Nhà hay

Cách cực hiệu quả phòng chống chuột và các “kẻ thù” để vườn rau luôn xanh tốt

Những bí kíp dưới đây sẽ giúp bạn bảo vệ vườn rau của mình trước sự tấn công của các “kẻ thù” nguy hiểm như chuột, kiến, sâu bướm, sâu tai, chim, bọ chét, rệp, ốc sên.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã, đang và sẽ là mối đe dọa cho sức khỏe của con người ngay trong mỗi bữa ăn gia đình. Chính vì thế, nhiều chị em đã lựa chọn nhiều phương thức trồng rau tại gia để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, công cuộc trồng rau không chỉ đơn giản là chọn giống rồi gieo trồng. Nó là cả một quá trình chăm sóc tỉ mỉ cho đến ngày thu hoạch. Đặc biệt là sự phòng chống và tiêu diệt các loại côn trùng, dịch hại, đặc biệt là hai loại điển hình: chuột và sâu.
Côn trùng, dịch hại gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và  làm giảm năng suất của rau quả.

Như chúng ta đã biết, côn trùng, dịch hại sẽ gây ảnh hưởng không ít đến sự sinh trưởng và phát triển của rau quả, làm giảm năng suất đáng kể. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một vài bí kíp giúp bạn bảo vệ vườn rau của mình trước sự tấn công của các “kẻ thù” nguy hiểm. Cụ thể là các loại quen thuộc như: chuột, kiến, sâu bướm, sâu tai, chim, bọ chét, rệp, sên, ốc sên.

1. Chuột

Chuột là loài động vật sinh trưởng nhanh và gây tổn hại nặng nề đối với các vườn rau. Chính vì thế, hãy tìm cách diệt trừ chuột nhắt trước khi chúng phá hoại công sức của mình. Có nhiều cách để diệt chuột, chẳng hạn biện pháp tự nhiên nhất là nuôi mèo. Ngoài ra có thể dùng các loại bẫy lồng, bẫy dính, keo dính chuột của các hãng uy tín, không gây độc hại. Bạn cũng có thể ngăn cản chuột xâm nhập vườn bằng cách thấm dầu bạc hà hoặc khuynh diệp vào bông gòn hoặc vải mềm rồi đặt nơi chúng thường lui tới.
2. Bọ chét, rệp

Để ngăn cản bọ chét gây hại rau màu, bạn có thể sử dụng Diatomite (đá tảo), gồm một lượng lớn hóa thạch cực nhỏ, tảo cát vỡ vụn, trông giống như bột. Diatomite có tác dụng tiêu diệt các côn trùng nhỏ như bọ chét, rệp bằng cách bám vào cơ thể chúng rồi gây mất nước. Sử dụng Diatomite không gây nguy hại cho người và động vật. Ngoài ra, cây bạc hà với mùi hăng nếu được trồng trong vườn cũng xua được bọ chét. Nếu nhà bạn có nuôi chó mèo cũng cần lưu ý tắm rửa sạch sẽ cho chúng.

3. Sâu bướm

Đối với sâu bướm, ấu trùng thường xuất hiện ở các loại cải bắp, bông cải trắng, bông cải xanh, bina… bạn chỉ cần tạo hỗn hợp gồm 1 thìa lớn mật đường, 1 lít nước nóng và 1 thìa nhỏ xà phòng loãng rồi cho vào bình phun. Bắt đầu phun lên lá, từ chóp đến gốc cây để diệt ấu trùng sâu bướm.

4. Sâu tai

Để đối phó với sâu tai, bạn hãy vò một số tờ báo cũ, đặt trong một chậu đất để trong vườn. Loại côn trùng này sẽ ẩn náu vào đấy vào buổi đêm. Sáng hôm sau, bạn lấy những tờ báo đó ra rồi giật mạnh để chúng rơi vào chậu nước nóng đã được đặt sẵn để tiêu diệt chúng.

5. Kiến

Kiến cũng được xem là hiểm họa của vườn rau vì chúng có thể dịch chuyển những con rầy mềm, rệp bông, rệp vảy đến những cây trồng phù hợp rồi hút dịch ngọt do rầy tiết ra sau khi rầy hút nhựa cây. Kiến cũng tạo nên những đường hầm, làm tổ trong đất, làm xói mòn rễ cây và phá hại mọi thứ trong vườn. Để phòng trừ kiến, bạn có thể chọn một trong những cách sau:

- Rải Diatomite (đá tảo) dọc theo lối đi của kiến có thể tiêu diệt chúng vì chất này sẽ làm mất nước khi chúng đi về tổ. Gọt vỏ dưa leo đặt trên lối đi cũng làm cho chúng tránh xa vì bản tính kiến không thích dưa leo.

- Trộn hàn the với các thực phẩm ngọt như bơ, mật ong,… để dụ cả đàn kiến đến ăn và chết. Tuy nhiên, chú ý đep găng tay, kính mắt, vệ sinh sạch sẽ sau khi làm, tránh xa trẻ nhỏ.

- Rải tiêu đen, bột quế hoặc bột ớt, muối ở tổ kiến có thể làm cho lũ kiến choáng váng, điên cuồng mà bỏ đi nơi khác.

- Dụ đàn kiến tập trung vào một chỗ rồi dùng nước sôi dội vào. Cũng có thể dùng dung dịch tỏi, tiêu cay, xà phòng, dầu thực vật, dầu lửa và nước phun trừ kiến nhưng cách này tốn khá nhiều thuốc.

6. Chim gây hại

Các loại chim gây hại sẽ xé lá cây làm tổ, ăn quả chín, làm hỏng vườn. Thế nên các “nông dân tại gia” cần chuẩn bị vài biện pháp phòng trừ, chẳng hạn như: Làm các bù nhìn để đuổi chim, treo các đĩa CD cũ để phản chiếu ánh sáng khiến chim nghi ngờ không dám bay đến phá, hoặc mua rắn giả (loại rắn đồ chơi làm bằng bằng cao su) rồi gắn vào vườn để dọa cho chim sợ mà bay mất…

7. Ốc sên và sên

Sên có tập tính giống như ốc sên, thân mềm, nhớt nhưng không có vỏ cứng bao bọc. Chúng là “sát thủ” chuyên cắn phá cây non, sinh trưởng mạnh trong môi trường ẩm ướt, sau mưa… Ốc sên và sên đều không thích cát nên bạn có thể rải một lằn cát rộng quanh vườn, quanh gốc cây để ngăn chúng, nếu cần hãy dùng muối rải lên chúng để diệt trừ. Ngoài ra, có thể dùng rượu bia (hoặc dấm) rót vào chảo cạn đặt trong vườn để bẫy vào buổi tối. Một cách hiệu quả nữa là dùng vỏ bưởi, vỏ cam úp lại và đặt quanh vườn vào buổi tối. Sáng sớm thu nhặt sên và ốc sên tụ tập dưới vỏ rồi diệt trừ.

Chúc các bạn áp dụng thành công để bảo vệ khu vườn nhỏ của mình nhé!
aFamily

làm vườn, trồng rau, trồng rau ở ban công, trồng rau trên sân thượng, tự trồng rau ở nhà, chống sâu bênh cho cây, mẹo làm vườn


      © 2021 FAP
        966,517       1,110