Pháp luật

'Hiệp sĩ' già và kinh nghiệm: không nên bắt cướp bằng mọi giá!!

TTO - Ông Đoàn Văn Hồng - người được xem là “hiệp sĩ” đầu tiên sau giải phóng, đã chia sẻ lại những câu chuyện săn bắt cướp "vang bóng một thời".

Hiệp sĩ già và kinh nghiệm: không nên bắt cướp bằng mọi giá!! - Ảnh 1.

"HIệp sĩ" Đoàn Văn Hồng bên cạnh vợ - Ảnh: SƠN BÌNH

Những ngày qua, nghe tin vụ án 5 "hiệp sĩ" bị đâm thương vong, ông Đoàn Văn Hồng, thường gọi là Hiệp, 60 tuổi, ngụ TP.HCM, chia sẻ: "Tui đau buồn dữ lắm, xin chia buồn với các đồng nghiệp của tui".

Không buồn sao được, bởi ít ai biết rằng, năm 1998, ông là một trong người dân đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen nhờ thành tích nhiều lần săn bắt cướp trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ông cũng được xem là "hiệp sĩ" đầu tiên ở TP.HCM từ sau giải phóng.

Nhớ lại chuyện xưa, ông nói sau giải phóng, ông là thanh niên làm nghề sửa xe tại quận Tân Bình, TP.HCM. Chứng kiến người dân bị cướp giật dã man và chính ông từng bị cướp chĩa súng vào đầu cướp xe, từ đó "máu" săn bắt cướp luôn "chảy" trong người ông…

Dũng cảm, mưu trí

Sau giải phóng, ông không nhớ rõ đã bắt bao nhiêu tên trộm, cướp giành lại tài sản cho người dân. Chỉ biết bắt xong, ông giao lại cho công an, rồi trở về tiệm sửa xe, không cần biết mình bị thương, xe hư hỏng ra sao. 

Hàng chục vụ bắt cướp mà ông kể được hồi tưởng nhờ xấp giấy khen của công an tặng mà ông còn lưu giữ.

Nói về kinh nghiệm săn bắt cướp, tuy không to cao, am hiểu võ thuật, nhưng bù lại ông là "cao thủ lái xe" và rất dũng cảm, linh hoạt xử lý từng tình huống cụ thể. Chính những ưu điểm đó khiến ông trở thành "khắc tinh" của tội phạm.

Một chiều tháng 8-1990, ông thoáng thấy một phụ nữ đạp xe đi vào hẻm nhỏ gần tiệm sửa xe, có hai người đi xe máy bám sát. Người lạ vào hẻm cụt làm gì? Ông nhìn qua tường rào, thấy người phụ nữ đi xe đạp nhanh chóng bị hôn mê, hai tên cướp lột dây chuyền bỏ chạy.

Ông lập tức lên xe đuổi theo qua nhiều ngả đường. Dù phát hiện ông phía sau nhưng hai tên cướp không thể cắt đuôi. "Tôi cứ bám theo tìm cơ hội, bởi có lao vào làm ngã xe, chưa chắc đã bắt được", ông Hồng nói.

Ông đeo bám đến gần ga Hòa Hưng thì thấy CSGT đứng bên đường. Ông nghĩ bụng "không hạ chỗ này thì không thể hạ chỗ nào nữa". 

Ông rú ga bức tốc chạy lên rồi ngoặt tay lái tông vào xe tên cướp, khiến hai xe ngã ra đường. Ông la lên "cướp cướp" và CSGT đến hỗ trợ bắt giữ cả hai tên.

Hiệp sĩ già và kinh nghiệm: không nên bắt cướp bằng mọi giá!! - Ảnh 2.

Năm 2000, ông Hồng bắt cướp bị hư hỏng xe và được Công an TP.HCM tặng xe máy - Ảnh: nhân vật cung cấp

Trưa tháng 11- năm 1995, ông đang sửa xe bỗng nghe tiếng "cướp cướp" của người dân kêu cứu. Tuy xe tên cướp lao rất nhanh nhưng ông nhận ra hai khuôn mặt mà bữa trước ông bắt hụt. Hiểu "đường đi nước bước" nên ông lên xe máy chạy đón đầu trên đường Đặng Văn Ngữ.

Đúng như dự đoán, hai tên cướp lái xe xuất hiện, ông dũng cảm rú ga lao đến đấu đầu theo cách có lợi cho mình. "Rầm!", hai xe banh chành, từng mảng phụ tùng văng trên đường phố. Do chủ động nên ông bị thương nhẹ, còn hai tên cướp "xi cà que" ráng thoát thân.

Nhìn người qua lại thưa thớt, ông giả vờ một tai nạn ngẫu nhiên, để tên cướp không phát hiện ra ý đồ của mình. 

"Tụi bây chạy ẩu rồi bỏ chạy hả", ông ôm chặt một tên, tên còn lại cầm túi xách bỏ chạy. Vừa lúc thấy một xe quân sự chạy qua, ông la "bộ đội ơi cướp đây, cứu dân". Xe quân sự dừng lại, bắt gọn hai tên cướp...

Những tai nạn "giờ mới kể"

Ngồi cùng vợ trong căn nhà ở quận Tân Phú, ông nói chuyện săn bắt cướp gặp nguy hiểm, bị thương tích như cơm bữa. Nhiều tội phạm đến tiệm sửa xe hăm dọa nhưng ông không ngán ngại một ai.

Hồi đó công viên Hoàng Văn Thụ phức tạp, tập trung nạn mại dâm, cướp giật và ông thường đến cảnh báo người dân hoặc trực tiếp bắt tội phạm giao cho công an. Thấy chướng tai gai mắt, tên bảo kê nhiều lần dọa giết nhưng ông mỉm cười và làm công việc của mình. 

"Ai cũng sợ bọn chúng thì xã hội này còn gì nữa", ông giải thích.

Tức giận, tên bảo kê kéo đàn em đến tận nhà ông, la lớn: "Đ.M, ra đây tao bắn chết mẹ". Thấy nhà đóng cửa, hắn đập phá bên ngoài. Ông khuyên vợ con bình tĩnh rồi tìm cách báo tin cho công an đến vây bắt tên bảo kê, tịch thu khẩu súng.

Một lần khác, ông truy đuổi tên cướp đến hẻm cụt trên đường Lê Văn Sỹ. Khi tên cướp quay đầu xe thì ông lao xe đấu đầu. Tên cướp đứng lên lấy xe đi tiếp, đang bị thương nhưng ông cố ôm chặt chân tên cướp.

Tên cướp cao lớn, xuống chỏ liên tục, đau đớn thể xác nhưng ông vẫn rướn người rút chìa khóa xe giữ chặt. Bởi ông nghĩ: "Nếu hắn có chạy thoát thì tui cũng giữ lại được chiếc xe cho người bị cướp". Sau đó, nhiều người dân cùng công an có mặt bắt tên cướp và cứu ông.

Đâu phải lúc nào cũng được giúp sức, cũng tại hẻm cụt trên đường Lê Văn Sỹ, ông rượt đuổi hai tên cướp khác, đạp xe té ngã. Trong hẻm, tiếng tri hô của ông không ai nghe. Ông lao đến ôm chặt một tên, tên còn lại cầm tấm gỗ liên tục đập đầu ông hòng giải vây đồng bọn.

Ông cứ nắm chặt tên cướp và kêu cứu, cho đến khi bị choáng ngã xuống đất, mắt lịm dần nhìn bọn chúng tẩu thoát. Sau đó, ông tỉnh dậy mang xe của mình đi sửa, lủi thủi trở về tiệm sửa xe.

Hiệp sĩ già và kinh nghiệm: không nên bắt cướp bằng mọi giá!! - Ảnh 3.

Năm 1998, chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh trao bằng khen của Thủ tướng cho ông Hồng - Ảnh: nhân vật cung cấp.

Nghe ông kể, bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh, vợ ông, chỉ tay nói: "Trời ơi, tới bây giờ mới nói tôi nghe, ông còn giấu bao nhiêu vụ bị đánh nữa?". Ông nhìn vợ, cười hiền, lí nhí: "Lúc đó nói cho bà nghe, bà buồn".

Theo bà Hạnh, nhiều lần bất đắc dĩ bà cũng tham gia săn bắt cướp với chồng. Bởi chồng chở bà đi công chuyện, mà lúc nào mắt cũng ngó dáo dác. Khi nghe chồng nói "ngồi im" là bà hiểu ông chồng đang nghi vấn ai đó nên âm thầm theo dõi.

Tấm gương cho con…

Sau thời gian còn trẻ săn bắt cướp, sợ ông bị trả thù và muốn ông có điều kiện tốt hơn giúp người dân, chính quyền địa phương vận động ông làm dân phòng khu phố ở quận Tân Bình. Sau đó ông chuyển nhà về quận Tân Phú sinh sống với vợ cùng bốn người con.

Sống ở địa bàn mới, ông tiếp tục làm tổ trưởng dân phòng trong khu phố và thuê mặt bằng mở tiệm sửa xe tại quận 12. Do lớn tuổi, bảy năm trước ông xin nghỉ công tác dân phòng.

Nhớ lại năm tháng đó, ông nói làm dân phòng không có lương, mãi sau mới được hơn 100.000 đồng/tháng. "Tuy không tiền hay tiền ít nhưng thấy vui lắm vì mình được tham gia giúp sức giữ cho khu phố bình yên", ông nói.

Hiệp sĩ già và kinh nghiệm: không nên bắt cướp bằng mọi giá!! - Ảnh 4.

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng ông Hồng - Ảnh: SƠN BÌNH

Nhà ông có nhiều bằng khen của các con, người làm công an, người giảng viên đại học, quản lý công ty. Hỏi ông ít học, chỉ là thợ sửa xe sao chăm lo cho con tốt? Ông nói xưa ba má khổ lắm cũng răn dạy con phải nghiêm túc lao động, sống có nghĩa có tình.

Lớn lên ông học nghề, chí thú làm ăn, nuôi con bằng đồng tiền sửa xe, làm việc nghĩa giúp đời. "Nghe các con nói từ nhỏ đến lớn thấy ba luôn sống có tình, có nghĩa, chịu khó lao động nên các con bắt chước, ráng học hành thành danh, sống có ích", ông chia sẻ.

Khi còn làm dân phòng, có đêm 4h sáng trời mưa, con trai đi công tác trở về, thấy ông mặt áo mưa đứng canh cổng khu phố. 

Thương ông, con trai dừng xe kêu về nhà: "Con đi trinh sát cả đêm, ba lớn tuổi cũng canh cả đêm". Ông khuyên con về trước bởi chưa hết giờ trực, lỡ có trộm cướp thì tội cho người dân khu phố...

Không nên bắt tội phạm bằng mọi giá

Theo ông Hiệp, sau giải phóng tình hình tội phạm manh động theo băng ổ nhóm, có khu vực hoạt động. Còn tội phạm ngày nay phổ biến hơn, không ranh giới rõ ràng, khó lường hơn.

Dù thời nào thì tội phạm khi bị vây bắt luôn tìm mọi cách thoát thân và tội phạm luôn rất ghét "hiệp sĩ".

Người dân có lòng hiệp nghĩa săn bắt cướp phải tỉnh táo, nhắm không "thắng" được thì tìm cách khác, dịp khác và phải học thêm nhiều kỹ năng từ công an hoặc những người có kinh nghiệm khác.

Đề xuất công nhận liệt sĩ hai Đề xuất công nhận liệt sĩ hai 'hiệp sĩ' bị đâm chết

TTO - Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM vừa có tờ trình, đề xuất công nhận liệt sĩ với hai hiệp sĩ đã hi sinh khi tham gia ngăn chặn, truy đuổi đối tượng trộm xe máy trên địa bàn quận 3 tối 13-5.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        400,650       48