Dĩ nhiên rằng hóa đơn tiền nước của bạn cũng sẽ tiết kiệm được kha khá luôn đấy nhé.
Bồn cầu là thiết bị "ngốn" rất nhiều nước trong gia đình. Điều đó tất yếu dẫn đến việc hóa đơn tiền nước của bạn cũng bị đội lên kha khá. Vì thế, giảm lượng nước dội xuống bồn cầu là một cách giúp gia đình bạn
tiết kiệm nước, tiết kiệm tiền, đồng thời còn giúp bảo vệ môi trường nữa. Một hành động cực kì cần thiết và hữu ích.
Vậy làm thế nào để giảm được lượng nước này? Rất đơn giản, bạn hãy chuẩn bị chai nhựa loại dung tích 1,8l. Bạn có thể tận dụng chai đựng nước giặt, nước xả vải, gỡ bỏ nhãn đi nhé. Tiếp đến là sỏi hoặc cát và nước.
Thao tác thế này: đầu tiên, cho sỏi hoặc cát vào khoảng 1/4 chai nhựa, sau đó đổ thêm nước vào. Kế tiếp, đặt chai vào trong bể chứa nước của bồn cầu, nhẹ nhàng nhấn chai ngập trong nước. Cuối cùng thì đậy nắp bể chứa lại thôi.
Cho sỏi, cát và nước vào chai (Ảnh: wikihow)
Đặt chai vào bể chứa nước của bồn cầu (Ảnh: wikihow)
Nhấn chai xuống nước (Ảnh: wikihow)
Đậy nắp bể chứa nước lại (Ảnh: wikihow)
Theo trang New York Times, đây là cách có thể giúp bạn tiết kiệm khoảng 1,8l nước mỗi lần dội. Tính trung bình, nếu gia đình bạn có 5 người và dội nước 5 lần 1 ngày, cách này sẽ giúp bạn tiết kiệm được 1.325l nước mỗi tháng đó. Rõ ràng rằng con số này sẽ giúp bạn tiết kiệm quá nhiều cho hóa đơn tiền nước mỗi tháng rồi.
Ngoài phương pháp này, bạn cũng cần phải lưu ý những điều sau để tiết kiệm tối đa lượng nước sử dụng, tránh lãng phí tài nguyên và tiền bạc:
- Thường xuyên kiểm tra ống dẫn nước, vòi nước, đảm bảo không có hiện tượng rò rỉ. Có thể bạn không tin nhưng dù chỉ là nhỏ giọt thì việc rò rỉ cũng làm hao tốn của bạn ít nhất hết 90l nước một ngày. Ít nhất đấy nhé. Lẽ dĩ nhiên, đã phát hiện ra rò rỉ thì nên sửa chữa ngay, càng sớm càng tốt.
- Dùng những loại vòi hiện đại, giúp tiết kiệm nước thay cho loại truyền thống.
- Không giặt quần áo hay rửa chén bát lắt nhắt. Nên gom đủ lượng quần áo cho 1 máy rồi mới giặt, và giặt bằng chế độ tiết kiệm nước. Rửa chén cũng thế, lượng nước bạn tốn cho 1 lần rửa 1 cái chén, tính cả ngày lại sẽ hao hơn rất nhiều so với việc bạn gom lại rửa 1 lần đấy nhé. Thêm nữa, khi rửa chén bát, bạn không nên để vòi chảy mà nên cho nước ra chậu, thau sẽ dễ kiểm soát được lượng nước hơn.
- Nên tái sử dụng nước bằng nhiều cách. Ví dụ như nước rửa rau có thể mang đi tưới cây, dội cầu...
- Không để nước chảy khi vệ sinh cá nhân. Chẳng hạn như khi bạn đánh răng, cạo râu, tắm rửa, nên tắt nước khi không sử dụng. Đừng vì lười biếng hay suy nghĩ "chẳng tốn bao nhiêu" mà không tắt nước nhé.
(Nguồn: Wikihow)