Có một sự thật rằng trong "Finding Dory", một trong những nhân vật được yêu mến nhất lại là chú bạch tuộc khó tính hay gắt gỏng Hank.
Khi bộ phim
Finding Nemo lần đầu ra mắt công chúng, cô cá xanh Dory tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng đã để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm trong lòng người hâm mộ bởi chứng mất trí nhớ ngắn hạn của mình. Cũng như phần trước, lần này
Finding Dory - Đi tìm Dory giới thiệu đến người hâm mộ một nhân vật hoàn toàn mới với tính cách vô cùng thú vị là anh chàng bạch tuộc Hank, người bạn đồng hành và là vị cứu tinh của cô nàng Dory trong nhiều tình huống nguy hiểm.
So với các con bạch tuộc khác, Hank khác biệt không chỉ bởi việc bị mất đi một xúc tu mà còn bởi khiếu hài hước trong mọi hoành cảnh của mình. Hank chính là người đầu tiên đã đón chào Dory khi cô nàng đặt chân tới Viện Hải Dương học. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Hank cần có bạn. Điều mà “bảy tuộc” Hank mong muốn chính là tấm thẻ để tới được vùng Cleveland nắng ấm và tận hưởng một cuộc sống yên bình.
Nam diễn viên Ed O’Neill – người lồng tiếng cho nhân vật bạch tuộc khó tính và hay gắt gỏng này – cho biết: “Hank không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ kết bạn với một ai đó, nhưng dần dần cậu ấy đã thấy cảm động với sự đáng yêu của Dory. Trải qua rất nhiều hành trình phiêu lưu với đầy ắp những mối nguy hiểm và cả nỗi sợ hãi, họ đã trở nên gắn bó với nhau hơn. Chính những trải nghiệm có được bên nhau đã giúp Dory và Hank trở thành một đôi bạn thân thiết.”
Cũng như những bộ phim trước, mỗi khuôn hình, mỗi lời thoại của Disney Pixar đều là kết quả từ rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu và những cuộc khảo sát thực địa đầy thử thách. Khi quan sát loài bạch tuộc tại Monterey Bay Aquarium và Học viện California San Francisco, nhà sản xuất Lindsey Collins đã phát hiện khả năng ngụy trang chính là sở trường của loài bạch tuộc và đã thật sự có một chú bạch tuộc tìm cách trốn khỏi đó bằng cách ngụy trang dưới hành lang nhưng cuối cùng, chú ta cũng bị phát hiện khi nhân viên nghĩ đó là mảnh rác và… nhặt nó lên.
Trong quá trình tạo hình cho Hank, nhóm thực hiện đã thiết kế những xúc tu riêng trước khi tiến hành gắn nó vào thân của nhân vật. Tuy vậy, chỉ có 7 xúc tu là vừa vặn với cơ thể của Hank. Các nhà làm phim sau đó cho rằng việc để Hank đã từng trải qua một tai nạn nào đó trong quá khứ là một ý tưởng hay. Và cuối cùng họ đã quyết định sẽ đưa tình tiết này vào trong kịch bản. Các hoạ sỹ đã thiết kế 50 giác hút trên mỗi xúc tu của Hank. Như vậy, tổng cộng Hank có tất cả 350 giác hút. Do cấu tạo phức tạp như thế nên nhóm họa sĩ của Disney Pixar phải mất tròn 2 năm để tạo nên những chuyển động linh hoạt cho nhân vật này.
Clip thú vị về tạo hình của Bạch tuộc Hank trong "Finding Dory"
Bên cạnh Bạch tuộc Hank, mỗi của Finding Dory cũng đều có một câu chuyện thú vị quanh chúng. Hãy cùng tìm hiểu các "fun-fact" dưới đây:
- Mặc dù Dory đã từng xuất hiện trong Finding Nemo nhưng các nhà làm phim vẫn quyết định áp dụng các công nghệ hiện đại vào quá trình tạo hình cho nhân vật này. Để đạt được những tiêu chí đề ra về hình dáng và những biểu cảm cho Dory, nhóm thực hiện đã luôn đặt các bức hình ghi lại hình ảnh của cô cá đáng mến này trong tập phim trước ngay sát bên cạnh để đối chiếu, với mong muốn có thể đảm bảo rằng các fan hâm mộ vẫn sẽ nhận ra được nhân vật mà mình đã từng vô cùng yêu thích.
- Alexander Gould – nam diễn viên đã từng đảm nhận vai trò lồng tiếng cho nhân vật Nemo trong Finding Nemo vào năm 2002 – đã bước sang tuổi 22, vì thế các nhà làm phim đã phải tuyển chọn một gương mặt mới để thổi hồn cho chú cá trẻ con với đôi vây nhỏ tí xíu này. Và lựa chọn cuối cùng của nhóm thực hiện chính là diễn viên nhí 12 tuổi Hayden Rolence.
Được tuyển chọn từ rất lâu trước khi quá trình thu âm chính thức diễn ra, Rolence đã được đề nghị là không được tiết lộ với bất cứ ai về vai diễn này. Đó là một thử thách không nhỏ đặt ra cho cậu bé 12 tuổi này, vì điều mà Rolence mong muốn hơn bất cứ thứ gì chính là có thể chia sẻ về điều tuyệt vời đó với bà của mình.
- Gould, người sở hữu giọng nói từng làm xiêu lòng biết bao khán giả màn ảnh rộng ở thời điểm 13 năm về trước, cũng tham gia góp giọng trong Finding Dory với vai người lái xe tải.
- Nam diễn viên hài Albert Brooks tái ngộ với khán giả qua vai chú cá hề Marlin trong Finding Dory. Các nhà làm phim nhận xét rằng Brooks đã truyền tất cả khiếu hài hước thiên phú vào nhân vật mà mình lồng tiếng. Nếu như Marlin trong Finding Nemo đã phải mang trên mình những gánh nặng tâm lý vì lo lắng cho cậu con trai bé bỏng của mình thì giờ đây với Finding Dory, Marlin đã hoàn toàn trút bỏ được những lo toan đó. Điều này đã cho phép Brooks có thể thoả sức phát huy óc sáng tạo cũng như khiếu hài hước của mình.
- Trong quá trình tuyển chọn diễn viên lồng tiếng cho cặp hải cẩu lười biếng Fluke và Rudder, các nhà làm phim đã quyết định sẽ mời hai diễn viên Idris Elba và Dominic West. Vậy là bộ đôi từng góp mặt trong The Wire lại có cơ hội được làm việc cùng nhau.
- Cô cá mập voi to lớn nhưng vụng về Destiny hiện đang được chăm sóc tại Viện Hải dương học chính là người đã dạy cho Dory khả năng trò chuyện với loài cá voi. Nhưng vì Destiny vốn thuộc loài cá mập voi chứ không phải cá voi, nên khả năng cảm thụ ngôn ngữ của Dory đã gặp phải nhiều hạn chế.
- Becky, cô vịt lập dị và rất có cảm tình với Marlin, được đặt tên theo nhà điều hành sản xuất của phim Becky Neiman-Cobb cho dù ông ấy khăng khăng rằng chẳng có bất cứ điểm tương đồng nào giữa bọn họ.