Sữa mẹ chứa hàm lượng dinh dưỡng đầy đủ, các kháng thể dồi dào, đặc biệt là khả năng biến đổi kì diệu để đáp ứng nhu cầu của em bé qua từng thời kì nên được nhiều người gọi là “vàng lỏng” của con người.
Không chỉ có giá trị về mặt dinh dưỡng, sữa mẹ còn có khả năng nhận tín hiệu và biến đổi kì diệu để đáp ứng kịp thời nhu cầu của em bé qua từng giai đoạn, cụ thể đó là:
1. Thay đổi thành phần và số lượng phù hợp với sự phát triển của bé
Sau khi sinh, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra sữa non màu vàng, đặc sánh chứa các thành phần miễn dịch giúp bảo vệ em bé trong giai đoạn đầu đời. Bà Taya Griffin, chuyên gia tư vấn về tiết sữa tại Toronto – Canada cho biết: "Về cơ bản, sữa non giống như liều vắc-xin đầu tiên của trẻ. Một trong những chất tăng cường miễn dịch quan trọng trong sữa mẹ đó là SIgA chế tiết, nó bao phủ lên các cơ quan nội tạng và niêm mạc đường tiêu hóa, hệ hô hấp và bộ phận sinh sản của bé”. Bà Griffin cho biết thêm: "Kháng thể SIgA không để vi khuẩn và mầm bệnh xâm nhập vào đường ruột, vì vậy nó giúp bảo vệ em bé từ bên trong ra bên ngoài”.
Sữa mẹ được gọi là “vàng lỏng” bởi không chỉ có giá trị về mặt dinh dưỡng, sữa mẹ còn có khả năng nhận tín hiệu và biến đổi kì diệu để đáp ứng kịp thời nhu cầu của em bé (Ảnh minh họa).
Sau khi cơ thể người mẹ tiết ra một lượng sữa non chứa nguồn kháng thể dồi dào để tăng cường hệ miễn dịch, làm sạch ruột đang còn chứa phân su của bé trong 2-3 ngày đầu tiên, sữa mẹ sẽ thay đổi và bắt đầu tăng số lượng. Giai đoạn sữa chuyển đổi này kéo dài từ 3-7 ngày, và dần dần chuyển thành sữa già sau 2 tuần. Theo bà Ashley Pickett, chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế đến từ Canada, sữa già cho bé trong năm đầu tiên về cơ bản không khác sữa non nhưng loãng hơn do lượng sữa tăng lên.
So với sữa già thì sữa non chứa ít lactose và chất béo hơn nhưng lại có nhiều protein và kali hơn. Đây được cho là “thiết kế” hoàn hảo và khá phù hợp phù hợp với cơ thể đang phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Khi bé bước vào thời kì tập đi và ăn dặm, lượng sữa mẹ sẽ giảm do ngoài sữa mẹ, bé còn ăn thêm các loại thức ăn bên ngoài khác. Nguồn sữa mẹ giai đoạn này sẽ tăng tiết các chất miễn dịch và chất béo nhiều hơn. Các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến khích cho bé bú mẹ ít nhất trong 2 năm đầu đời, bởi ngoài thực phẩm ăn thêm thì sữa mẹ vẫn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, đồng thời gắn kết sợi dây tình cảm giữa mẹ và bé.
2. Tăng kháng thể khi “phát hiện” bé bị ốm
Mặc dù sữa già có hàm lượng protein, chất béo và đường tương đối ổn định trong năm đầu tiên, nhưng nó vẫn có khả năng phản ứng nhanh với các thay đổi như chế độ ăn uống của người mẹ, sự xâm nhập của vi khuẩn và vi-rút từ môi trường bên ngoài cũng như thao tác bú của em bé.
Nguồn sữa mẹ quý giá còn có thể coi là liều thuốc an toàn mỗi khi bé bị ốm. Khi bé bú, miệng bé và vú mẹ tạo thành 1 khoảng hút chân không, dịch tiết ra từ tuyến nước bọt của bé thâm nhập vào cơ thể mẹ thông qua các lỗ nhỏ li ti trên đầu vú mẹ, đây chính là ống tiết sữa. Cơ thể mẹ khi “phát hiện” mầm bệnh có trong nước bọt của bé sẽ ngay lập tức thay đổi thành phần miễn dịch, tiết thêm kháng thể vào sữa mẹ để giúp bé chống lại mầm bệnh.
Túi sữa đổi màu vàng như sữa non khi con bị ốm của 1 bà mẹ chụp lại.
3. Thay đổi thành phần giữa ngày và đêm
Theo các chuyên gia, sữa mẹ thay đổi liên tục theo thời gian ban ngày và ban đêm. Nhiều bà mẹ cho con bú chia sẻ rằng ban ngày, lượng sữa về nhiều hơn và chảy mạnh hơn. Theo chuyên gia Pickett, nguyên nhân có thể do 1 loại hormone có tên prolactin giúp kích thích tiết sữa mẹ tăng cao vào ban ngày. Còn ban đêm, hormone serotonin và các thành phần khác trong sữa mẹ cũng được điều chỉnh để giúp bé có giấc ngủ sâu hơn và dài hơn.
4. Thay đổi trong quá trình bé bú
Khi bé bắt đầu ngậm bú mẹ, lượng sữa đầu cữ bú sẽ được tiết ra với dung lượng lớn, giúp trẻ hết khát. Tiếp theo là loại sữa cuối cữ bú với các chất dinh dưỡng phong phú, nhiều chất kem và đầy đủ vitamin hơn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là sữa cuối cữ tốt hơn sữa đầu cữ. Bà Griffin cho hay nếu người mẹ cứ cố giữ cho bé bú 1 bên quá lâu với tâm lý cố bú sữa cuối thì rất có thể bé sẽ chỉ bú chơi hoặc 1 bên không đủ sữa cho bé. Người mẹ nên thay đổi đều đặn 2 bên bầu ngực để bé được bú đủ cả về số lượng lẫn chất lượng.
Dù là sữa đầu hay sữa cuối cũng đều có công dụng riêng.
5. Màu sắc của sữa cũng có thể thay đổi
Có thể rất nhiều bà mẹ chưa biết đến khả năng đổi màu của sữa mẹ. Sữa mẹ có thể đổi màu xanh lá cây, vàng, kem và cam, và tất cả đều là màu bình thường và an toàn cho bé. Tuy nhiên chuyên gia Pickett lưu ý rằng 1 số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến màu sắc của sữa mẹ, chẳng hạn như loại kháng sinh có tên minocycline có thể khiến sữa mẹ có màu đen. Mẹ không nên quá lo lắng và nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thuốc nào, đặc biệt trong thời gian cho con bú.
Khi thấy sữa mẹ có màu hồng, đỏ hoặc gỉ và nghi là máu thì đây là dấu hiệu cảnh báo người mẹ có thể đang bị viêm vú hoặc gặp vấn đề sâu bên trong vú. Nếu thấy vú bình thường mà vẫn có biểu hiện màu sắc khác lạ, mẹ nên được thăm khám và chẩn đoán để điều trị kịp thời, vì ngoài khả năng viêm nhiễm thì ung thư vú cũng có thể gây chảy máu qua ống sữa.
Sữa mẹ không chỉ có màu trắng hoặc vàng mà có thể màu xanh lá cây, vàng, kem và cam (Ảnh minh họa).
6. Sữa mẹ có nhiều mùi vị khác nhau
Trên thực tế, những loại thức ăn mà người mẹ ăn vào có thể làm cho mùi vị của sữa mẹ thay đổi theo. Một nghiên cứu năm 2008 được đăng trên tạp chí Physiology&Behavior cho biết hương vị của chất menthol (có trong bạc hà) sẽ để lại dư vị lâu nhất trong sữa mẹ, tiếp đến là chuối để lại mùi vị 1 giờ sau khi người mẹ ăn. Năm 2001, một nghiên cứu trên tạp chí Pediatrics cũng chỉ ra rằng đứa trẻ có mẹ thường xuyên uống nước ép cà rốt trong suốt thời gian cho con bú có xu hướng thích ăn ngũ cốc vị cà rốt hơn là ngũ cốc nguyên chất. Còn tạp chí Metabolites cũng công bố kết quả nghiên cứu năm 2016 trong đó 1 số bà mẹ ăn tỏi sống có mùi sữa khác hơn so với lúc đầu.
Sữa mẹ có khả năng thay đổi kì diệu theo từng thời kì phù hợp với sự phát triển của trẻ (Ảnh minh họa).
Thành phần trong sữa mẹ cũng ảnh hưởng đến hương vị của sữa. Chuyên gia Griffin cho biết nếu sữa mẹ có chứa hàm lượng natri cao hơn thì sữa sẽ có vị mặn. Một số cơ thể người mẹ có lượng lipase – 1 loại enzyme có tác dụng tiêu hóa chất béo trong sữa – cao hơn thì sữa mẹ khi vắt ra sẽ có mùi vị gần giống xà phòng. Mẹ vẫn có thể cho bé uống sữa bình thường, nhưng nếu bé tỏ ra không thích mùi vị của sữa thì trước khi bảo quản trong tủ lạnh hoặc cấp đông, mẹ làm ấm sữa bằng cách nhúng qua nước sôi để giữ đúng mùi vị của sữa mẹ.
Nguồn: parent
sữa mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ, cho con bú