Xem phim "Nắng", khán giả ngỡ mình sẽ được thưởng thức một câu chuyện bi đát khiến họ khóc từ đầu đến cuối, nhưng không phải!
Những câu chuyện về con người mang trong mình khiếm khuyết, sống trong tình yêu thương của người thân luôn là một đề tài thường xuyên tạo nên sự xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng. Đó là câu chuyện về ông bố đơn thân mắc chứng tự kỷ thiểu năng đấu tranh giành quyền nuôi cô con gái trong I Am Sam (điện ảnh Mỹ); là những éo le của người cha thiểu năng vị vu oan tội giết người cưỡng dâm trong Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 (điện ảnh Hàn); hay hành trình đẫm nước mắt của ông bố mắc bệnh ung thư tìm cách dạy cậu con trai thiểu năng tự sống một mình trong Ocean Heaven (điện ảnh Trung)... Cùng một mô típ câu chuyện, trải dài từ Á đến Âu, thế nhưng chưa có khi nào những câu chuyện này thôi khiến người xem thổn thức vì sự xúc động và bức thông điệp yêu thương được gửi gắm trong những thước phim đầy nhân văn.
Năm nay, điện ảnh Việt cũng khiến người xem kỳ vọng với một câu chuyện tương tự trong
Nắng - bộ phim có cái tên không thể ngắn hơn của đạo diễn Đồng Đăng Giao.
Nắng là bộ phim kể về mẹ con Mưa - Nắng, người mẹ thiểu năng nuôi nấng cô con gái nhỏ bằng nghề bán vé số, ve chai. Cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng lạ thay, từng ngày trôi đi của mẹ con Nắng - Mưa lại tràn ngập tiếng cười. Bởi có gì buồn đâu, khi người mẹ khờ khạo ấy cũng mang trong mình tâm hồn của một đứa trẻ chẳng khác nào đứa con gái nhỏ. Cô chẳng buồn khi không có chồng, cô chẳng sầu khi không có nhà cao cửa rộng, cô cũng chẳng thấy tủi khi làm công việc bị người đời chê bai là thấp kém. Cuộc sống của Mưa đủ vui vẻ khi ban ngày có cơm ăn, ban đêm có bé Nắng nằm bên cạnh để ôm vào lòng.
Cuộc sống của Nắng - Mưa tưởng chừng đã nghèo, đã khổ "hết nấc" rồi, người đời chẳng đùm bọc được họ thì thôi, nhưng chính họ lại là những người dang tay đùm bọc người khác. Căn nhà của Nắng - Mưa trở thành nhà... tình nghĩa khi lần lượt "thu nạp" 2 anh chàng là Lâm Si đa (
Trấn Thành), một công tử nhà giàu định nhảy cầu tự tử sau khi phát hiện mình bị nhiễm HIV và Tuấn (Kiều Minh Tuấn) - gã giang hồ đang chạy trốn xã hội đen.
Nửa đầu phim tập trung khai thác cuộc sống của mẹ con Mưa - Nắng bên 2 "thành viên" mới trong nhà mình. Kể một câu chuyện khá "ngược đời", thế nên các tình tiết trong giai đoạn này chủ yếu tập trung vào sự hài hước, dí dỏm. Ở nửa sau, mạch phim được đẩy lên cao trào khi để cho mẹ Mưa bất ngờ vướng vào vòng lao lý. Mưa bị vu toan tội tràng trữ ma túy, bị bắt giam và tuyên án... tử hình. Lúc này, phim tập trung vào những day dứt, đấu tranh tâm lý của bà mẹ thiểu năng để tìm cách bảo vệ con gái nhỏ. Bên cạnh đó, những người bạn của mẹ con Nắng - Mưa cũng tìm cách để giúp minh oan cho Mưa.
Thế nhưng cũng có một sự ngược đời rằng, khi phim chưa vào cao trào, khi các tình tiết vẫn còn quẩn quanh ở cuộc sống vô ưu vô lo của mẹ con Mưa - Nắng, khi họ đón nhận và yêu thương người khác bằng tình cảm chân thành của mình, cho đi và san sẻ tất cả những gì mình có, thì đấy lại là lúc bộ phim mang đến cho người xem những cảm xúc đẹp nhất. Về sau, khi phim được đẩy lên cao trào, dẫu rằng cũng có những lúc tình huống khiến khán giả lặng người xúc động, nhưng đây là lúc bộ phim bắt đầu bộc lộ sự đuối sức trong xây dựng kịch bản, những nút thắt mở, cách giải quyết mâu thuẫn cho thấy quá nhiều lỗ hổng.
Hành trình mẹ Mưa từ lúc bị bắt cho đến khi được dẫn ra pháp trường có nhiều chi tiết ngô nghê, phi lý. Chưa kể bản thân câu chuyện của mỗi nhân vật đều chưa được giải quyết ổn thỏa. Phim xây dựng nhân vật ông chủ quán hủ tiếu (Hoài Linh đóng) và câu chuyện một người cha chờ con trở về nhưng chẳng rõ để làm gì; cả nhân vật của Kiều Minh Tuấn cũng xuất hiện quá nhiều dấu hỏi trong đoạn kết khi nửa đầu phim, anh chàng này thường xuyên trốn chui trốn lủi vì giang hồ truy đuổi, đến khi gặp được mẹ rồi thì dường như "bấp chấp", vô tư đi lại ngoài đường chẳng cần biết đến ai. Khán giả thắc mắc phải chăng mấy gã giang hồ truy đuổi anh đã... chuyển địa bàn?.
Được biết đến như ngôi sao sáng của sân khấu hài với lối diễn duyên dáng, và cũng từng gây ấn tượng trong nhiều bộ phim điện ảnh đóng vai phụ, sang đến
Nắng,
Thu Trang vẫn tiếp tục khẳng định mình là một diễn viên biết diễn. Cô hoàn thành vai mẹ Mưa một cách tròn trịa, đẹp đẽ, nhưng không đột phá. Nhân vật của Mưa cũng bị cho "nói nhiều" một cách không cần thiết và giá như lời thoại tiết chế lại để bù vào những "diễn xuất không lời", có lẽ sẽ thành công hơn.
Điểm sáng nhất của phim phải kể đến cô bé mang tên của tác phẩm này - Nắng. Nếu như các diễn viên người lớn còn bị chệch choạc, mất lái với mạch phim thì từ đầu đến cuối, bé Nắng đã mang tới cho người xem một màn trình diễn không thể hoàn hảo hơn bằng sự hồn nhiên, ngây thơ, dung dị, chân thật của một tâm hồn "như tờ giấy trắng". Bé Nắng chính là điểm xem đắt giá nhất, đáng nhớ và ấn tượng nhất của tác phẩm này. Bé khiến người xem cười thật nhiều với những câu hỏi ngây thơ con trẻ, bé cũng khiến khán giả khóc thật nhiều khi chứng kiến cái dáng hình lũn cũn, gương mặt lấm lem chạy đi tìm mẹ, nước mắt ngắn dài khi níu chân các chú công an năn nỉ "Đừng bắt mẹ Mưa của con!"...
Phim sử dụng nhiều tình huống hài với "ngôi sao" ở đây là Trấn Thành, và rất nhiều trong số đó mang đến cho người xem tiếng cười thú vị. Nhưng cũng thật đáng tiếc khi một số tình huống cài cắm lại có hơi hướng hài nhảm - "hương vị" đặc trưng khó bỏ của các bộ phim Việt mang yếu tố gây cười.
Nhìn lại tất cả, có lẽ chỉ có thể ước một điều giá như: giá như những người làm phim đừng quá tham lam một câu chuyện cao trào kịch tính, để rồi mang đến những tình huống khiên cưỡng và vô lý; giá như đừng có tham lam khi khai thác nhiều câu chuyện của các nhân vật để rồi bỏ ngỏ; giá như câu chuyện chỉ dừng lại ở mẹ con Mưa - Nắng, tình yêu họ dành cho nhau và tình yêu cho những người quanh mình, một câu chuyện có buồn nhưng cũng rất nhiều niềm vui và tiếng cười...
Giá như tất cả những điều giá như đều thành hiện thực, khán giả sẽ được xem một bộ phim ấm áp, thật sự chạm tới trái tim.
Nắng chính thức được khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 31/8/2016.