Xem "Vòng eo 56", có cảm tưởng người làm phim chỉ muốn cho khán giả biết rằng cái cô Ngọc Trinh "nữ hoàng nội y" ấy đã từng nghèo như thế, khổ như thế, nhưng không vì tiền mà bán rẻ bản thân mình...
Đi xem
Vòng eo 56, tôi tự gạt bỏ ra khỏi đầu hình ảnh một
Ngọc Trinh "nữ hoàng nội y" thường xuyên xuất hiện nhan nhản trên truyền thông đại chúng. Tôi chọn cách tiếp cận bộ phim như một khán giả thông thường, xem một bộ phim thông thường, kể về cuộc đời một cô gái miền Tây nghèo khó đổi đời nhờ mối duyên với đại gia lắm tiền nhiều của. Khi chọn cách xem như thế, hẳn nhiên tâm lý sẽ thoải mái hơn, và nhận thấy
Vòng eo 56 của
Vũ Ngọc Đãng cũng là một tác phẩm xem được, nhưng là trong khoảng... 1/2 bộ phim.
Trailer phim "Vòng eo 56"
Nói rằng Vòng eo 56 là câu chuyện cuộc đời của Ngọc Trinh, cá nhân tôi nghĩ nói như thế không chuẩn lắm. Đấy chỉ là một phần đời Ngọc Trinh mà thôi, cái phần đời mà người ta chưa biết, cải thuở mà nàng chưa nổi tiếng. Bộ phim này được nhất và hay nhất cũng là khi tái hiện cái phần đời còn chìm trong bóng tối ấy.
Đó là câu chuyện về một cô bé mồ côi mẹ, được cha nuôi nấng cùng với 3 anh chị em, cả tuổi thơ gắn với cái nghèo khó và những cơn mưa triền miên của đất miền Tây. Trước khi sống cuộc sống của một bà hoàng được triệu người mơ ước, Ngọc Trinh từng là một cô bé quanh năm ngày tháng chân trần đi bán bún riêu, vé số, bất kể ngày mưa hay ngày nắng. Cô bé ấy lớn lên cùng những cơn mưa xé tan giấc ngủ, và chứng kiến suốt tuổi thơ mình những lần ba bị chủ nợ siết, gia đình bị người ta dè bỉu, coi khinh chỉ vì quá nghèo.
15 tuổi, Trinh ôm mộng lên Sài Gòn kiếm tiền giúp ba trả nợ. Cô bé cao ráo, xinh xắn làm việc trong quán bi-a đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của ông bầu Khắc Tiệp. Kể từ đây, cái phần đời mà dư luận biết rõ về Ngọc Trinh được tái hiện: những cuộc thi sắc đẹp ao làng, những lần diễn hội chợ, show nội y ở quán bar, những trận đòn do ganh ghét đố kỵ, cuộc tình với đại gia và sự lên ngôi của nữ hoàng đồ lót...
Nếu như nửa đầu phim, phận đời nghèo khó cơ cực của Ngọc Trinh được khắc họa rõ nét và nhiều cảm xúc bao nhiêu thì ở nửa sau, chặng đường kiếm sống ở Sài Gòn và hào quang ập đến lại chóng vánh và gượng gạo bấy nhiêu.
Người ta có cảm giác rằng người bỏ tiền làm bộ phim này chỉ cần quan tâm cho khán giả biết cái cô Ngọc Trinh nhan nhản trên mặt báo và truyền hình ấy đã từng nghèo như thế đấy, khổ như thế đấy. Và dẫu nghèo, dẫu khổ nhưng cô ta không hèn. Cô ta không vì đồng tiền mà bán rẻ cuộc đời mình. Cô ta không phải một món hàng mà người ta chỉ cần vứt 5.000 đô hay thậm chí 30.000 đô là có thể ngủ một đêm. Cô ta khẳng định sự thật mình chẳng có tài cán gì, chỉ thừa ngây thơ và xinh đẹp, nhưng cô ta đi lên chính đáng bằng sự ngây thơ và xinh đẹp đó. Đại gia tự tìm đến cô. Anh ta cần người đẹp, và cô thì chẳng chê tiền. Chỉ là cô không "đi khách", cô không nhận nhà, nhận xe để đổi lấy ái ân chóng vánh, ngược lại, cô hợp thức hóa nó bằng thứ gọi là tình yêu...
Có một đặc trưng mà khán giả có thể rút ra sau khi xem các bộ phim của Vũ Ngọc Đãng, đấy là anh ta rất có tài lấy cảm xúc của người xem khi làm về cái nghèo, cái khổ, cái éo le, cơ cực, đắng cay của cuộc đời. Với trường hợp của Ngọc Trinh cũng vậy. Nếu nói Vòng eo 56 là bộ phim giúp Ngọc Trinh "tẩy trần", có thể nói nó đã thành công phần nào. Cuộc sống cơ cực của người đẹp này chẳng là gì khi nàng ta chia sẻ, công khai nó trên mặt báo, thế nhưng nó bỗng trở nên xúc động, đáng nhớ trên màn ảnh. Những thước phim về thời bần hàn của Ngọc Trinh có nhiều trường đoạn khiến người xem phải nghẹn ngào. Diễn xuất của cô trong giai đoạn này cũng rất chân thực, đủ để lấy cảm xúc của khán giả.
Nhưng bước sang giai đoạn sau, mọi thứ bỗng trở nên nhạt nhòa dần. Càng về cuối, câu chuyện phim càng đuối, xử lý tình huống cũng có cảm giác vụng về, lóng ngóng, như thể cả đạo diễn, biên kịch, hay nhân vật chính cũng chẳng biết làm sao cho đúng. Nhiều tình tiết diễn ra quá chóng vánh, và như đã nói ở trên, có cảm giác rằng người làm phim chỉ cần để khán giả biết cô từng nghèo từng khổ như thế nào là đủ. Vẫn còn nhiều góc khuất về Ngọc Trinh và chuyện tình của cô, như người đẹp này từng chia sẻ về chuyện mình là người thứ 3 trong mối tình 7 năm với vị đại gia, nhưng tình tiết này hầu như không được nhắc đến mà chỉ lướt qua cho có. Thậm chí cả giai đoạn Ngọc Trinh thành công, được biết đến với danh hiệu nữ hoàng nội y, cũng được thể hiện khá qua loa, đại khái.
Sau ánh hào quang chóng vánh ấy, bộ phim chọn cách khép lại bằng một đoạn kết khá ý tứ, nhưng lại cũng có thể khiến cho nhiều người xem cảm thấy hụt hẫng vì khó hiểu. Trở lại quê hương sau quãng thời gian đã nếm đủ vị ngọt ngào lẫn đắng cay của cuộc đời, Ngọc Trinh lại vẹn nguyên là cô gái quê năm nào, mộc mạc khoác lên mình chiếc áo dài trắng, ngổn ngang cảm xúc khi đứng trước cánh đồng lúa xanh trải dài bất tận, nơi mà ở phía xa, có một người cha khác đang chở đứa con gái của mình ra bến xe lên thành phố trên chiếc xe đạp, chiếc xe mang theo bao nhiêu ước mơ và kỳ vọng về một cuộc đổi đời.
Mỗi một chiếc xe ra đi, là có một số phận sắp thay đổi, nhưng thay đổi theo hướng nào? Không ai biết được! Và bất cứ sự thay đổi nào cũng có cái giá của nó. Kể cả với Ngọc Trinh, người giờ đây đã có trong tay tiền bạc, danh vọng, sự nổi tiếng, nhưng đã phải đánh đổi bằng niềm tin vào cuộc sống, tình yêu, sự chung thủy, đánh đổi bằng cả sự nghi kỵ và gièm pha của người đời.
Nói về Vòng eo 56, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng luôn nhắc đi nhắc lại một lời khẳng định rằng, "Bộ phim hoàn toàn nói thật, rất thật, rất đời, phản ánh đúng con người của Ngọc Trinh, tinh thần của con người cô ấy". Câu chuyện đời của Ngọc Trinh thật đến đâu, có lẽ chỉ mình nàng biết, nhưng cái tinh thần của Trinh, như Đãng nói, thì khán giả có thể kiểm chứng phần nào. Trong Vòng eo 56, có thể thấy rõ một Ngọc Trinh "ngu ngu, khờ khờ", thật thà, ngây thơ như y những phát ngôn của nàng ta trên mặt báo.
Xem xong bộ phim này và chiêm nghiệm lại câu nói "thánh nhân đãi kẻ khù khờ" lại thấy cha ông ta muôn phần đúng. Ấy thế nhưng cũng phải nói thêm rằng, khù khờ ngày nay cũng là một nghệ thuật mà không phải ai cũng có khả năng "lĩnh giáo". Biết khờ cho đúng, biết ngu cho đáng yêu, biết dại cho đáng thương, đâu phải ai cũng làm được? Ngọc Trinh từng khẳng định rằng người đời nói đúng, cô là kẻ vốn chẳng có tài năng gì, nhưng đối chiếu với những điều trên thì có thể nhận ra, Trinh thật ra có nhiều tài lắm!