Kinh tế

Đưa rau sạch đi xa

Với tổng diện tích trên 540 hécta trồng rau, tập trung ở các xã: Gia Kiệm, Gia Tân 1, 2, 3... huyện Thống Nhất đang tích cực xây dựng các mô hình trồng rau sạch nhằm đưa sản phẩm địa phương đến nhiều nơi trong cả nước.

TIN LIÊN QUAN

Rau cần nước sau khi thu hoạch được vận chuyển đi khắp nơi
Rau cần nước sau khi thu hoạch được vận chuyển đi khắp nơi. Ảnh:M.Quân

Để đạt được mục tiêu tìm hướng đi mới cho nông sản của địa phương, nhiều nông dân trồng rau ở huyện Thống Nhất đang nỗ lực xây dựng mô hình trồng rau theo hướng VietGAP và tạo chuỗi cung ứng khép kín từ khâu trồng, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả sạch.

* Tăng diện tích trồng rau

Xã Gia Kiệm là địa phương nổi tiếng với cánh đồng rau cần nước. Đây là nơi duy nhất trong tỉnh trồng được rau cần nước với chất lượng tốt nên được tiêu thụ mạnh tại thị trường các tỉnh, thành như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Với lợi thế đó, những năm qua, diện tích trồng rau cần nước tại xã Gia Kiệm luôn tăng dần theo mỗi năm (trên 40 hécta vào năm 2014, nay là 51 hécta). Ông Hoàng Văn Khanh, nông dân trồng cần nước tại xã Gia Kiệm cho biết, cánh đồng rau cần nước hiện có khoảng 110 hộ đang canh tác. Trung bình mỗi ngày vùng rau cần nước cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn. Theo ông Khanh, do đặc điểm của cây rau cần nước là phải sống trong môi trường nước sạch, nước càng sạch thì rau càng đẹp và ngon. Do là vùng duy nhất trồng được rau cần nước nên nơi đây luôn tăng diện tích và người trồng theo mỗi năm.

Tại các xã Gia Tân 1, 2, 3 cũng tập trung nhiều cánh đồng rau, củ, quả các loại có diện tích hàng trăm hécta. Một trong những cánh đồng rau có sản lượng lớn phải kể đến Cánh đồng rau Tân Yên (xã Gia Tân 3) với diện tích 165 hécta. Cánh đồng rau Tân Yên được xây dựng là vùng chuyên canh cây rau của Thống Nhất, là một trong những vùng rau lớn của tỉnh. Để vùng rau phát triển bền vững, huyện đã triển khai đầu tư, nâng cấp đường giao thông, hệ thống kênh mương, điện về tận cánh đồng phục vụ sản xuất cho nông dân. Đặc biệt, dù chưa thực hiện sản xuất theo mô hình VietGAP nhưng nông dân lâu nay vẫn trồng rau theo hướng sạch.

Toàn bộ sản lượng rau của Thống Nhất hiện nay cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận, việc xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả sẽ giúp cây rau của nông dân được nâng giá trị, nhất là những vùng chuyên canh rau.

* Hướng đến sản xuất rau sạch

Để giá trị cây rau trên địa bàn huyện đứng vững trên thị trường và có thương hiệu với rau sạch, an toàn, huyện Thống Nhất hiện đang xây dựng mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP đối với 51 hécta rau cần nước tại xã Gia Kiệm.

Nông dân thu hoạch rau đay tại cánh đồng rau sạch Tân Yên (xã Gia Tân 3).
Nông dân thu hoạch rau đay tại cánh đồng rau sạch Tân Yên (xã Gia Tân 3). Ảnh:M.Quân

Ông Hoàng Văn Khanh cho biết, bản thân rau cần nước đã yêu cầu phát triển môi trường nước sạch nên việc bổ sung một vài chi tiết để vùng rau đạt chuẩn VietGAP là không khó. Hơn nữa, nếu vùng rau đạt chuẩn VietGAP thì đây sẽ là cơ hội cho rau cần nước thâm nhập vào một số thị trường ổn định, thậm chí có thể xuất ngoại như một số tỉnh khác đã làm. Hiện Hợp tác xã (HTX) rau cần nước đã có 20 thành viên tham gia, khi cánh đồng rau đạt VietGAP sẽ là cơ sở để HTX tổ chức tìm đầu ra cho cả thị trường đòi hỏi chất lượng đầy đủ như siêu thị, các doanh nghiệp chế biến rau, thậm chí có thể xuất khẩu rau sang các nước khác.

Bà An Tú Anh, Giám đốc HTX rau sạch Tân Yên cho biết, HTX của bà vừa ký kết hợp đồng cung cấp 30 tấn rau đay/tháng cho một công ty lớn. Như vậy mỗi ngày bà Anh cần 1 tấn rau đay, để ổn định vùng nguyên liệu, bà Anh phải vận động nông dân trồng rau cung cấp cho HTX. Bà Anh nhận định, không chỉ rau đay, hiện tại bà Anh có nhiều nguồn lấy hàng với số lượng lớn, thậm chí xuất khẩu, nhưng bài toán lớn nhất hiện nay yêu cầu bà phải nhận được sự đồng lòng của người dân cùng cam kết trồng và cung cấp rau cho HTX. Hiện tại, bà Anh đang chuẩn bị xây dựng xưởng sơ chế và kho lạnh để sơ chế và bảo quản các loại rau, củ, quả. Bên cạnh đó, HTX rau sạch Tân Yên đang hoàn tất thủ tục xây dựng chuỗi liên kết theo mô hình sản xuất khép kín từ trồng trọt cho tới thu mua nông sản. Với hệ thống nhà lạnh và xưởng sơ chế được xây dựng, HTX có cơ hội nhiều hơn trong việc tạo dựng thương hiệu riêng cho rau sạch vùng Thống Nhất. “Hiện có một số công ty trong nước đang rất muốn ký hợp đồng cung cấp lượng rau lớn đưa về các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu. Tôi hy vọng không chỉ cánh đồng Tân Yên mà rau từ các xã lân cận cũng sẽ được thu gom về một mối tiêu thụ chung để có thể ký kết hợp tác, đưa rau sạch Thống Nhất đi xa hơn” - bà Anh chia sẻ thêm.

Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất cho biết, Thống Nhất có tiềm năng rất lớn về phát triển cây rau, do đó trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo chủ trương của tỉnh, huyện đang hỗ trợ các HTX thực hiện các thủ tục làm rau VietGAP cho HTX rau cần và sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cho vùng rau Tân Yên; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đưa nông sản của mình vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, tạo cơ hội quảng bá sản phẩm nông sản địa phương, tìm đầu ra ổn định tại những thị trường lớn, tiến tới tạo thương hiệu cho vùng rau của Thống Nhất. Hiện nay, HTX rau sạch Tân Yên và Công ty TNHH Minh Cường đã xây dựng chuỗi liên kết thu mua sản phẩm rau, củ, quả của Thống Nhất để cung cấp cho 80 trường mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Minh Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,268,863       91