Sự nâng đỡ, bao bọc và chăm sóc quá kĩ càng của cha mẹ dành cho con cái rất có thể sẽ trở thành “vật cản đường” trong hành trình trở thành một em bé khỏe mạnh và hạnh phúc của trẻ.
Nếu đặt câu hỏi "Điều bạn muốn làm nhất cho con cái của mình là gì?" cho tất cả những ai đang làm cha mẹ, thì có lẽ 99% câu trả lời mà bạn nhận được chắc chắn sẽ là "Điều tôi mong muốn nhất đó là làm sao để các con tôi luôn được hạnh phúc và thành công". Nâng đỡ, bao bọc, che chở và chăm sóc cho con cái là bản năng mạnh mẽ nhất của những người đang làm cha, làm mẹ; khi nuôi con, họ trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết với gần như tất cả các phản ứng, thái độ và đặc biệt là cảm xúc của con cái; cũng chính vì thế mà càng ngày, cha mẹ càng can thiện quá sâu vào cảm xúc và định hướng cuộc đời của trẻ.
Theo nhiều nhà tâm lý và chuyên gia giáo dục, điều này là một mong muốn "lạc hướng" có thể mang đến nhiều trở ngại cho cuộc sống của trẻ khi trưởng thành; giống như Tiến sỹ giáo dục học Robin Berman, một PGS chuyên nghiên cứu về tâm thần học, một tác giả sách làm cha mẹ nổi tiếng từng chia sẻ trong một bài viết của bà rằng: "Xin lỗi các bạn, những cha mẹ luôn mong muốn con cái của mình được hạnh phúc, nhưng việc bạn đang cố gắng làm cho con đã trở thành một việc vô giá trị".
Tại sao mong muốn con cái hạnh phúc của cha mẹ lại trở thành một việc vô giá trị?
Tiến sỹ Robin Berman đã tiết lộ trong bài viết "Mong muốn lạc hướng về việc muốn con cái chúng ta được hạnh phúc" của bà một bí mật, đó là "để có những đứa trẻ hạnh phúc, bạn phải dạy chúng cách chịu đựng cảm giác buồn bã", trẻ phải có những lúc cảm thấy buồn chán, đau khổ và gặp thất bại để học cách làm chủ cảm xúc của mình và nhiều bài học cuộc sống giá trị khác.
Hay mới đây, bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của con trai của Thẩm phán cao nhất tại Mỹ John Roberts - Chánh án đương nhiệm của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, người từng tốt nghiệp Đại học Harvard (Mỹ) đã mang đến một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ và vô cùng thấm thía về mong muốn mà các bố mẹ muốn dành cho con. Ông cho rằng, các bài diễn thuyết trong lễ tốt nghiệp thường tràn ngập những lời chúc tốt đẹp, và với tư cách một người cha đã trải qua nhiều bài học xương máu của cuộc đời, ông không muốn làm như vậy nữa. Thay vào đó, ông gửi tới con trai mình và các bạn học những lời chúc về sự kém may mắn, sự bất công, về nỗi cô đơn và những thất bại… những điều mà theo ông có ý nghĩa lớn đối với sự trưởng thành của lũ trẻ hơn là những lời có cánh ngọt ngào.
Đó là mong muốn từ một người cha giàu tri thức và những trải nghiệm sống dành cho con mình, những thử thách giúp trẻ học cách đối mặt thế giới phức tạp với tâm thế và cảm xúc cân bằng, biết ứng xử đúng đắn với những khó khăn trong cuộc sống và dễ dàng vượt qua được thất bại với niềm tin và sự thấu hiểu vào chính bản thân mình.
Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực và những trở ngại của cuộc sống không phải là điều dễ dàng, học cách vượt qua những điều đó với một tâm thế bình tĩnh, lạc quan và nhẹ nhõm là việc khó khăn hơn thế nhiều lần. Vì thế, khi bố mẹ tôn trọng và chấp nhận những cảm xúc tiêu cực của con, sẵn sàng để cho con trải qua những khoảng thời gian chán nản, ủ rũ, không muốn làm gì cả, hay trao cho con cơ hội được tự chịu trải nghiệm và chịu trách nhiệm về những rủi ro, thất bại hay những điều kém may mắn… chính là một bài học vô cùng tuyệt vời giúp trẻ tập dượt, thích nghi với sự đa dạng, biến hóa, thậm chí là bất ổn của cuộc sống.
Hãy "mong con gặp nhiều thất bại và khổ đau" – nếu làm được điều này, bạn sẽ là cha mẹ "điểm 10" của những đứa trẻ mạnh mẽ và hạnh phúc.
Kỹ năng cần dạy con, kỹ năng làm mẹ, kỹ năng làm bố, làm cha mẹ tích cực