Không phải ai cũng nhận ra rằng thành tích học tập của trẻ bị ảnh hưởng do chính cách giáo dục của cha mẹ.
Tư duy làm cha mẹ và nguyên tắc đạo đức của bố mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của trẻ. Khi bố mẹ mất cân bằng về tâm lý, không những ảnh hưởng đến thành công của trẻ mà còn gây ra tổn hại về mặt tâm lý và sức khỏe của trẻ. Dưới đây là 4 nguyên nhân ảnh hưởng đến thành tích học tập của trẻ.
1. Phụ huynh thờ ơ, không quan tâm việc học của trẻ, khi trẻ nhận điểm kém thì bố mẹ nổi giận
Có phụ huynh thắc mắc: "Tại sao con tôi và bạn học trong lớp cách biệt điểm số đến vậy?".
Các ông bố bà mẹ luôn mong muốn trẻ đạt điểm cao trong kỳ thi nhưng không phải ai cũng dành thời gian để kèm cặp việc học của trẻ, thậm chí họ không thể tạo ra một môi trường tốt đáp ứng việc học của trẻ. Nhiều phụ huynh thích so sánh kết quả học tập của trẻ với bạn học trong lớp, điều này rất khập khiễng bởi nếu so sánh khách quan phải là so sánh giữa cách kèm cặp của mình và bố mẹ của những học sinh khác trong lớp.
Cùng một cấp học, cùng một giáo viên dạy dỗ, nếu kết quả học tập và thứ hạng của trẻ luôn thua kém bạn bè, nguyên nhân phần nhiều là do sự thiếu kèm cặp của bố mẹ, nếu bố mẹ không thể làm tốt trách nhiệm bồi dưỡng việc học của trẻ, nghĩa là bố mẹ không có tư cách giận dữ khi trẻ nhận điểm kém trong bài kiểm tra.
2. Phụ huynh không chăm chỉ đọc sách, thu nạp kiến thức nhưng luôn bắt trẻ chăm học
Nếu muốn tốt cho trẻ, trước tiên bạn phải là những người tiên phong trong việc thu nạp kiến thức. Bắt đầu từ hôm nay, bạn nên giống như trẻ ngồi vào bàn và lật sách ra đọc, nếu bạn không thể đọc sách lâu hơn nửa tiếng, vậy làm sao bạn có thể yêu cầu một đứa trẻ ngồi vào bàn học trong nhiều tiếng đồng hồ?
Có phụ huynh từng tâm sự: "Con tôi không thích học, sau khi làm bài tập, nó sẽ ném sách vở sang một bên, sau đó nó sẽ chúi mũi vào xem phim và chơi game". Nhà tư vấn giáo dục hỏi phụ huynh: "Khi đứa trẻ làm bài tập, anh đang làm gì?". Phụ huynh ngẩn người vài giây, ông lí nhí đáp: "Khi nó làm bài tập, tôi đang xem phim và chơi game trên điện thoại".
Nhà tư vấn giáo dục tiếp tục hỏi: "Anh có thói quen đọc sách và mua sách cho trẻ không?". Phụ huynh ngại ngùng đáp: "Tôi không có thời gian đọc sách, cũng hiếm khi mua sách cho con".
Đọc sách có vai trò quan trọng như thế nào trong việc học của trẻ?
Nhà văn Ukraina Vasyl Sukhomlynsky từng nói: "Nếu trẻ không ham mê đọc sách thì việc học của trẻ nhất định sẽ gặp nhiều rào cản, đọc sách giúp trẻ tích lũy vốn từ vựng, hun đúc tài năng văn chương, giúp trẻ cảm nhận sự diệu kỳ và đẹp đẽ của ngôn ngữ mẹ đẻ, thúc đẩy tinh thần ham học hỏi của trẻ".
Muốn trẻ ham học, bố mẹ nhất thiết phải trở thành người tiên phong trong việc đọc sách và thu nạp kiến thức, bởi trẻ sẽ học và làm theo bố mẹ.
3. Coi điểm số là quan trọng nhất
Điều đáng để ưu tiên là: sức khỏe của trẻ, tính trung thực, khả năng đối diện khó khăn, rồi kế đến mới là điểm số (Ảnh minh họa).
Khi phụ huynh có sự phối hợp chặt chẽ với giáo viên thì việc dạy dỗ và bồi dưỡng trẻ sẽ trở nên dễ dàng hơn, nếu phụ huynh muốn trẻ đạt được thành tích học tập cao, ngoài tài năng của trẻ, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý liệu trẻ có hội tụ những yếu tố quan trọng như: khả năng kiểm soát bản thân, khả năng tập trung, khả năng tìm tòi và học hỏi.
Đối với phụ huynh và giáo viên, điểm số của trẻ rất quan trọng, nhưng trên hết cần phải ghi nhớ điều đáng để ưu tiên là: sức khỏe của trẻ, tính trung thực, khả năng đối diện khó khăn, rồi kế đến mới là điểm số.
4. Phó mặc trách nhiệm dạy dỗ cho giáo viên, nhà trường
Hiện nay trẻ hình thành và phát triển tâm sinh lý từ rất sớm, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm trẻ, không nên đùn đẩy trách nhiệm dạy dỗ trẻ cho nhà trường, bởi ngay cả khi trẻ được giao cho giáo viên giỏi phụ trách nhưng thiếu đi sự kèm cặp của phụ huynh thì kết quả học tập của trẻ vẫn giảm sút.
Việc học của trẻ là một hành trình gian khổ và vất vả giống như leo một ngọn núi cao, khi trẻ không thể vượt qua các chướng ngại vật để leo tới đích, đương nhiên trẻ sẽ chán chường và muốn bỏ cuộc, đó là lý do giáo viên và phụ huynh cần phải theo sát để động viên và giúp đỡ trẻ, để trẻ thấy rằng trẻ không hề cô đơn trên hành trình tìm kiếm tri thức.
Nguồn: Sohu
dạy con, thành tích học tập, sai lầm của cha mẹ, phụ huynh