Kinh tế

Sớm đưa TP.Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Với chủ đề Phát triển TP.Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, ngày 18-10, UBND TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Diễn đàn kinh tế thành phố năm 2019 (HEF 2019).

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: NH
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: NH

Tham dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và gần 800 đại biểu là chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

* Chìa khóa đưa kinh tế TP.Hồ Chí Minh bứt phá

Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận 4 chủ đề chính, gồm: TP.Hồ Chí Minh hướng tới trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: Hiện trạng - mục tiêu và lộ trình thực hiện; Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một trung tâm tài chính quốc tế; Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một trung tâm tài chính quốc tế; Định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền thành phố để xây dựng TP.Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Mục tiêu quan trọng của diễn đàn là cung cấp các yếu tố đầu vào và lắng nghe các ý tưởng mới, tiếp thu những góp ý, phản biện của các đại biểu giúp thành phố đưa ra chiến lược sớm hiện thực hóa trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, mà thành phố đã ấp ủ cách đây gần 20 năm.

Với lợi thế tự nhiên và là động lực lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước và khu vực, các đại biểu dự diễn đàn tin rằng, thành phố đang đứng trước cơ hội để hình thành một trung tâm tài chính ngang tầm khu vực. Đây cũng là xu hướng tất yếu, là tiền đề quan trọng thu hút các doanh nghiệp, tổ chức tài chính đầu tư vào Việt Nam nói riêng và TP.Hồ Chí Minh nói chung ngày càng nhiều hơn.

Hiện ngành tài chính thành phố tăng trưởng bình quân khoảng 8,8%/năm, chiếm tỷ trọng 10% trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu và chiếm tỷ trọng 5,7% GRDP của thành phố. Ngành tài chính cũng đã giúp thành phố huy động khoảng 460 ngàn tỷ đồng/năm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù đạt được những kết quả khá tích cực, nhưng nhìn chung mức độ phát triển và quy mô giao dịch của thị trường tài chính vẫn còn nhỏ và nhiều khó khăn, chưa thật sự hấp dẫn các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, với ý chí kiên cường, tinh thần năng động sáng tạo, thành phố tự xác định trách nhiệm phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải đổi mới sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để tích lũy tài lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và rút ngắn thời gian hình thành trung tâm tài chính quốc tế. Bởi, đây là chìa khóa để đưa kinh tế thành phố bứt phá trong thời gian tới. Do đó, với vai trò là đầu tàu, trung tâm nhiều mặt của cả nước, cùng với độ mở thương mại ngày càng phát triển, thành phố cần nỗ lực để trở thành địa phương thực hiện thành công nhất mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình tăng trưởng.

TS.Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright, nêu lên những vấn đề mà thành phố đang phải đối mặt, nhất là khó khăn từ chính sách vĩ mô và pháp luật. Muốn trở thành trung tâm tài chính ngang tầm trong khu vực và thế giới, cần có sự đột phá đến từ các yếu tố như chính sách của quốc gia, từ chính tầm nhìn và quyết tâm tự thân của TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời, thành phố phải giải quyết cùng lúc nhiều bài toán, đặc biệt là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực. “Để trở thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, TP.Hồ Chí Minh cần phải là trung tâm tài chính quốc gia, từ đó tiến ra khu vực và thế giới. Vì thế, thành phố cần một cách tiếp cận khác phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tránh theo lối mòn truyền thống để tạo sự khác biệt và đột biến rút ngắn thời gian” - TS.Vũ Thành Tự Anh gợi mở.

Ông Trần Quốc Hùng, chuyên gia cao cấp về tiền tệ quốc tế đặt vấn đề: “Câu hỏi được đặt ra là làm sao để tiếp tục phát triển và nâng cấp TP.Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính quốc tế để đóng góp hữu hiệu hơn vào việc hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này, cần hiểu rõ sự đóng góp của hoạt động và trung tâm tài chính vào quá trình phát triển kinh tế, từ đó xác định mục tiêu của việc xây dựng trung tâm tài chính thành phố. Trên cơ sở đó, có thể phát hiện các điều kiện cần và đủ để đạt mục tiêu này sau khi so sánh thành phố với các trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực”.

Ông Trần Quốc Hùng cũng cho biết, có hai khía cạnh để đánh giá hiệu quả của thị trường tài chính. Một là, tạo ra điều kiện và phương tiện để người tiết kiệm có thể đầu tư số vốn của mình một cách dể dàng, an toàn và có lợi nhuận thích hợp, như thế giúp huy động được nhiều vốn. Hai là, hướng luồng tài trợ vào các doanh nghiệp tạo lợi nhuận cao, hoạt động trong các ngành có triển vọng phát triển trong tương lai. Làm được hai việc này, thị trường tài chính sẽ giúp phát triển kinh tế bằng cách tăng lượng vốn đưa vào kinh doanh, sản xuất và nâng cao sản phẩm, cụ thể là hiệu năng trong việc sử dụng vốn.

* Đưa ra các chính sách vượt trội

TS.Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: “Xét về ý tưởng, định hướng và mục tiêu, trong gần 20 năm qua, TP.Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng việc phát triển thị trường tài chính là một trong những lĩnh vực ưu tiên của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Công nghiệp - thương mại - tài chính đang khẳng định vị thế của thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phát triển thị trường tài chính ở địa bàn thành phố đã diễn ra không được như kỳ vọng. Làm thế nào để biến tiềm năng, lợi thế, khát vọng… thành hiện thực đang là bài toán lớn về phát triển, không chỉ đối với thành phố, mà còn là vấn đề lớn của cả nước”.

Do đó, TS.Trần Du Lịch nhấn mạnh, với chủ trương xây dựng đề án Phát triển TP.Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là việc làm không mới, nhưng rất cần thiết. Đây không phải vấn đề riêng của thành phố, mà chính là một bộ phận trong chiến lược kinh tế của quốc gia, với định hướng phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: TP.Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm tài chính lớn nhất Việt Nam, mà còn là địa phương đi đầu về công nghệ và cải cách hành chính. Về giáo dục, thành phố cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Cùng với đó, thành phố không chỉ có vị trí chiến lược mà còn có những chính sách đổi mới trong phát triển kinh tế. Cụ thể, thành phố đang xây dựng đề án Phát triển TP.Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để cùng thành phố đưa ra các chính sách vượt trội; các tỉnh, thành khác cùng chung tay, chung sức để thành phố sớm xây dựng thành công trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

L.V (tổng hợp)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,268,492       63