Những gốc hồng ngoại, hồng nội đua nhau khoe sắc, trải dài trên vườn hồng rộng 900m² khiến những ai yêu loài hoa này cảm thấy hút hồn ngay từ lần đầu tiên được ngắm nhìn.
Chủ nhân của vườn hồng rộng 900m² này cho biết, trước đây chị vốn là một nhân viên kỹ thuật của một công ty kiến trúc vườn. Cũng vì bén duyên với vườn, với cây cỏ nên mỗi tháng lương, chị lại dành dụm tiền để mua hoa. Và cũng vì yêu hoa nên bao nhiêu hoa được chị mua về cũng không đủ cho niềm đam mê ngày càng lớn của mình.
Khi đến thăm khu vườn hoa hồng của chị Tuyết, mọi người đều ngẩn ngơ ngắm nhìn từng cây, từng bông hồng, để được chụp những giống hồng ngoại đẹp rực rỡ đang khoe sắc trong nắng gió dịu dàng của thời tiết cuối đông.
Chủ nhân của vườn hồng rộng 900m² ở ngoại thành Hà Nội, chị Nguyễn Thị Tuyết.
Khu vườn hoa hồng được bố trí rất khoa học.
Những gốc hồng nở rực rỡ trong nắng.
Diện tích khu vườn hoa hồng ở Hà Nội của chị Tuyết khoảng 900m². Chị chia sẻ "khi nhập cây từ Thái lan và Trung quốc về, mình trồng ở Phú Thọ, khi cây khỏe đẹp mình mới chuyển xuống vườn ở Hà Nội. Một tháng mình đi Thái Lan trực tiếp chọn cây 1-2 lần, mỗi lần khoảng 1500 cây. Mình bắt đầu trồng hồng cách đây 5 năm. Trong vườn ở Hà Nội hiện nay có khoảng 3000 gốc cả to và nhỏ, vườn ở Phú Thọ có khoảng 2000 gốc, có khoảng 115 giống".
Với số lượng hồng nhiều như vậy chị Tuyết đã phải thuê thêm nhân viên chăm sóc tại vườn và thuê công nhật hàng tuần. Khi mới mang từ nước ngoài về mình mang về Phú Thọ chăm, sau đó chuyển bằng ô tô tải xuống vườn ở Âu Cơ, Hà Nội
Góc hồng rực rỡ.
Đã đặt chân đến đây, ai cũng không muốn về.
Góc nào trong vườn cũng rực rỡ và duyên dáng.
Bạt ngàn hoa hồng.
Theo chị Tuyết thì "Trồng hồng quan trọng nhất là ánh sáng, cây hồng đều phải được đặt ở chỗ có nhiều nắng nhất (ít nhất phải được 4 tiếng/ ngày mới cho hoa đẹp và cây khoẻ mạnh".
Chị cũng đặc biệt quan tâm đến giá thể để trồng bởi đây là một yếu tố quan trọng giúp hồng khỏe và nở hoa đẹp. Chia sẻ về giá thể trồng hồng, chị Tuyệt cho biết "Giá thể phải tơi xốp không quá giữ nước, trộn nhiều phân hữu cơ thì bộ rễ mới phát triển tốt".
Hiện nay chị Tuyết đang trộn theo tỉ lệ 30% đất + 30% trấu hun + 40% phân hữu cơ (phân trâu bò đã qua xử lý, phân trùn quế...) Đó là những thành phần chính, cần thiết để hồng khỏe mạnh và nở nhiều hoa. Tuy nhiên, để giá thể nhẹ hơn có thể trộn thêm 1 chút xơ dừa, đá perlite, than củi.
Những gốc hồng đẹp siêu lòng khách đến thăm.
Hỏi chị về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho hoa, chị Tuyết nói "Để hoa được to, nhiều nụ, đẹp, mình sử dụng phân hữu cơ vi sinh, lá, cánh hoa mục tự ủ để bón cho cây trồng. Thi thoảng mình bổ sung phân vi lượng cho cây để hoa nở rộ hơn".
Ngoài ra về việc phòng trừ sâu, bênh, chị thường dùng hỗn hợp ngâm tỏi, ớt, gừng, thuốc lào, rượu cồn 40% làm hỗn hợp trừ sâu, nếu trời nắng thì phun 1 tuần/ lần. Nếu mật độ sâu bệnh dày lên thì phun 2, 3 tuần/ lần. Đây là cách phòng sâu bệnh tự nhiên rất hiệu quả mà hoa vẫn an toàn.
Góc hoa hồng đẹp lãng mạn.
Những đóa hồng nở rộ ngát hương mà phải rất kỳ công mới có thể giữ gìn.
Tết đã đến rất gần, nếu ở gần khu vườn xinh đẹp này, bạn hãy ghé thăm để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hơn 3000 gốc hồng này nhé. Biết đâu, bạn lại tìm được một chậu hoa thật đẹp về bày Tết đấy!
khu vườn hoa hồng, khu vườn, hoa hồng, khu vườn đẹp, vườn đẹp