Gần đây, khi những tấm biển "dạy" người châu Á cách đi vệ sinh cho chính xác xuất hiện tại các đoàn tàu vùng Rigi, Thụy Sỹ khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Người ta đặt ra câu hỏi, liệu có phải người châu Á sử dụng giấy vệ sinh sai cách?
Vứt giấy vệ sinh vào bồn cầu hay vứt vào thùng rác vẫn là câu chuyện muôn thuở được nhiều người bàn luận. Nhiều du khách nước ngoài khi tới các nước châu Á đã hết hồn khi chình ình các tấm biển trong toilet với dòng chữ "không vứt giấy vào trong bồn vệ sinh!".
Câu chuyện bắt đầu lên tới đỉnh điểm tranh cãi khi nhiều người vẫn cứ khăng khăng "ở nước ngoài người ta dạy thế!" và coi việc vứt giấy vào trong toilet là đúng đắn. Còn như những gì người châu Á vẫn làm như vứt giấy vào trong thùng rác là không văn minh.
Những tấm giấy như này có thể dễ thấy tại Việt Nam.
Tuy nhiên, rõ ràng việc sử dụng giấy vệ sinh hay nước, vứt vào trong thùng rác hay xả trực tiếp lại khác nhau giữa các quốc gia và nền văn hóa, phụ thuộc vào thói quen và cả trình độ phát triển công nghệ.
Nhập gia, tùy tục
Rõ ràng, bạn không thể ở Mỹ hay Pháp nơi bạn có thể xả giấy thoải mái sau khi đi vệ sinh xong và giữ cái thói quen đó khi đến các quốc gia đang phát triển được. Với mỗi nước, người ta lại có quy định khác nhau về việc nên vứt giấy vệ sinh vào bồn cầu hay vào thùng rác.
Nếu bạn đến từ các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nhật... bạn có thể thoải mái bỏ giấy vào trong toilet và giật nước như chưa có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, tại nhiều nước châu Á, việc vứt rác vào thùng được khuyến khích. Tại Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam hay nhiều các quốc gia khác, bạn nên vứt rác vào thùng đặt bên cạnh, thay vì hồn nhiên cho vào bồn vệ sinh và giật nước.
Người Nhật Bản cũng cho rằng việc cho giấy vào bồn vệ sinh rồi xả là chấp nhận được.
Thậm chí, người ta còn lập danh sách các quốc gia cho phép xả giấy vệ sinh, các quốc gia yêu cầu vứt vào thùng rác và các quốc gia... dùng nước!
Do vậy, nếu có đi du lịch nước ngoài, hãy xem cách người dân nước đó sử dụng nhà vệ sinh và học tập theo. Còn nếu vẫn đang ở trong nước, đừng bắt chước mọi thứ một cách quá máy móc không thì chính bạn sẽ phải đi thông bồn cầu mà thôi.
Một nhà vệ sinh hiện đại tại Nhật Bản.
Tại sao không nên bỏ giấy vào bồn cầu trực tiếp?
Nếu có một du khách hay du học sinh nào đó gào vào mặt bạn "cho giấy vệ sinh vào bồn cầu là hoàn toàn hợp lý, ở nước ngoài ai cũng làm vậy!" thì cứ bình tĩnh mà dẫn họ đi tham quan nhà vệ sinh tại nước bạn. Trên thực tế, không có quy định nào được tạo ra mà không có nguyên nhân của nó cả, kể cả việc xả nước toilet.
Trước hết, việc sử dụng bồn cầu tại các quốc gia khác nhau cũng có sự khác biệt. Trong khi các loại bồn cầu tại những nước phát triển thì hiện đại khỏi nói thì tại nhiều nước châu Á, nhiều căn nhà có tuổi thọ vài chục năm thì chiếc bồn cầu cũng tương tự, chẳng khác là bao. Với hệ thống bồn cầu hiện đại, việc hút và xả diễn ra dễ dàng thì không nói làm gì.
Không phải thiết bị vệ sinh nào cũng hiện đại để có thể hút xả hiệu quả.
Tuy nhiên với các thiết bị bồn cầu cũ, bạn chỉ thấy nước xả ra đủ để trôi xuống mà chẳng có gì để hút. Nếu cứ vô tư xả giấy, rồi có ngày chính bạn phải là người đi hút bể phốt! Điều này không chỉ đúng với các thiết bị mà còn với toàn bộ hệ thống cấp thoát nước đã xuống cấp, xập xệ tại nhiều nước.
Chưa hết, các quốc gia khác nhau thì chất lượng giấy vệ sinh cũng khác nhau. Đây được coi là yếu tố quan trọng để xem liệu có nên vứt giấy vào bồn cầu hay không. Ví dụ, các loại giấy sợi ngắn khiến giấy mềm hơn, do đó dễ phân hủy hơn. Trong khi đó với các loại giấy sợi dài, giấy sẽ dai và khó đứt nhưng nó lại là trở ngại chính cho bồn cầu vệ sinh. Rồi thì giấy có nhiều nilon hay không, bao nhiêu phần trăm pha... chứ đâu phải cứ giấy là vứt vào toilet rồi xả phát là xong đâu!
Rồi thì có nhiều người không thích dùng giấy vệ sinh mà cứ phải dùng giấy ăn, hay kì cục hơn là giấy viết! Ai mà cũng như thế thì không bồn cầu nào có thể chịu được.
Chất lượng giấy vệ sinh khác nhau tại mỗi nước.
Nhiều người cũng cho rằng một phần cũng do áp suất nước để hút và đẩy. Trung bình, áp suất nước tại Trung Quốc là khoảng 30PSI trong khi tại Mỹ, con số này gấp đôi vào khoảng 60PSI. Do vậy, việc tắc ứ nếu thả quá nhiều vật chất khó tiêu xuống toilet sẽ là một vấn đề tại nhiều nước châu Á.
Thay đổi: không phải câu chuyện một sớm một chiều
Rõ ràng là chẳng có quốc gia nào giống quốc gia nào thì cũng không thể áp đặt một sớm một chiều và bắt người ta phải vứt giấy vào bồn được. Và nếu ai đó bảo với bạn là "cứ vứt rác vào toilet đi, không tắc được đâu" thì bảo họ mua hộ giấy xịn, rồi đi nâng cấp hộ hệ thống toilet, rồi hệ thống nước...
Việc vứt giấy vào bồn cầu hay thùng rác nên tùy thuộc vào quốc gia bạn đang ở, cũng như tùy xem đó là thành thị hay nông thôn. Rồi còn khác nhau giữa các nhà hiện đại và nhà cũ nữa chứ, đâu phải có phải là câu chuyện một sớm một chiều? Không hẳn cứ bồn cầu là tốt hay thùng rác là sai.
Toilet không phải cái thùng rác!
Thay đổi cần phải bắt đầu từ thói quen mua sắm thiết bị giấy vệ sinh, từ việc nâng cấp hệ thống toilet trong nhà cũng như những đầu tư từ các cơ sở nhà vệ sinh công cộng hay ở các cơ quan, trường học.
Nếu bạn nghĩ mình đã sử dụng đúng loại giấy vệ sinh cần thiết với một hệ thống nhà vệ sinh hiện đại thì cứ vô tư xả giấy vệ sinh trực tiếp vào toilet. Còn không, hãy tôn trọng những người đặt ra tấm biển quy định "vứt giấy vào thùng rác".
Vì bạn đâu phải là người sẽ đi thông bồn cầu cho họ?.
chuyện lạ, nhà vệ sinh, giấy vệ sinh, thói quen, thói quen cần từ bỏ, ý thức