Mẹ & bé

Mẹ Việt tự chế siro ho tại nhà con trẻ dễ ngộ độc cần tuyệt đối cẩn trọng

Theo chuyên gia, nhiều mẹ có thói quen tự chế siro chữa ho cho con nhưng điều này khá nguy hiểm vì có thể gây ngộ độc vì thực phẩm không đảm bảo.

Thông tin thêm về vấn đề này trên báo Gia đình & Xã hội, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ho không phải bệnh, mà là một phản xạ bảo vệ cơ thể nhằm loại bỏ các chất tiết, dị vật ra khỏi đường hô hấp. Nhưng nhiều cha mẹ cứ thấy con ho, viêm họng là vội vàng ra hiệu thuốc tự ý mua các loại kháng sinh cho con uống vì nhầm tưởng là khỏi.

Điều này hết sức nguy hiểm vì khi sử dụng kháng sinh không đúng cách rất dễ dẫn tới kháng thuốc. Kháng sinh chỉ có tác dụng với ho do vi khuẩn. Còn ho do virus thì dùng kháng sinh cũng không có tác dụng, thậm chí có những nghiên cứu cho thấy, nếu ho không cần dùng kháng sinh mà lại cho uống kháng sinh thì lâu khỏi hơn.

Mẹ Việt tự chế siro ho tại nhà con trẻ dễ ngộ độc cần tuyệt đối cẩn trọng  - Ảnh 1.
 Việc tự chế siro tại nhà chữa ho cho trẻ rất dễ gây ngộ độc. Ảnh: Gia đình mới

Trước lo ngại về kháng kháng sinh, nhiều cha mẹ đã “chuyển hướng” điều trị cho con sang dùng thuốc đông y, hay tự mày mò làm các bài thuốc dân gian theo lời khuyên để cho con uống. Hoặc dùng các loại siro ho cho con uống.

Và phương pháp được nhiều người nghĩ tới và áp dụng nhất là các công thức bào chế siro trị ho, tiêu đờm từ đường, mật ong hấp với các loại hoa, quả, lá thuốc có công dụng chữa bệnh.

Tạp chí điện tử Gia đình mới cũng thông tin, theo các lương y, các dược chất Đông y có trong lá bạc hà, cam thảo, mơ, cây bách bộ có tác dụng rất tốt trong chữa ho mà không có tác dụng phụ.Trong cuốn ‘Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam’ (GS, TS Đỗ Tất Lợi, NXB Y học, NXB Thời đại), cây bách bộ cũng như lá của cây tỳ bà (tỳ bà diệp) nằm đầu bảng trong các thuốc chữa ho, trừ đờm.Theo tác giả Đỗ Tất Lợi, cây bách bộ có hoạt chất stemonin, chất này có tác dụng làm giảm tính hưng phấn của trung khu hô hấp, có tác dụng ức chế phản xạ ho.

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trẻ đã phải cấp cứu vì bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm bệnh mãn tính vì ngộ độc bởi thuốc đông y được chế biến từ dược liệu ‘bẩn’.

Theo nghiên cứu Viện Dược liệu, 90% thuốc bắc trên thị trường không đảm bảo an toàn chất lượng, 20% trong số đó trộn tạp chất hoặc là dược liệu giả. Điển hình nhất là vụ việc năm 2016, Cục Cảnh sát Môi Trường thu giữ 160 bao tải dược liệu không rõ nguồn gốc. Qua kiểm tra, số dược liệu trên còn tồn dư cả kali nitrat (diêm sinh).

Chưa kể tới, thực phẩm không đảm bảo an toàn trong đó có các loại rau, củ… được sử dụng làm nguyên liệu trị ho. Húng chanh, hẹ, hoa hồng… có thể được ‘ngậm’ chất bảo quản, chất kích thích, trồng trên đất ô nhiễm.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho rằng, người dân hãy cẩn trọng khi chọn dược liệu làm siro ho và tìm hiểu kỹ về loại siro ho định mua cho con, bởi trong những năm làm nghề ông đã cấp cứu khá nhiều ca trẻ bị ngộ độc cấp do sử dụng thuốc đông y chế biến từ dược liệu “bẩn” - “vàng thau lẫn lộn”, rất khó truy xuất nguồn gốc, và không kiểm chứng được chất lượng.

Việc bố mẹ tự chế siro cho con uống, thậm chí siro của một số nơi làm nếu từ nguồn dược liệu bẩn thì khi cho trẻ uống sẽ trị ho không hiệu quả, còn gây họa cho con trẻ (nếu nguồn gốc dược liệu “bẩn”, kém chất lượng, có các yếu tố gây hại từ phân bón, dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, chất bảo quản, tỉ lệ nhiễm nấm mốc cao…) và càng cho trẻ uống siro lâu thì chất độc hại tích tụ trong cơ thể càng gây ra các vấn đề về sức khỏe - dù có thể đã chữa được một loại bệnh nào đó.

Siro ho cần được làm từ dược liệu sạch trên thị trường, phải được làm từ nguồn dược liệu có chứng nhận của Bộ y tế về nguồn gốc xuất xứ… Dù là siro trị ho hiệu quả, bố mẹ cũng cần có tư vấn của bác sĩ về liều lượng và cách dùng, và không quá lạm dụng. Nếu dùng siro ho không thấy hiệu quả thì cần biết là có thể do siro bị làm từ dược liệu bẩn, khiến trẻ bị ho kéo dài. Cần đưa tới viện sớm.

aFamily

Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa nhi, đường hô hấp


      © 2021 FAP
        1,311,393       865