Vị trí đặt Thần Tài ảnh hưởng rất nhiều đến sự luân chuyển tài lộc vào nhà bạn đấy.
Thần Tài là vị thần như thế nào?
Trong tín ngưỡng Việt Nam và một số nước Phương Đông, Thần Tài là vị thần được nhiều người thờ cúng trong gia đình để cầu sự sung túc.
Theo truyền thuyết, Thần Tài chính là Triệu Công Minh, người đời nhà Thương. Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam. Về sau đắc đạo, ông được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà. Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ. Người buôn bán thì cúng cầu ông để được phát đạt may mắn. Người ông yêu là Phù Dung tiên tử.
(Ảnh: Internet)
Người ta thường vẽ ông hình một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi cưỡi cọp đen. Dân gian còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân hay Triệu Công Nguyên Soái. Người đời vẽ ông trên một cái đĩa làm bằng kim loại trên bàn thờ để thờ cúng.
Theo tín ngưỡng dân gian, người xưa tin rằng Thần Tài chính là vị thần chuyên quản tài lộc trong thiên hạ. Vì vậy, nếu được sự chiếu cố của ông thì đường công danh rộng mở, giàu sang phú quý tự động đi vào nhà. Chính vì vậy, bên cạnh thờ Thổ Địa – thần canh quản đất đai nơi ở, thì người ta còn thường thờ Thần Tài kế bên.
Đặt để Thần Tài sao cho tốt?
Không như bàn thờ tổ tiên hay các bàn thờ Thổ Công, Thánh Sư phải đặt nơi cao ráo và trang trọng, vị trí đặt bàn thờ Thần Tài tốt nhất chính là dưới sàn, hướng thẳng ra cửa lớn.
Theo quan niệm dân gian, để tránh tài lộc trôi đi mất hoặc không tụ về gia đạo thì sau lưng bàn thờ Thần Tài tốt nhất nên là bức tường vững chãi, tránh trổ cửa hay đục lỗ vì tài vận sẽ không có chỗ tụ mà trôi đi mất.
Từ ngoài nhìn vào thì Thần Tài phải được đặt ở bên trái, còn bên phải là nơi ngồi của Thổ Địa. Bát nhang đặt ở giữa hai vị thần và tránh dịch chuyển khi lau dọn.
Khi cúng mà dâng hoa thì nên đặt bình hoa bên tay phải, đĩa trái cây ở phía trái. Nước cúng Thần Tài nên đặt 5 chén nhỏ, theo hình chữ thập để tượng trưng cho 5 phương và ngũ hành tương sinh.
Thiềm Thừ (ảnh: Internet)
Nếu muốn đặt thêm các vật phẩm phong thủy như Thiềm Thừ (dân gian hay gọi là Ông Cóc) thì để bên trái, buổi sáng cho quay mặt ra, buổi tối thì quay mặt vào. Và nhớ để dưới đất chứ không đặt lên bệ thờ chung với Thần Tài, Thổ Địa.
Có thể đặt thêm tượng Phật Di Lặc phía trên bàn thờ để Phật xem xét, trấn giữ phòng các thần làm điều sai.
(Tổng hợp)
phong thuỷ theo tuổi, Ngũ hành, tài lộc