được 8 dự án với tổng số hơn 600 hộ tham gia. Qua đánh giá, hơn 80% số hộ tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo sau 2 năm.

Ông Đỗ Thành Trung, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn, địa phương có nhiều hộ nghèo nhất huyện cho rằng, các dự án hỗ trợ thoát nghèo, cận nghèo đang phát huy hiệu quả rất tốt. Nếu như năm 2017, Thanh Sơn có hơn 550 hộ nghèo thì đến nay còn gần 200 hộ nghèo theo chuẩn của Đồng Nai, còn nếu so với chuẩn của cả nước chỉ còn dưới 100 hộ.

Chia sẻ về cách làm của xã, ông Đỗ Thành Trung cho biết, cán bộ ấp đi rà soát, cán bộ xã và huyện sẽ xác minh lại. Trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo, chính quyền xã sẽ hỗ trợ hộ gia đình đó làm hồ sơ vay vốn từ các nguồn ưu tiên; đồng thời kiến nghị huyện hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăm sóc, canh tác từ các dự án. Để đồng vốn, con giống phát huy hiệu quả, xã phân công mỗi đảng viên phụ trách một hộ nghèo. Định kỳ hằng quý, đảng viên phải báo cáo tình hình sử dụng vốn của hộ nghèo đó về xã. Hộ nào vay vốn sử dụng không đúng mục đích hoặc không hiệu quả thì đảng viên phụ trách sẽ bị phê bình.

Bà Nguyễn Thị Diễm Châu, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp, nhân rộng các mô hình giảm nghèo phù hợp từng khu vực, từng cộng đồng dân tộc; tiếp tục vận động các cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ đảng viên ủng hộ, tiếp sức cho người nghèo vươn lên, trong đó ưu tiên hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số, đẩy mạnh cho vay tín dụng, hỗ trợ giáo dục, dạy nghề cho người nghèo; tuyên truyền nâng cao kiến thức, thay đổi nhận thức của người nghèo.

Bài, ảnh: Hoàng Lộc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,115,525       505