Đây là một loại rối loạn tuy còn khá hiếm gặp nhưng lại có thể gây ra nhiều nguy hiểm trong thời kì mang thai.
Khoảng 11 năm trước, bà mẹ trẻ Dorothy Christians đến từ Georgia, Mỹ đã phải trải qua một thử thách đáng sợ liên quan đến hiện tượng máu đông trong thai kỳ. Bà mẹ 3 con đến tận bây giờ vẫn có thể nhớ như in nỗi đau đớn lúc đó: "Đó là một trong những nỗi đau tồi tệ nhất mà tôi từng cảm thấy. Tôi đau đến mức không thể đi được. Để đi vào phòng tắm, chồng tôi sẽ phải bế tôi”, Dorothy nói.
Mẹ bầu Dorothy Christians đã gặp phải hiện tượng máu đông khi mang thai.
Cơn đau bắt đầu trong ba tháng cuối của thai kỳ khi cô mang thai đứa con đầu lòng. Chân trái và vùng háng của cô bắt đầu cảm thấy đau dữ dội đến mức cuối cùng Dorothy phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ đã phát hiện những cục máu đông hình thành trong những tĩnh mạch sâu của cơ thể (huyết khối tĩnh mạch sâu) và cục máu đông trong háng.
Lúc đầu, Dorothy không nhận ra mức độ nguy hiểm của những cục máu đông này nhưng may mắn thay, những bác sĩ của cô lại biết rất rõ. Bác sĩ Meera Garcia, cũng là người đã đỡ đẻ cho Dorothy, nói về cục máu đông và làm thế nào nó có thể dẫn đến nghẽn mạch phổi: "Với nghẽn mạch phổi, nếu nó không được xác định và điều trị, bạn có thể gặp phải tình trạng có ngày càng nhiều cục máu đông hơn từ bất cứ vị trí nào của cục máu đông có sẵn trong tĩnh mạch, đến mức phổi của bạn không thể trao đổi oxy nữa. Và rồi nó sẽ dẫn đến tử vong".
Máu đông không chỉ gây ra những cơn đau dữ dội mà thậm chí còn đe dọa đến cả tính mạng.
Dorothy phải nhận những mũi tiêm với thuốc làm loãng máu hàng ngày để ngăn ngừa đông máu trong lần mang thai đầu tiên, cũng như hai lần tiếp theo. May mắn thay, cô đã sinh thành công cả ba lần. Giờ đây Dorothy muốn gửi một thông điệp cho các phụ nữ mang thai khác: "Tôi nghĩ rằng trong sâu thẳm, khi bạn cảm thấy được một điều gì đó bất thường, thì đó chính là bản năng. Bạn cần lắng nghe cơ thể của mình”.
Hiện tượng máu đông khi mang thai là gì?
Đông máu là một quá trình phức tạp tạo ra các cục máu đông ngăn không cho máu chảy nhờ hoạt động của các tế bào máu là tiểu cầu. Đây là một cơ chế bình thường đóng vai trò cầm máu khi bị thương, và giữ vết thương không xuất huyết liên tục dẫn đến mất máu quá nhiều. Các bà bầu thường có nguy cơ tăng đông máu cao bởi cơ chế bảo vệ khỏi trạng thái xuất huyết khi vận động. Tuy nhiên, hiện tượng máu đông bất thường sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và dẫn đến một số rối loạn đông máu trong sản khoa.
Máu đông quá nhanh và hình thành nên những cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch chính là biểu hiện của bệnh lý - bệnh rối loạn đông máu (bệnh máu đông). Một trong những loại bệnh máu đông phổ biến nhất ở bà bầu đó là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), xảy ra khi máu đông xuất hiện ở chân và khung xương chậu. Nó có thể liên quan đến nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác nhau.
Các mẹ bầu nên gặp bác sĩ ngay nếu nhận thấy cơ thể có gì đó bất thường.
Nguyên nhân gây máu đông khi mang thai
Các nghiên cứu gần đây cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến DVT và điều đáng nói là bạn phải nhận biết mình có nằm trong yếu tố rủi ro nào hay không. Đông máu thường gặp ở 3 tháng đầu tiên của thai kì hoặc 6 tuần đầu tiên sau khi sinh. Nếu phát hiện một trong những nguy cơ bị DVT bên dưới, hãy nhanh chóng đến khám bác sĩ để được tư vấn chữa trị kịp thời, tránh ảnh hưởng của trường hợp xấu nhất, gây tử vong cho cả mẹ và bé.
- Bạn hoặc người thân từng bị DVT trước đó.
- Hút thuốc lá hoặc ở trong tình trạng hút thuốc lá thụ động thường xuyên.
- Trên 35 tuổi.
- Béo phì, thừa cân.
- Thường xuyên phải di chuyển xa khi mang thai.
- Thường xuyên ngồi một chỗ, ít di chuyển.
Một số dấu hiệu ban đầu của hiện tượng máu đông khi mang thai
- Một chân sưng đỏ, đau đột ngột.
- Chỗ đau có thể tăng khi đi bộ, co gập chân và đầu gối.
- Mạch máu có vẻ nở rộng hơn bình thường.
Tích cực vận động trong thai kì sẽ góp phần phòng tránh máu đông.
Làm thế nào phòng tránh bệnh máu đông ở khi mang thai?
Ngăn ngừa bệnh máu đông là điều quan trọng giúp bạn có một sức khỏe tốt trong quá trình mang thai và sinh con khỏe mạnh. Bạn cần lựa chọn một lối sống khỏe mạnh, tích cực vận động để không rơi vào số ít trường hợp mắc phải căn bệnh này. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến chuyên gia y tế của mình để tập luyện một số bài tập và hoạt động hàng ngày giúp ngăn chặn hình thành máu đông. Hơn nữa, áp dụng chế độ ăn uống hợp lí, đầy đủ chất dinh dưỡng, và khoáng chất, bỏ hút thuốc nếu nghiện hút cũng có những ảnh hưởng tích cực trong công tác phòng bệnh.
Nguồn: Littlethings, Mom
cục máu đông, mang thai sau sinh, mang thai, Sức khỏe bà bầu, thai kì, nguy hiểm trong thai kì