Mẹ & bé

Trẻ hay mè nheo, khóc lóc, ăn vạ đôi khi là do cha mẹ đã mắc phải cách ứng xử sai lầm này

Nếu bạn vẫn dùng những biện pháp này để đối phó với những lúc con giận dỗi, mè nheo, khóc lóc thì hãy thay đổi ngay với những gợi ý sau.

1. Mắng và chỉ ra lỗi sai của con

Phản ứng thường gặp của các phụ huynh trước cơn mè nheo của con là mắng và chỉ ra con đã làm gì sai. Không may thay đó không phải là một giải pháp hay. Theo nhà trị liệu về gia đình và hôn nhân Carrie Krawiec từ phòng khám Birmingham Maple, Michigan (Mỹ), với việc hành động như vậy, bố mẹ đang vô tình khuyến khích những hành xử xấu của trẻ. Theo bà, lý do là bởi khi đang giải thích về lỗi sai của con, bố mẹ cũng chính là đang trò chuyện trực tiếp, mắt đối mắt và tập trung vào con. Và những lúc như vậy thì bố mẹ nên tận dụng để trò chuyện với con về những cách cư xử đúng, dạy cho con những điều tốt bởi nói về những điều sai sẽ chỉ thúc đẩy trẻ tiếp tục mè nheo mà thôi.

Vì thế, thay vì tập trung vào việc trẻ đã làm sai điều gì, chúng ta nên để ý hơn gấp 5 lần đến những gì con đã làm đúng.

2. Chỉ ra những việc con không nên làm

Thay vì nói con không nên làm gì, Carrie khuyến khích bố mẹ nên chỉ ra những việc trẻ phải làm. Ví dụ, hãy thay câu “Đừng lèm nhèm nữa đi” bằng câu “Con hãy nói bằng giọng bình thường xem nào”. Và khi trẻ làm được điều mà bạn bảo con, hãy khen ngợi bằng lời và diễn tả bằng hành động để khuyến khích con.

Trẻ hay mè nheo, khóc lóc, ăn vạ đôi khi là do cha mẹ đã mắc phải cách ứng xử sai lầm này - Ảnh 1.

Dần dần tăng sự cọ xát của trẻ với những tình huống đáng sợ thì trẻ sẽ hình thành được một thói quen kiểm soát nỗi sợ hãi (Ảnh minh họa).

3. Không quan tâm bản chất cơn mè nheo là gì

Thông thường, bố mẹ chỉ quan tâm đến cách giải quyết mà bỏ qua cái gốc, nguyên nhân gây ra cơn mè nheo, khóc lóc của trẻ. Biết được bản chất và loại mè nheo nào có thể giúp bố mẹ đối phó dễ dàng hơn rất nhiều. Thực tế, có 2 loại mè nheo khác nhau. Loại thứ nhất chính là loại mè nheo khi trẻ dùng bộ não phản ứng và lô-gic để điều khiển tình huống theo ý chúng muốn. Và mặc dù điều này là phù hợp và cũng cần thiết cho sự phát triển của trẻ thì bố mẹ vẫn nên can thiệp và đặt ra những ranh giới.

Loại thứ hai là loại khi trẻ chỉ dùng não bộ phản ứng của chúng mà không có lô-gic, vì thế với loại mè nheo này, trẻ sẽ hành động theo ý thích và thường sẽ không nghe bất kì một lời giải thích hay an ủi nào từ bố mẹ. Trong khi đó, ở loại thứ nhất, trẻ vẫn có thể lắng nghe và đồng ý với những thương lượng từ bố mẹ. Vì thế, ở loại thứ hai này, bố mẹ nên dạy con cách chấp nhận những cảm xúc tiêu cực và dần dần giúp trẻ bình tĩnh, có thể bằng cách giúp trẻ thở đều hay di chuyển đến một địa điểm khác.

4. Bao bọc trẻ quá mức

Trẻ hay mè nheo, khóc lóc, ăn vạ đôi khi là do cha mẹ đã mắc phải cách ứng xử sai lầm này - Ảnh 2.

Hãy tìm lời khuyên từ một bác sĩ, một chuyên gia tư vấn hay nhà tâm lý để có thể đánh giá được một cách đúng đắn và khách quan hành vi của trẻ (Ảnh minh họa).

Thay vì bao bọc và bảo vệ con quá mức, các bác sĩ khuyên rằng bố mẹ nên thỉnh thoảng đưa con ra khỏi “vùng an toàn” của chúng. Nếu bố mẹ thấy rằng những cơn mè nheo của trẻ đi kèm với sự lo lắng thì sẽ có khá nhiều cách để tập cho trẻ thích nghi với kiểu tình huống khiến con lo lắng hay sợ hãi. Bác sĩ trị liệu tâm lý Natalie Moore ở Los Angeles cho biết: “Dần dần tăng sự cọ xát của trẻ với những tình huống đáng sợ thì trẻ sẽ hình thành được một thói quen kiểm soát nỗi sợ hãi và cảm thấy an toàn và tự tin khi đối mặt với những tình huống đó. Hãy cho trẻ nhiều thời gian thích ứng với việc va chạm với nỗi sợ hãi của chúng bằng cách khéo léo kết hợp nỗi sợ vào lúc chơi và đảm bảo rằng sẽ luôn có một kết thúc tốt đẹp, từ đó giúp trẻ quen với việc liên kết nỗi sợ hãi của chúng với sự an toàn.”

5. Cho rằng mình có thể giải quyết được hết

Có một ghi nhớ quan trọng dành cho bố mẹ đó chính là không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể tự đối phó được, mà cần phải biết lúc nào cần tìm đến bác sĩ hay chuyên gia. Nếu bạn đang lo lắng vì trẻ đang mè nheo và giận dỗi với tần suất và mức độ ngày càng tăng, và bạn cảm thấy mọi việc đang dần ngoài tầm kiểm soát hay có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, hãy đừng ngần ngại nói ra. Hãy tìm lời khuyên từ một bác sĩ, một chuyên gia tư vấn hay nhà tâm lý để có thể đánh giá được một cách đúng đắn và khách quan hành vi của trẻ và đưa ra giải pháp thích hợp.

6. Cho rằng trẻ cố tình mè nheo

Trẻ hay mè nheo, khóc lóc, ăn vạ đôi khi là do cha mẹ đã mắc phải cách ứng xử sai lầm này - Ảnh 3.

Có một nhu cầu hay một tình huống quá tầm so với những kĩ năng mà chúng có… (Ảnh minh họa)

Phụ huynh thường cho rằng trẻ cố tình mè nheo nhưng sự thật lại không phải như thế. Bác sĩ Jeff Laponsie từ Trung tâm tư vấn gia đình và trẻ em Kalamazoo giải thích: “Trẻ thường không có được ích lợi gì từ việc mè nheo. Hầu hết trẻ trở nên như vậy bởi vì có một vấn đề phát sinh mà quá lớn để chúng có thể giải quyết một mình. Có một nhu cầu hay một tình huống quá tầm so với những kĩ năng mà chúng có…”

7. Áp đặt quyền lực

Trẻ hay mè nheo, khóc lóc, ăn vạ đôi khi là do cha mẹ đã mắc phải cách ứng xử sai lầm này - Ảnh 4.

Tránh thỏa hiệp hay đe dọa, bố mẹ nên nhớ rằng khi mà cảm xúc của trẻ vẫn còn hỗn độn thì "phanh" của chúng sẽ không còn hoạt động (Ảnh minh họa).

Khi trẻ mè nheo, bố mẹ cần tránh việc tranh cãi về quyền lực, hay nói cách khác là áp đặt xem ai mới là người có quyền. Bác sĩ Laponsie đưa ra lời khuyên: “Mục đích của kỷ luật là thay đổi hàn vi của trẻ, không phải là để trừng phạt hay nhắc nhở con ai mới là người có quyền. Tránh thỏa hiệp hay đe dọa, bố mẹ nên nhớ rằng khi mà cảm xúc của trẻ vẫn còn hỗn độn thì “phanh” của chúng sẽ không còn hoạt động. Những lúc ấy, bố mẹ nên đóng vai trò là cái phanh cho trẻ và tập trung vào giúp trẻ bình tĩnh lại.”

8. Cứng nhắc

Để đối phó với những cơn mè nheo của trẻ, bố mẹ cũng cần biết cách thỉnh thoảng tạo ra những ngoại lệ. Bác sĩ Natalie Moore cho rằng: “Nếu thỉnh thoảng bố mẹ đầu hàng một số những cơn mè nheo của trẻ, thì cũng không phải là điều gì đáng để lo lắng cả. Trẻ học từ hàng triệu những tương tác có được với những người thân trong suốt thời ấu. Nếu nhìn vào tổng thể thì một vài những lần nhượng bộ cũng sẽ không làm hư một đứa trẻ. Thỉnh thoảng bố mẹ cũng nên biết cách tạo ra ngoại lệ, dễ dàng với bản thân một chút, chỉ cần nhớ không để điều đó trở thành thói quen là được.”

Nguồn: Mom

aFamily

mè nheo, khóc lóc, ăn vạ, bí quyết dạy con, nuôi con, sai lầm của cha mẹ


      © 2021 FAP
        1,310,655       796