Xã hội

Hệ lụy của việc thiếu kiến thức sức khỏe sinh sản

Nạo phá thai (còn gọi là đình chỉ thai ngoài ý muốn) ở tuổi vị thành niên (VTN) không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà thậm chí còn ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng làm mẹ sau này của trẻ. Do đó, cần sự quan tâm từ gia đình, nhà trường và các ngành liên quan để ngăn chặn kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tư vấn cho một trẻ vị thành niên về giới tính tại Khoa Sức khỏe sinh sản (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Tư vấn cho một trẻ vị thành niên về giới tính tại Khoa Sức khỏe sinh sản (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh)

* Lạm dụng thuốc phá thai

Có thai ngoài ý muốn khi đang học lớp 11, sợ cha mẹ biết nên T.A. (17 tuổi, ở phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đã tự ý mua thuốc phá thai về uống. Sau hơn 1 ngày uống thuốc, A. thấy đau bụng, chảy máu có vón cục, A. nghĩ cái thai đã giải quyết xong nên yên tâm. Một tuần sau thấy người mệt mỏi, bị rong kinh nhiều nên A. mới nói thật với mẹ. Lo lắng  cho con, mẹ A. đã đưa em đến Khoa Sức khỏe sinh sản thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh khám mới biết sót nhau và viêm phụ khoa.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, người bán thuốc phá thai thì tư vấn sơ sài, vì lợi nhuận, còn người mua chỉ nhằm mục đích giải quyết được thai. Chính sự thiếu hiểu biết và sợ gia đình, bạn bè biết nên có nhiều bạn trẻ đến khám trong tình trạng băng huyết, sót nhau, nhiễm khuẩn nặng…

“Dù trẻ VTN hay những người đã có gia đình, nếu muốn phá thai thì nên đến cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn và có phương pháp đình chỉ thai thích hợp. Không nên mua thuốc phá thai uống tùy tiện, nếu uống thuốc tùy tiện trong khi cơ địa có nhiều căn bệnh nội khoa thì rất nguy hiểm” - bác sĩ Phương Anh cho hay.

Theo bác sĩ Đồng Phạm Hải, Khoa Sản khu dịch vụ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, sử dụng thuốc phá thai tuy tiện lợi và kín đáo nhưng nó lại có nhiều biến chứng nếu không kiểm soát tốt như: băng huyết, nhiễm trùng nặng, thủng tử cung và thậm chí ảnh hưởng đến việc sinh đẻ về sau.

* Hậu quả của sự thiếu hiểu biết

Bên cạnh việc phá thai bằng thuốc, các phòng khám y tế tư nhân cũng là sự lựa chọn của trẻ VTN hiện nay. Bởi khi đến các phòng khám tư, các em được giải quyết nhanh chóng mà không cần có người giám hộ hay cha mẹ. Còn khi đến cơ sở y tế nhà nước, bắt buộc phải có người giám hộ hoặc cha mẹ, các em không được quyền quyết định phá thai và cơ sở y tế nhà nước cũng không được quyền nạo phá thai khi không có người giám hộ. Do đó, các phòng khám tư nhân sẽ giải quyết được nhu cầu trước mắt, còn những hậu quả về sau thì các em phải gánh chịu.

Theo bác sĩ Đồng Phạm Hải, Khoa Sản khu dịch vụ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên là do sự thiếu hiểu biết về kiến thức sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục quá sớm, một số trẻ muốn chứng minh mình và càng cấm thì các em càng làm tới. Để giúp trẻ vị thành niên có kiến thức về vấn đề sức khỏe sinh sản và hạn chế tình trạng nạo phá thai, cần sự quan tâm tích cực từ gia đình, nhà trường và các đoàn thể trong xã hội.

Bác sĩ Phương Anh cho hay, khi phá thai, dù có thực hiện ở cơ sở chuyên khoa nhà nước hay các phòng khám tư nhân thì trẻ VTN vẫn có thể đối diện với nhiều biến chứng xảy ra. Nếu được thực hiện ở các cơ sở y tế nhà nước thì khả năng tai biến ít khi xảy ra hơn, bởi bên cạnh vấn đề chuyên môn của bác sĩ, tuân thủ quy định thì khi trẻ VTN có người giám hộ đi cùng trong hoàn cảnh này là rất quan trọng. Vì khi về nhà, trẻ VTN sẽ được người nhà hướng dẫn cách vệ sinh để tránh các bệnh viêm nhiễm, quan tâm chăm sóc về thể chất và tinh thần sẽ giúp trẻ VTN thoải mái, việc học hành được đảm bảo.

Còn ở những cơ sở y tế tư nhân, do không tuân thủ quy định về chuyên môn, kỹ thuật đảm bảo vô khuẩn, khử khuẩn sẽ làm gia tăng tai biến nhiều hơn. Một trong những tai biến đó là: thủng tử cung, băng huyết, viêm phụ khoa, dính ống vòi trứng, khả năng lây truyền các bệnh… Thậm chí khi cơ thể và tử cung chưa phát triển hoàn chỉnh, nếu phá thai sẽ không chịu được ngưỡng đau, điều này sẽ ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý, học hành và nặng hơn là ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ sau này.

* Cần giáo dục giới tính cho trẻ

Theo số liệu thống kế từ Khoa Sức khỏe sinh sản Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 4.330 trường hợp nạo phá thai, trong đó trẻ VTN 174 trường hợp, chiếm 4%. 5 tháng đầu năm nay, có 1.660 trường hợp nạo phá thai, trong đó có 23 trường hợp trẻ VTN, chiếm gần 1,4%.

Theo bác sĩ Phương Anh, những số liệu trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Vì đây là số liệu thống kê từ các bệnh viện và các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Còn những phòng khám y tế tư nhân không có báo cáo về tình hình nạo phá thai này.

Cũng theo bác sĩ Phương Anh, hiện nay vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản tại học đường chưa được đẩy mạnh do một số quan niệm “vẽ đường cho hươu chạy” nên nhiều nhà trường và giáo viên ngại tiếp xúc về vấn đề này. “Giáo dục giới tính không phải “vẽ đường cho hươu chạy” mà  là giúp cho các bạn trẻ tránh những điều không hay có thể xảy ra. Chính tâm lý e dè, né tránh này, các em sẽ không có đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản, dần dần sẽ khiến cho tình trạng nạo phá thai ngày càng tăng” -  bác sĩ Phương Anh nói.

Để hạn chế tình trạng nạo phá thai, cần đẩy mạnh giáo dục tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản tại các trường học.  Cần hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng nạo phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.

Sao Mai

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,118,251       462