Nếu cứ để mặc em bé khóc lâu, thì nồng độ cortisol sẽ tăng lên và có thể đạt mức độ rất cao nếu thời gian căng thẳng kéo dài liên tục.
Gần đây có nhiều mẹ muốn áp dụng luyện ngủ cho con nhưng nhiều người đã đi hơi quá xa, áp dụng hơi quá đà: hoặc là để cho em bé 3-4-5 tháng khóc cả tiếng, thậm chí hơn tiếng đồng hồ, hoặc có bạn luôn cố gắng đánh thức em bé sơ sinh đang ngủ say bằng mọi giá.
Không nên luyện ngủ theo phong trào
Mình nghĩ là lựa chọn gì thì cũng nên giữ nguyên tắc thận trọng và xem có phù hợp với con mình không? Đừng chọn phương pháp này kia theo phong trào, hoặc chỉ vì muốn "nhàn", mà phải nghĩ xem nó có thực sự tốt cho con mình không.
Các bạn đừng nghĩ phương pháp nào hiện đại hơn phương pháp nào. Ở Pháp cách đây chừng hơn hai chục năm cũng rộ lên theo phương pháp luyện ngủ "5-10-15" của Ferber, nhưng từ hơn chục năm trở lại đây thì nhiều bác sĩ nhi và cha mẹ chống lại và chỉ ra nhiều sai lầm của phương pháp này. Vào năm 2006, chính bản thân Ferber có viết lại một số đính chính tránh gây hiểu nhầm và áp dụng sai lệch.
Hãy chọn phương pháp luyện ngủ phù hợp với con mình nhất (Ảnh minh họa)
Nhiều người sợ ôm con nhiều quá thì con sẽ bị "dính" lấy cha mẹ không độc lập tự chủ được. Hồi mình còn nhỏ, mình ngủ với mẹ, ôm mẹ đến 6 tuổi đấy mà mình vẫn là người rất độc lập, tự do, và tự chủ đó thôi. Còn con mình, thì sinh ra đúng vào năm cực kì lạnh, nên con toàn được bà, mẹ hoặc ba ôm trên lòng để ngủ, đêm cũng nằm cạnh ôm ấp suốt đấy. Vậy mà đến 6 tháng trời ấm lên là cu cậu tự trườn từ tay bà với mẹ với ba xuống giường, tự ôm cái gối bông ngủ rất ngon lành làm cho bà cứ thấy lạ mãi.... Con mình tính tình rất độc lập tự chủ, đầu óc tự do thoải mái, sống vui vẻ và nhiều cảm xúc.
Để mặc trẻ khóc về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến cấu trúc bộ não
Mình không đồng tình với việc để mặc trẻ con khóc mà không hỏi han, dỗ dành. Mình nghĩ khi mỗi đứa trẻ (thậm chí là người lớn) khóc là đều có vấn đề gì đó rồi, sao có thể lạnh lùng bỏ đi không chia sẻ, hỏi han, dỗ dành chứ? Nhiều khi, chỉ cần ngồi bên cạnh, xoa đầu con một cái, thơm nó một cái, hoặc nếu lớn thì cầm tay một cái, một ánh mắt nhìn thể hiện sự cảm thông, chia sẻ... là cũng đỡ được bao nhiêu rồi.
Rất nhiều nghiên cứu về thần kinh - cảm xúc đã chỉ ra rằng, khi một em bé khóc, thì sẽ kích thích tuyến thượng thận tiết ra cortisol, thường được gọi là hóc môn của sự căng thẳng (stress). Khi đó, nếu em bé được dỗ dành, thì nồng độ cortisol này sẽ giảm dần. Và nếu chỉ xảy ra với thời lượng ngắn, thì em bé vẫn phát triển tốt không có vấn đề gì.
Nhưng nếu cứ để mặc em bé khóc lâu, thì nồng độ cortisol sẽ tăng lên và có thể đạt mức độ rất cao nếu thời gian căng thẳng kéo dài liên tục. Và nếu tình trạng này kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần, thì có thể gây độc cho bộ não của em bé vì nếu cortisol có ở mức độ cao và kéo dài thì có thể tồn đọng ở trong não rất lâu, hàng giờ, thậm trí hàng ngày, vài ngày. Khi đó nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến cấu trúc của bộ não.
Trong những ngày đầu tiên của thời thơ ấu, bé dùng tiếng khóc để giao tiếp với mọi người xung quanh bé, để làm cho mọi người hiểu bé (Ảnh minh họa).
Bên tâm lý học thì chỉ ra rằng khi một đứa bé còn rất nhỏ bị bỏ mặc cho khóc NHIỀU LẦN lặp đi lặp lại, bé có thể có dần trong đầu cảm giác bị bỏ rơi, bị cảm giác bất an, thiếu lòng tin vào người lớn và môi trường xung quanh bé, dễ sống co mình...
Ngược lại, khi em bé khóc và được ôm ấp vỗ về, thì não của bé sẽ được kích thích để sản xuất ra ocytocine, là loại hóc môn làm cho em bé dịu lại, cảm thấy được yêu thương, được sống trong trang thái rất dễ chịu, và dần xây dựng được một mối quan hệ gắn bó, tin tưởng với/vào cha mẹ và người lớn xung quanh.
Giải mã tiếng khóc của bé
Trong những ngày đầu tiên của thời thơ ấu, khi em bé đang còn phải hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn xung quanh, bé dùng tiếng khóc để giao tiếp với mọi người xung quanh bé, để làm cho mọi người hiểu bé. Bé có thể khóc vì đói, vì khát, vì đau, vì bẩn, vì ướt, vì cảm thấy bất an, căng thẳng... Ban đầu bé có thể sử dụng tiếng khóc một cách tự nhiên, sau dần bé sẽ hiểu được ra rằng tiếng khóc của bé sẽ gọi được mẹ hoặc người lớn đến giúp.
Một số người cho rằng nếu người lớn đáp ứng nhu cầu của trẻ sau tiếng khóc sẽ làm cho trẻ trở nên nhõng nhẽo. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Sự nhõng nhẽo chưa có ở trẻ sơ sinh. Vậy nên nếu bé khóc, chắc chắn là bé đang cần thể hiện một điều gì đó. Nếu không được đáp ứng, bé cũng sẽ mệt lả đi và nín khóc nhưng cảm giác bất an sẽ lớn dần trong bé, làm bé thiếu sự tin tưởng vào cuộc sống xung quanh.
Bạn nên xử lý thế nào khi con khóc? Hầu như người mẹ nào cũng bị bối rối bởi tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Đúng là rất khó để hiểu được ngay lý do vì sao bé khóc.
Nếu không được đáp ứng, bé cũng sẽ mệt lả đi và nín khóc nhưng cảm giác bất an sẽ lớn dần trong bé (Ảnh minh họa).
Lúc này, bạn hãy cố gắng bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân, đừng cáu kỉnh vô ích và hãy thể hiện sự cảm thông an ủi bé, dỗ dành bé. Bạn có thể ôm con vào lòng, vuốt ve bé nhè nhẹ, hát một bài hát ru hoặc nói chuyện ầu ơ với bé một cách diụ dàng. Bạn có thể cho bé bú một chút nếu bạn nuôi bé bằng sữa mẹ. Ngay cả khi chưa dỗ được bé nín ngay thì bạn cũng đừng vội tự trách mình, đừng quá lo lắng và cũng đừng bao giờ nghĩ rằng bạn là một người mẹ (hoặc nguời bố) kém cỏi. Nhiều lúc, sự vội vã và mệt mỏi có thể làm cho cha mẹ khó chịu đựng được tiếng khóc của trẻ.
Tình trạng căng thẳng có thể xảy ra nếu bạn không giữ được bình tĩnh. Nên nhớ bạn càng cáu kỉnh và căng thẳng thì bé càng khóc nhiều. Không ai có thể học được hết mọi điều trong vài ngày đầu tiên cả và sự thực là chỉ vài ngày hoặc vài tuần sau bạn đã có thể hiểu được tiếng khóc của bé. Hơn nữa, học khóc, học cách thể hiện cũng là việc cần có ở bất cứ trẻ nào để thích ứng được với môi truờng sống, vì vậy trong đa số các trường hợp, thì bé khóc là chuyện bình thường.
Trong trường hợp thật sự không giữ được bình tĩnh, bạn nên trao bé cho người khác trong gia đình hoặc nếu chỉ có một mình thì bạn có thể đặt bé xuống giường, chèn gối cho bé khỏi ngã rồi đi ra khỏi phòng, bạn hãy hít thở thật sâu, bước thật chậm rãi trong chừng 1 - 2 phút cho tinh thần lắng lại rồi quay lại với con.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, hiện đang làm việc tại Pháp về Tâm lý học phát triển và tâm lý học thực hành. Bác sĩ cũng là người thường xuyên có những bài viết hữu ích về chăm sóc, nuôi dạy con cái, kỹ năng sống, kỹ năng làm cha mẹ được đông đảo các mẹ chia sẻ vì có sự kết hợp các thông tin khoa học cũng như kinh nghiệm, vốn sống dồi dào.
em bé khóc, luyện ngủ, trẻ khóc, để mặc trẻ khóc, luyện ngủ đêm cho bé, luyện ngủ cho con, trẻ từ 0-1 tuổi, giấc ngủ của trẻ sơ sinh, bác sĩ nói gì