Pháp luật

Chặn đăng kiểm do chưa nộp phạt nguội: chủ xe dễ bị oan

TTO - Hơn 15.000 ôtô các loại bị ngăn chặn đăng kiểm do vướng phạt nguội từ lỗi vi phạm giao thông mà chưa đi đóng phạt. Việc ngăn chặn này có hợp lý?

Chặn đăng kiểm do chưa nộp phạt nguội: chủ xe dễ bị oan - Ảnh 1.

Trạm đăng kiểm xe cơ giới tại TP.HCM -. Ảnh: TTD

Thời gian qua đã có hàng chục nghìn trường hợp chủ ôtô bị cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm vì chưa nộp phạt giao thông (phạt nguội). 

Nhiều ý kiến cho rằng việc từ chối đăng kiểm phương tiện của cơ quan đăng kiểm là chưa phù hợp thực tiễn, gây khó cho người dân.

Sang tên, đổi biển số vướng phạt nguội

Điển hình là trường hợp của anh N.V.Thành (ngụ TP HCM) mua ôtô cũ từ chủ xe ở Cần Thơ để chạy Grab. 

Sau khi thực hiện thủ tục đổi biển số sang biển số TP.HCM, anh Thành đến một trung tâm đăng kiểm xe để thực hiện thủ tục sang tên.

Tại đây, anh Thành được nhân viên đăng kiểm cho biết là xe của anh có thông tin ngăn chặn trên hệ thống đăng kiểm do lỗi vi phạm giao thông. 

Theo thông tin, chủ xe cũ bị công an Cần Thơ phạt nguội (quyết định xử phạt một triệu đồng và tước giấy phép lái xe 60 ngày) và chưa nộp phạt. Nhân viên đăng kiểm hướng dẫn anh Thành phải nộp phạt xong thì sẽ giải quyết sang tên.

Anh Thành phải đến liên hệ công an Cần Thơ xin đóng phạt thay chủ cũ. Tuy nhiên anh Thành cũng kiến nghị cơ quan Công an bỏ hình phạt phụ tước giấy phép, bởi anh Thành không vi phạm, để anh hoàn tất thủ tục. Sau đó, nguyện vọng của anh cũng được giải quyết.

Một lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 5004V (TP HCM) cho hay theo quy trình, các thông tin xử phạt phương tiện vi phạm từ nhiều tỉnh thành được ghi nhận trên hệ thống dữ liệu của Cục đăng kiểm Việt Nam. 

Khi có phương tiện muốn thực hiện sang tên, đăng kiểm thì Trung tâm đăng kiểm sẽ tra cứu trên hệ thống. Nếu phương tiện có quyết định xử phạt mà chủ phương tiện chưa thực hiện thì nhân viên đăng kiểm sẽ hướng dẫn cho họ hoàn tất nộp phạt. 

Tiếp đó, khi chủ phương tiện cầm biên lai đã nộp phạt cùng hồ sơ đến, nhân viên đăng kiểm sẽ truyền dữ liệu về hệ thống để hệ thống xóa thông tin ngăn chặn. Tiếp theo việc sang tên, đăng kiểm mới được thực hiện.

Vị lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm 5004V cho biết có những phương tiện bị ngăn chặn do còn thiếu phí đường bộ, chưa nộp phạt nguội vi phạm giao thông. 

"Có trường hợp ôtô bị ngăn chặn do chưa nộp phạt vài chục đến cả trăm triệu đồng" - vị này nói.

Cần giải quyết hài hòa

Các trường hợp rắc rối tương tự như trên đối với chủ mới sang tên từ việc phạt nguội là thường gặp. 

Anh T.V.Dũng (ngụ quận 7 TP.HCM) chủ doanh nghiệp kinh doanh ôtô du lịch cho rằng không đồng tình cách xử lý như trên của cơ quan đăng kiểm. 

Bởi lẽ, cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm sang tên, rà soát kỹ thuật để cấp phép lưu hành cho phương tiện. Trong khi việc xử phạt giao thông thuộc cơ quan công an. 

Vì vậy, việc cơ quan nhà nước sử dụng đăng kiểm như là "chốt chặn" để buộc các chủ phương tiện phải thực hiện nộp phạt là không đúng. 

"Tình trạng cơ quan chức năng không xử phạt vi phạm kịp thời mà dồn nhiều vi phạm từ trước cho đời chủ sau vô tình phải gánh là chưa công bằng, hợp lý" - anh Dũng nói.

Luật sư Vũ Quang Đức - Đoàn luật sư TP HCM cho biết việc phạt nguội qua camera có ưu điểm nhưng cũng gặp không ít rắc rối như đã biết.

Theo luật sư Đức việc phạt nguội qua camera nhiều nước đã thực hiện và họ có đủ các phương tiện, kỹ thuật để thực hiện xử phạt kịp thời, đúng người, đúng hành vi vi phạm.

Chúng ta áp dụng việc phạt nguội đã một thời gian và chưa bảo đảm thực hiện việc xử phạt. Nguyên nhân một mặt là do luật xử lý vi phạm hành chính thiếu chế tài cưỡng chế để buộc người vi phạm thực hiện nghiêm việc xử phạt. 

Mặt khác do người vi phạm cố tình né tránh việc xử phạt (chuyển chỗ ở, cho rằng không biết, không hề nhận được thông báo về việc xử phạt...)

Ngoài ra, việc phạt nguội hiện nay cũng có vướng mắc lớn khi việc phạt căn cứ vào phương tiện trong khi chủ phương tiện lại không phải là người sử dụng. 

Nguyên tắc xử phạt hành chính là xử phạt hành vi của người vi phạm. Nếu không làm tốt khâu này thì không khéo chủ phương tiện bị phạt oan.

Đồng tình, luật sư Lê Minh Nhựt - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng chủ trương phạt nguội là đúng, có hiệu quả để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong xã hội ngày càng thượng tôn pháp luật. 

Việc các cơ quan Nhà nước phối hợp với nhau để buộc người vi phạm phải thực hiện nộp phạt là bình thường nhằm bảo vệ cho pháp luật được thực thi.

Tuy nhiên, luật sư Nhựt nhận định năng lực quản lý Nhà nước chưa theo kịp với thực tiễn. Cụ thể cơ quan chức năng tổ chức việc phạt nguội chưa kịp thời, chưa phù hợp, còn gây khó khăn cho người dân như trên.

Vì vậy, theo lộ trình nâng chất dần năng lực quản lý thì cơ quan Nhà nước cần xử lý cho hài hòa lợi ích các bên mà vẫn bảo đảm hiệu lực pháp luật.

Mua xe cần tìm hiểu thông tin xe

Luật sư Lê Minh Nhựt cho rằng trách nhiệm của các bên mua bán tài sản thì phải tìm hiểu về thông tin liên quan tài sản. Vì vậy, khuyến cáo những người mua ô tô cũ cần tìm hiểu thông tin vi phạm của xe để tránh bị thiệt hại quyền lợi.

Thêm nữa, khi thỏa thuận mua xe, người mua có thể giữ lại một khoản tiền để thực hiện xong các thủ tục liên quan đổi biển số, sang tên...thì hãy thanh toán hết giá trị hợp đồng.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        400,650       45