Không cần phải làm gì nhiều, chỉ cần cha mẹ trở thành tấm gương cho con khi duy trì đều đặn những thói quen này hàng ngày thì trẻ sẽ được nuôi dạy bằng tình yêu thương và năng lượng tốt lành của cha mẹ để lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc.
Chúng ta đều biết rằng, làm cha mẹ là một công việc vô cùng khó khăn và tràn đầy thử thách. Khi con mới chào đời, niềm hạnh phúc và sự háo hức trong vai trò và sứ mệnh của những người vừa lên chức cha mẹ khiến cho hầu hết những điều cần thiết để nuôi dạy một đứa trẻ đều không thể khiến bạn bị hạ gục, cho dù bạn có phải thức đêm triền miên cho con bú hay bối rối vì tiếng khóc của con. Thế nhưng, thời gian trôi đi, lũ trẻ dần lớn lên, cha mẹ sẽ càng nhận thức được tầm quan trọng của những thứ như lên thời gian biểu sinh hoạt hàng ngày và nuôi dưỡng những thói quen tốt để nuôi dạy con khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn.
Bằng việc hình thành và nuôi dưỡng các thói quen tốt cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ có thể giúp con cái thích nghi được với mọi điều kiện sống, cũng như các biến đổi của xã hội ở từng giai đoạn mà con lớn lên. Theo các nghiên cứu khoa học, trong thực tế, có 5 thói quen làm cha mẹ rất cần thiết cho việc nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh và hạnh phúc.
Đó không phải là những công cụ chỉ đơn giản là giúp cha mẹ nuôi dạy những đứa trẻ thành công. Hạnh phúc và Sức khỏe còn đứng trước cả thành công. Cha mẹ càng nuôi dưỡng con bằng những thói quen lành mạnh từ sớm để chúng khỏe mạnh và hạnh phúc thì chúng ta càng giúp con xây dựng một nền tảng vô cùng vững chắc để thành công.
Một trong những bài học làm cha mẹ quan trọng hàng đầu được nhắc đến hầu hết trong mọi cuốn sách, mọi bài thuyết trình, mọi bài báo hay các cuộc hội thảo, các khóa huấn luyện làm cha mẹ thành công, đó là bài học về sự "làm gương". Trẻ nhỏ là tấm gương phản chiếu thói quen, hành động, tinh thần và cảm xúc của cha mẹ, vì thế trở thành tấm gương cho con, thực hành những thói quen, kỹ năng sống mà chính bản thân mình mong muốn ở con là một bí quyết quan trọng giúp các cha mẹ nuôi dạy con nên người.
Và nếu bạn thực hiện kiên trì, bền bỉ 5 thói quen làm cha mẹ hàng đầu này trong cuộc sống hàng ngày với tư cách là cha mẹ, bạn có thể hoàn toàn yên tâm rằng, bạn đang tặng cho con mình một nền tảng chắc chắn cần thiết để giúp chúng hoàn thành sứ mệnh của cuộc đời mình.
1. Nói "Làm ơn", "Xin lỗi" và "Cảm ơn"
Nghe thì có vẻ dễ nhưng không phải cha mẹ nào cũng làm được điều này. Khi bạn nói "Làm ơn" và "Cảm ơn", bạn không chỉ đang dạy con cách cư xử mà còn đang trở thành một tấm gương sáng cho con. Đó là ba từ giúp thể hiện một cách sâu sắc sự tôn trọng lẫn nhau, lòng trắc ẩn, thậm chí là sự đồng cảm. Một đứa trẻ biết nói "Làm ơn" và "Cảm ơn" sẽ lớn lên và hiểu được sự quan trọng của cả việc cho đi và nhận lại, cùng với các kĩ năng xã hội sống còn để trưởng thành.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ cần nói "Cảm ơn" là có thể giúp bạn xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội với đầy ắp sự biết ơn. Khi chúng ta biết ơn mọi thứ, chúng ta không coi những điều mình đang có là hiển nhiên, và mọi người thì luôn trân trọng, đánh giá cao những người như vậy hơn là những kẻ vô ơn. Ngoài ra, nói "Cảm ơn" và thể hiện sự biết ơn không chỉ ảnh hướng đến cá nhân bạn và những người bạn đang giao tiếp mà còn ảnh hưởng và lan truyền tới cả những người khác.
2. Cầu nguyện lúc đi ngủ và thức dậy với lòng biết ơn
Không cần phải theo một tôn giáo cụ thể nào, việc cùng với con cầu nguyện vào buổi tối trước lúc đi ngủ và cảm giác biết ơn mỗi khi thức dậy vào buổi sáng sẽ giúp trẻ trở thành những người lớn có khả năng thích nghi và tiếp nhận thế giới tốt hơn. Ngoài ra, việc này có giúp trẻ nhận ra được tầm quan trọng của sự tập trung. Khi chúng ta tập trung tinh thần vào những điều mà chúng ta biết ơn, chúng ta sẽ sống một cuộc sống phong phú và dồi dào hơn rất nhiều. Bởi vì, khi chúng ta dồn sự tập trung và năng lượng tốt lành của chúng ta vào sự biết ơn và trân trọng những điều mà chúng ta đang có chứ không phải những điều mà chúng ta không có, thì tâm trí của chúng ta sẽ tràn ngập sự cảm giác đầy đủ thay vì cảm giác thiếu thốn.
Nếu cha mẹ dạy được con cái điều này, trẻ sẽ cảm nhận được và có thể tự đưa quyết định trong việc không tập trung suy nghĩ và năng lượng của mình vào sự tham lam và đòi hỏi mà dành cho việc đóng góp, giúp đỡ người khác nhiều hơn.
3. Trung thực và chân thành là sự lựa chọn tốt nhất
Trong khi một số cha mẹ cho rằng nói dối con cái về một vài điều nhất định là cần thiết, thì những người khác lại tin rằng, bằng cách trung thực và nuôi dưỡng những thói quen thể hiện sự trung thực, chân thành đối với bất kể điều gì chính là sự lựa chọn tốt nhất khi nuôi dạy con. Vậy, làm thế nào để chúng ta hình thành và nuôi dưỡng thói quen trung thực cho trẻ? Liệu nó có đơn giản là chúng ta dạy cho con cái và nói với chúng rằng "trung thực luôn là sự lựa chọn đúng đắn"? Hay là cha mẹ sẽ làm gương? Hoặc chúng ta kết hợp cả hai cách?
Câu hỏi đó cũng đã từng được Kang Lee, một nhà nghiên cứu của Đại học Toronto, Canada đặt ra. Trong một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học tâm lý với tựa đề "Liệu các câu chuyện cổ tích về đạo đức có thể nâng cao tính trung thực ở trẻ em?", Lee đã đặt ra câu hỏi rằng các câu chuyện cổ tích tập trung vào sự tiêu cực của hành vi không trung thực như là cậu bé người gỗ mũi dài Pinocchio hay những câu chuyện thúc đẩy hành vi chân thành chứ không phải là những ảnh hưởng tiêu cực của sự không trung thực sẽ có những tác động hiệu quả hơn với trẻ?
Những điều mà Kang Lee nhận được từ nghiên cứu này thực sự đáng ngạc nhiên, ông công bố rằng, "trái với mong đợi của chúng tôi, những câu chuyện hướng tới hậu quả của sự gian dối như Pinocchio không làm giảm xu hướng trẻ sẽ nói dối về hành vi của mình khi chúng phạm lỗi, ngược lại, các câu chuyện khuyến khích những hành vi chân thành, trung thực lại làm gia tăng đáng kể khả năng trẻ sẽ nói thật về những lỗi lầm của mình, bất kể trẻ đang ở độ tuổi nào. Yếu tố tạo nên ảnh hưởng khác biệt giữa hai thể loại truyện này với hành vi của trẻ chính là "nhấn mạnh đến sự tích cực của lòng trung thực".
4. Đọc sách hàng ngày
Nuôi dưỡng và phát triển thói quen đọc sách là một thói quen quan trọng đối với trẻ. Trong khi trẻ em ở thời đại hiện nay liên tục bị hấp dẫn và bủa vây bởi các phương tiện truyền thông cả trên mạng internet lẫn ngoài cuộc sống thì việc hình thành thói quen đọc từ sớm rất có ý nghĩa với trẻ. Những đứa trẻ đọc sách có khả năng giao tiếp và thấu hiểu thế giới chúng đang sống tốt hơn, biết cách chắt lọc những thông tin và trải nghiệm quan trọng từ thế giới trong các cuốn sách mà chúng đang đọc.
Trẻ nhỏ là những chuyên gia trong việc "bắt chước" cha mẹ, vì thế, không cần phải rao giảng với con cái rằng chúng nên và phải đọc sách, nếu con cái nhìn thấy cha mẹ chúng đọc sách hàng ngày, thì theo một cách vô cùng tự nhiên và dễ dàng, chúng cũng sẽ hình thành thói quen đọc sách. Thói quen đọc được nhắc đến ở đây không chỉ đơn giản là đọc sách cho con trước giờ đi ngủ, mà bao gồm cả việc giúp trẻ nuôi dưỡng một cách bền bỉ niềm yêu thích với việc tự đọc sách, đủ tò mò để khám phá những cuốn sách hấp dẫn chúng, để cuối cùng là hình thành niềm đam mê cho những điều mà trẻ muốn trong cuộc sống.
Thói quen đọc mở ra cho chúng ta một thế giới hoàn toàn mới mẻ, một cơ hội để khám phá và thấu hiểu những điều mà chúng ta không thể tự mình khám phá hoặc thấu hiểu bằng khả năng của mình. Nó trang bị cho chúng ta kho tri thức quý báu của nhân loại qua hàng thế kỷ. Các kinh nghiệm và trải nghiệm được ghi lại trong sách vở là công cụ học tập vô giá cho trẻ khi chúng quan tâm đến một vấn đề hay chủ đề cụ thể nào đó. Hãy nhớ rằng, khi trẻ nhìn thấy cha mẹ đọc sách, chúng cũng sẽ yêu thích việc đọc sách.
5. Chia sẻ và lắng nghe cảm xúc của bạn
Mặc dù nhiều người lớn chúng ta vẫn nghĩ rằng trẻ em quá nhỏ để hiểu một số vấn đề nhất định, nhưng hãy chấp nhận một thực tế là chúng hiểu biết nhiều hơn những điều mà chúng ta biết. Trẻ nhỏ là những chuyên gia cất giấu mọi thứ vào não bộ và tâm hồn của mình, những điều chúng sẽ "truy cập" dần dần sau này trong hành trình lớn lên. Khi con cái nhìn thấy cha mẹ chúng im lặng, không muốn nói chuyện, cố kìm nén cảm xúc của mình khi nói chuyện điện thoại hoặc trao đổi riêng tư với một ai đó, dám cá rằng, chúng đang sắp xếp mọi thứ mà chúng nghe và nhìn thấy cha mẹ đang làm, và "mã hóa" những điều đó vào đâu đó trong tiềm thức của chúng.
Tuy nhiên, khi chúng ta lắng nghe và chia sẻ cảm xúc với con cái thì cũng chính là chúng ta đang dạy con cách biểu lộ và diễn đạt cảm xúc của chúng; thậm chí còn cung cấp cho chúng một số kĩ năng xã hội cần thiết cho sự phát triển bản thân sau này. Một đứa trẻ có thể chủ động truyền đạt và thể hiện cảm xúc của mình là đứa trẻ đó đang có trong tay một công cụ vô giá cho cuộc sống.
Chúng ta phải nhắc lại điều này một lần nữa, trẻ em có khả năng bắt chước vô cùng tuyệt vời. Nếu cha mẹ chia sẻ cảm xúc của mình với con cái, kể cho chúng nghe về một ngày của mình đã trôi qua như thế nào, những câu chuyện đã xảy ra và điều đó khiến bạn cảm thấy thế nào, sau đó giúp con chia sẻ những điều tương tự như vậy với cha mẹ, đó chính là cách tuyệt vời để chúng ta khích lệ những thói quen con cái hạnh phúc và khỏe mạnh trong tương lai. Khi các mối quan hệ trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời của trẻ, thì việc mang đến cho chúng những công cụ đúng đắn để sắp xếp thứ tự ưu tiên, để kiểm soát mối quan hệ với bạn bè, đối tác kinh doanh, hay thậm chí là người yêu chính là sự trang bị có ý nghĩa cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Tầm quan trọng của sự kết nối giữa cha mẹ và con cái đã được khẳng định bởi nhiều nghiên cứu khoa học, cha mẹ luôn có thể làm nhiều hơn thế để thúc đẩy thói quen này ở con cái. Nếu chúng ta có thể giúp con cái trở thành những người giỏi kết nối và truyền đạt từ sớm, chúng sẽ trưởng thành và sống tốt hơn rất nhiều, không chỉ trong các mối quan hệ cá nhân, mà còn trong sự nghiệp, tiền bạc và sức khỏe khi chúng luôn tìm kiếm lời khuyên từ những người xung quanh thay vì tự mình xoay xở xử lý mọi thứ.
dạy con, kỹ năng làm mẹ, kỹ năng làm bố, Kỹ năng cần dạy con, làm cha mẹ tích cực