Xã hội

Khó tuyển dụng giáo viên mầm non

Nhiều trường mầm non công lập và tư thục trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại TP.Biên Hòa ngày càng khó tuyển dụng giáo viên mầm non.

Ông Nguyễn Bá Minh (thứ hai từ phải qua), Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Bộ GD-ĐT và Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang (bìa phải) tham quan Trường mầm non Những Bông Hoa Nhỏ (phường Hóa An, TP.Biên Hòa)
Ông Nguyễn Bá Minh (thứ hai từ phải qua), Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Bộ GD-ĐT và Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang (bìa phải) tham quan Trường mầm non Những Bông Hoa Nhỏ (phường Hóa An, TP.Biên Hòa)

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết: “Năm học 2018-2019, Phòng GD-ĐT Biên Hòa đăng thông báo tuyển dụng 60 giáo viên mầm non nhưng chỉ nhận được 40 hồ sơ. Còn năm học sắp tới phòng có kế hoạch tuyển tiếp 30 giáo viên mầm non nữa nhưng chưa biết có tuyển đủ số lượng hay không”.

* Áp lực giáo viên mầm non

Sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng mầm non Trường đại học Đồng Nai, cô Đoàn Thị Thu S. được tuyển dụng về công tác ở một trường mầm non công lập tại TP.Biên Hòa. Mức lương khởi điểm cô S. nhận được chưa tới 4 triệu đồng/tháng và 500 ngàn đồng trợ cấp chính sách cho giáo viên mầm non công lập.

TS.TRẦN MẶC KHÁCH, Hiệu trưởng Trường trung cấp Mai Linh

Tuyển sinh khó khăn

Nhiều sinh viên ngành sư phạm ra trường khó xin được việc làm và dễ thất nghiệp, nhưng sinh viên sư phạm mầm non thì ngược lại. Sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng mầm non xin việc ở đâu là trúng tuyển ở đó, nhất là vào các cơ sở giáo dục mầm non tư thục vì nguồn tuyển dụng luôn thiếu. Tuy nhiên, ngày càng có ít sinh viên đăng ký thi tuyển và xét tuyển ngành sư phạm nói chung, trong đó có sư phạm mầm non. Vì chuẩn đầu vào cao, số thí sinh trúng tuyển khó nên khan hiếm nguồn học viên.

Cô S. giãi bày: “Quy định 1 ngày làm việc của người lao động là 8 giờ nhưng thực tế những giáo viên mầm non chúng tôi thường phải làm việc từ 9-10 giờ/ngày. Buổi sáng phụ huynh thường gửi trẻ từ sớm, khoảng 6 giờ 30, còn buổi chiều không ít phụ huynh đón trẻ khá trễ, sau 17 giờ, giáo viên buộc phải đợi khi trẻ về hết mới được ra về. Làm thêm trên 300 giờ/năm nhưng thực tế chỉ được tính không quá 200 giờ”.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên mầm non, giáo viên các bậc học khác buổi trưa thường có từ 1-2 giờ về nhà nghỉ ngơi còn giáo viên mầm non bước chân đến trường là làm việc luôn tay cho đến chiều. Thậm chí lúc trẻ ngủ trưa là lúc các cô phải tranh thủ làm một số việc không tên như: ghi chép sổ theo dõi trẻ, viết báo cáo, ghi sổ liên lạc, làm đồ dùng dạy học, đồ chơi, vệ sinh lớp học…

Cô Phan Kim Dung, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Đa cho biết, nhiều giáo viên trẻ mới bước chân vào nghề không khỏi bị “choáng” bởi cường độ công việc khá căng thẳng. Để thích nghi, nhiều giáo viên phải mất ít nhất 6 tháng đến 1 năm. Ngoài áp lực về công việc thì vấn đề thu nhập cũng khiến giáo viên mầm non dao động.

“Giáo viên mầm non công lập lương khởi điểm từ 3,5-4 triệu đồng/tháng, cộng thêm phụ cấp cũng chưa đủ để trang trải cuộc sống. Đó là chưa kể đến những giáo viên không có nhà ở, phải đi thuê nhà thì áp lực còn lớn hơn nhiều” - cô Dung bộc bạch.

* Lo “giữ chân” giáo viên mầm non

Bà Giang Thị Chuốt, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Bé Ngoan (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho rằng, hiện tượng giáo viên mầm non “nhảy việc” không còn hiếm, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập chưa thỏa đáng. Muốn thu hút và “giữ chân” giáo viên mầm non thì phải tạo được môi trường hấp dẫn ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất là thu nhập tương xứng, thứ hai là môi trường làm việc phải phù hợp để tạo cảm hứng làm việc lâu dài cho giáo viên.

Giáo viên mầm non tham dự hội thi sáng tạo dạy học trên màn hình tivi thông minh do Sở GD-ĐT tổ chức.
Giáo viên mầm non tham dự hội thi sáng tạo dạy học trên màn hình tivi thông minh do Sở GD-ĐT tổ chức.

Việc khó “giữ chân” giáo viên mầm non đã khiến nhiều trường e dè chuyện đầu tư cho giáo viên đi học nâng cao trình độ. Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) cho hay, do cần một đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn bài bản nên trường quyết đầu tư cho 2 giáo viên đi học nâng cao trình độ đại học sư phạm mầm non từ cuối năm 2016. Đến giữa năm 2018, cả 2 giáo viên này đều tốt nghiệp trở về trường công tác. Thế nhưng mới đây, một giáo viên lập gia đình, sinh con nhỏ rồi xin nghỉ việc luôn. Người còn lại thì xin nghỉ việc để đi làm ở nơi khác với thu nhập cao hơn và ít gò bó hơn về thời gian khiến trường “mất cả chì lẫn chài”.

Theo Phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT, các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh cơ bản đủ giáo viên, tuy nhiên các trường mầm non, nhà, nhóm trẻ tư thục lại đang thiếu giáo viên với nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân chính là khó tuyển dụng. Bên cạnh đó, một số cơ sở và nhà, nhóm trẻ tư thục cố tình không tuyển đủ, không bố trí đủ số lượng giáo viên tối thiểu/lớp với mục đích giảm chi phí thuê giáo viên.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non hệ công lập với mức 500 ngàn đồng/ tháng. Cuối năm 2018, HĐND tỉnh từng tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với giáo viên mầm non các trường công lập tại các huyện Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ bất cập. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng, nếu chế độ cho giáo viên mầm non không thay đổi kịp nhu cầu của cuộc sống thì sẽ khó thu hút sinh viên theo học ngành sư phạm mầm non, việc tuyển dụng và chất lượng nguồn tuyển sẽ thêm phần khó khăn.

Công Nghĩa

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,119,011       704