Theo bà mẹ trẻ Lâm Anh, sau khi sinh con, chị được ăn thoải mái từ cá biển cho đến thịt bò. Tuy nhiên, 5 cữ ăn trong ngày, chị đều đặn được ăn một món ăn truyền thống của sản phụ Hàn Quốc.
Nhật ký vượt cạn của bà mẹ Lâm Anh (Cà Mau, hiện đang sống tại Sokcho, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc) chia sẻ mới đây khiến nhiều người bất ngờ với phong tục “lạ” của người dân xứ Hàn.
Cách đây hơn 1 năm, chị sang Hàn Quốc thăm mẹ và dượng. Ở đây được 5 tháng, chị quen ông xã hiện tại và tiến tới hôn nhân.
Bà mẹ trẻ tự nhận mình may mắn khi bất ngờ gặp được một nửa của mình rất mực yêu thương gia đình. “Kể từ khi có bầu, mình càng được chồng yêu chiều. Mình đã yên tâm hơn rất nhiều khi luôn có chồng và mẹ ở bên cạnh từ khi mang bầu đến lúc sinh con và nuôi con thơ”, mẹ bỉm sữa hào hứng tâm sự.
Chị Lâm Anh và con trai đầu lòng.
Chị Lâm Anh kể, thời kỳ mang bầu con đầu lòng chị rất bỡ ngỡ và lo lắng khi những kiến thức để chăm sóc sức khỏe bản thân và bé chị đều chưa nắm được nhiều. Vì khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn chưa thật tốt nên khi thăm khám, chị càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Nhưng sau khi chào đón bé trai đầu lòng, chị đã hoàn toàn tin tưởng với quyết định ở lại xứ người để sinh và nuôi con nhỏ. Được các y, bác sĩ ở đây chăm sóc tận tâm, chế độ thai sản chu đáo khiến bà mẹ này phải thốt lên “đi đẻ sướng như tiên”.
Vừa mang thai đã nhận được tiền trợ cấp
Jun - bé trai nhà chị Lâm Anh khi 1 tuần tuổi
Có một điều may mắn là trong 9 tháng thai kỳ, chị Lâm Anh có sức khỏe ổn định, thai nhi phát triển bình thường, khỏe mạnh. Không những thế, chị còn rất thoải mái khi nhận được sự tiền trợ cấp thai kì và sự chăm sóc sức khỏe chu đáo của dịch vụ y tế nơi đây.
Cụ thể, ngay từ khi biết tin mình mang bầu, chị đã cùng ông xã đến ngân hàng Nonghuyp xuất trình giấy khám thai và sổ hộ khẩu để nhận được thẻ trợ cấp. Trong thời kỳ 9 tháng thai kỳ, ngân hàng chuyển một số tiền vào thẻ này để sản phụ dùng trong việc thăm khám sức khỏe cho tất cả các phụ nữ khi mang thai.
Chị Lâm Anh kể: “Số tiền này sẽ trừ dần trong các lần mình đến trạm y tế khám sức khỏe cho mẹ và bé. Ngoài ra, hàng tháng, trạm y tế còn cấp cho các mẹ bầu thuốc bổ. Trước đó, khi khai báo, mang thai, bất cứ bà mẹ nào cũng nhận được máy hút sữa, số tiền bỉm sữa là 150 won (khoảng 3 triệu đồng) để mua sắm tại 1 siêu thị đã định sẵn”.
“Bà bầu và trẻ em được đặc biệt quan tâm tại đất nước này. Sau khi sinh xong, mỗi tháng mình còn nhận được tiền hỗ trợ nuôi con 200 won (khoảng 4 triệu đồng) cho đến khi con đi nhà trẻ”, chị Lâm Anh cho biết.
Hậu sinh không kiêng khem, nhưng nhất thiết phải ăn canh rong biển
Chia sẻ về kinh nghiệm sinh con, chị Lâm Anh cho biết, khoảng 7 ngày trước ngày dự sinh, chị ra máu báo. Với nhiều chị em lần đầu sinh con, thậm chí dù đã có kinh nghiệm đều rất lo lắng về việc ra nhầy lẫn máu thời gian này nhưng theo bà mẹ này đây là dấu hiệu cho biết các mẹ sắp lâm bồn.
Mẹ và bé sẽ được nghỉ ngơi tại phòng riêng.
“Chị em thường thấy ra máu là sợ rồi nhưng với bản thân mình, do không đau bụng nên mình vẫn tiếp tục ở nhà. 3 ngày sau, mình đến viện khám và các bác sĩ nói có dấy hiệu chuyển dạ nên mình nhập viện. Nếu các mẹ lo lắng thì có thể đi khám. Như mình biết, thời gian sắp sinh, một số mao mạch vỡ ra nên xảy ra hiện tưởng này, còn nếu nguyên nhân khác do va chạm mạnh thì các mẹ nên lập tức đến viện kiểm tra ngay”, chị Lâm Anh chia sẻ theo kinh nghiệm sinh nở của bản thân.
Tiếp đến khoảng 2h chiều ngày 8/1 chị xuất hiện các cơn đau đẻ khi các cơn gò bắt đầu nhiều hơn và cổ tử cung bắt đầu dãn. Bà mẹ trẻ cho biết: “Đến khoảng 4h chiều, mình được khám lại, tử cung tiếp tục mở rộng hơn. Khi bác sĩ bấm ối, các cơn đau dồn dập nhiều hơn nhưng may mắn có mẹ bên cạnh để động viên và bác sĩ khá nhẹ nhàng nên mình bớt sợ hơn”.
“Lúc này, chị được các y tá hướng dẫn cách rặn để tránh mất sức khi đẻ. 5h30, mình được chuyển đến phòng sinh và đến 6h25, bé chào đời”, chị Lâm Anh kể lại.
Bữa ăn của sản phụ ở Hàn đều đặn có canh kim chi.
Về việc chăm sóc sau sinh ở bệnh viện Hàn, các y, bác sĩ tại đây không yêu cầu sản phụ phải kiêng khem trong vấn đề ăn uống, sinh hoạt. Bà mẹ Việt này cho biết, chị được thoải mái ăn các món mình yêu thích từ cá biển đến thịt bò. Mỗi ngày chị được ăn khoảng 5 cữ, nhưng chắc chắn không thể thiếu món canh rong biển. Chị cho biết, đây là món ăn món ăn truyền thống của sản phụ Hàn Quốc. Không những thế, canh rong biển rất giàu sắt, tốt cho máu và còn giúp sản phụ có nhiều sữa cho con bú.
Sau khi sinh, nếu mẹ chưa có sữa cho con thì bác sĩ chỉ định cho bé bú bình và chuẩn bị cả bình sữa cho các bé. Để mẹ được nghỉ ngơi sau sinh, 3 ngày đầu, bé được các ý tá tắm sạch sẽ và nằm nôi riêng. Đặc biệt ở bệnh viện Hàn, các sản phụ đều có phòng riêng để đảm bảo yên tĩnh, sự thoải mái cho mẹ và bé. Mẹ được khuyến khích đi lại, đứng ngồi sau 24h sinh con”, chị kể.
Bệnh viện phát sữa, tã... miễn phí cho em bé khi mới chào đời
Với những bà mẹ sinh thường như chị Lâm Anh sẽ được xuất viện sau 2-3 ngày sau sinh khi sức khỏe của mẹ và bé ổn định. Trước khi rời viện, sản phụ được bác sĩ chuẩn bị túi xách kèm sữa hộp, bình sữa, quần áo, bỉm sữa, nệm và cẩm nang chăm con.
“Từ hôm sinh con đến nay đã gần 2 tuần nhưng mình chưa hề tốn tiền bỉm sữa cho cho con”, chị Lâm Anh cho biết.
Ảnh: NVCC
sinh con, chuyện đi đẻ, mẹ Việt ở Hàn, sinh nở, mang thai sau sinh