Các mẹ vì không muốn dùng kháng sinh trị ho, hạ sốt cho con nên thường thủ thỉ cho nhau những bài thuốc từ nguyên liệu sẵn có, dù chưa biết thực hư thế nào.
Với tâm lý tránh cho con được viên thuốc nào hay viên thuốc ấy, các mẹ luôn gắng sức tìm tòi những kinh nghiệm của ông bà, cha mẹ ngày xưa hay những bài thuốc từ thảo dược, những nguyên liệu có trong đời sống hàng ngày… để giúp phòng, chữa bệnh được cho con. Nhưng trong số những bài thuốc dân gian lan rộng trong cộng đồng mạng năm 2017 thì nổi lên nhất vẫn là những bài thuốc trị ho và hạ sốt:
Bài thuốc từ gừng giúp trẻ khỏi ho, sổ mũi sau 3 ngày
Một bài thuốc “thần thánh” được các mẹ lan truyền nhau vào dịp đầu năm để giúp trẻ khỏi ho, sổ mũi và giải cảm là từ 3 nguyên liệu cực kỳ thông dụng và dễ kiếm: gừng già (50g), muối hạt (20g) và nước (1 lit).
Cách làm: Gừng chọn củ già, gọt vỏ và rửa sạch dưới vòi nước. Cho gừng vào cối giã nhỏ, nấu chung với 1 lít nước và muối hạt. Nước đun sôi vặn nhỏ lửa, sau 5 phút tắt bếp, mẹ sẽ có ngay tinh dầu gừng để dùng dần.
Theo bài thuốc này khi trẻ bị ho, sổ mũi, người lớn có thể dùng nước gừng ấm đã đun với muối để ngâm chân cho trẻ, vừa ngâm vừa mát xa 2 lòng bàn bàn chân trước khi đi ngủ. Nếu kiên trì làm trong 3 ngày trẻ sẽ khỏi ho và sổ mũi.
Các lương y cũng đã phần nào khẳng định công dụng của bài thuốc này, tuy nhiên đưa ra một số khuyến cáo kèm theo. Đó là không nên áp dụng bài thuốc đối với những trẻ có tạng nóng hay lở miệng, táo bón. Trẻ bị ra nhiều mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi cũng không nên dùng. Mặt khác, nếu trẻ bị ho và sổ mũi nhiều, bố mẹ cần đưa trẻ đi bác sĩ khám ngay, không nên tự điều trị tại nhà trong thời gian dài.
Bài thuốc được chị Dorcas – mẹ của bé Zyrtec từ Singapore chia sẻ thực hiện như sau: Chuẩn bị một quả táo (loại táo đỏ), một củ hành tây, 4-5 tép tỏi. Sau đó hấp cách thủy các nguyên liệu này khoảng 20 phút. Rồi rót lấy nước cho trẻ uống (chỉ dùng nước chiết xuất từ AGO, không nghiền hay nhai hỗn hợp). Và nên cho bé dùng thuốc mỗi ngày một lần.
Trả lời về công dụng của bài thuốc này, lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cho biết, các rau, củ, quả như đại táo (táo đỏ), hành tây, tỏi đều là nguyên liệu tốt để kết hợp thành một bài thuốc trong Đông y điều trị ho rất hiệu quả và an toàn cho trẻ nhỏ.
Còn theo PGS.TS Võ Thanh Quang, Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, khi trẻ bị ho có thể điều trị bằng các bài thuốc ho dân gian nhưng phải chú ý tới nguồn gốc của nguyên liệu phải rõ ràng.
Khi trẻ bị ho kèm theo sốt cao thì nên đưa trẻ đi khám sớm, để bác sĩ tìm nguyên nhân và điều trị giúp cho trẻ nhanh phục hồi. Trẻ ho kèm theo sổ mũi thì phải kết hợp rửa mũi cho trẻ sẽ giúp trẻ nhanh khỏi hơn. Các loại thuốc ho có nguồn gốc từ rau củ, quả chỉ mang tính chất hỗ trợ không nên lạm dụng.
Phương pháp trị ho, đờm chỉ nhờ lá trầu không đắp ngực
Trong năm 2017, nhiều mẹ đã lan truyền một phương pháp trị ho, đờm của một bà mẹ có nickname Shikin Jaiz: chỉ cần hơ lá trầu không, không quá nóng, bôi dầu thoa lên ngực trẻ rồi từ từ đặt lá lên ngực. Sau một "nốt nhạc" mũi đã sổ ra ròng ròng, trẻ có thể thở dễ dàng không còn khò khè.
Tuy nhiên, theo lương y Vũ Quốc Trung, dù lá trầu là một trong những vị thuốc nam đi nữa thì việc dùng lá trầu không để điều trị ho và sổ đờm thì hiệu quả thường không cao. Trong y văn cũng không có bất cứ ghi chép bài thuốc nào về việc điều trị ho sổ đờm cho trẻ nhỏ bằng việc đắp lá trầu không.
Mặt khác, ông cũng khuyến cáo, việc bôi dầu nóng lên ngực trẻ sau đó hơ nóng lá trầu không đắp lên ngực nếu quá nóng có thể gây bỏng cho trẻ. Nếu cha mẹ muốn áp dụng để kiểm chứng công hiệu thì nên sao lá sau đó để vào khăn chườm trên ngực. Hoặc để lá trước ngực sau đó dùng túi chườm nóng để lên trên.
Đặc biệt với trẻ dưới một tuổi, áp dụng cách trị ho sổ đờm như trên sẽ rất nguy hiểm do da trẻ nhỏ rất mỏng manh. Các chuyên gia khuyến cáo không dùng bất cứ loại dầu có tính nóng nào cho trẻ dưới 1 tuổi.
Một vị lương y khác cũng khuyến cáo, thời tiết lạnh không nên cởi hết áo trẻ để đắp lá trầu không vì việc này có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh và làm cho bệnh càng nặng hơn.
Phác đồ chữa ho, sổ mũi dứt điểm sau ba ngày nhờ cao dán và ngải cứu
Lan truyền trên mạng, chị T.V.A hướng dẫn một phương pháp chữa ho cho trẻ như sau: dùng lá ngải cứu đắp lên vùng phổi sau lưng, lòng bàn chân, cổ tay rồi dùng máy sấy hơ nóng. Nếu có điếu ngải (ngải cứu phơi, sấy, nghiền nát, được cuộn lại thành hình điếu thuốc - PV) có thể đốt và hơ cho trẻ những vùng như trên. Sau khi hơ xong sẽ dán cao salonpas vào các huyệt (cạnh mũi, hai bên tai, cổ tay, lòng bàn chân). Cao dán sẽ để suốt đêm và chỉ bỏ ra khi trẻ tỉnh giấc vào ban ngày.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định ho và sổ mũi không cần phải dùng thuốc điều trị. Không cần phải áp dụng những biện pháp ly kỳ không cần thiết như "diện chẩn". Đặc biệt, phương pháp chữa ho, sổ mũi này còn chưa được chứng minh có gây hại hay không.
Có những phương pháp dùng gây ngộ độc cấp, triệu chứng có thể nhìn thấy được ngay. Nhưng nếu bị ngộ độc mãn tính, triệu chứng không rõ ràng, phải xét nghiệm mới thấy. Ngoài ra, nếu cây ngải cứu có nguồn gốc không an toàn (trồng tại vùng đất có nhiễm kim loại nặng, có tồn dư thuốc từ sâu…) thì cũng sẽ gây ra nguy hiểm.
Bài thuốc hạ sốt cho trẻ bằng lươn
Một trong những bài thuốc khiến nhiều mẹ cũng phải “gai người” nếu muốn thực hiện, được lan truyền nhiều trong năm là hạ sốt bằng lươn. Không biết ai là người đưa ra phương pháp này, tuy nhiên, nhiều mẹ khẳng định đã làm và thấy rất hiệu quả. Lươn để trên người trẻ sẽ hấp thu hết nhiệt giúp trẻ hạ sốt an toàn.
Trước thông tin được lan truyền này, lương Y Bùi Hồng Minh khẳng định: trong y học cổ truyền có ghi chép lại rất nhiều bài thuốc hạ sốt hiệu quả và an toàn. Nhưng không có một tài liệu nào ghi chép dùng lươn để hạ sốt khi đang sốt cao.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN, dùng lươn cho trườn trên người trẻ nhỏ để hạ sốt thực tế chỉ là một mẹo dân gian một số người dùng có thể có hiệu quả nhưng không phải ai dùng cũng được. Về mặt khoa học phương pháp này không có căn cứ, áp dụng cho trẻ nhỏ sẽ rất nguy hiểm.
PGS.TS Thịnh cho hay, dùng lươn sống không xử lý được nhầy nhớt bẩn có trên cơ thể lươn, để lươn bò trực tiếp trên da trẻ nhỏ khiến nguy cơ da trẻ bị nhiễm trùng rất cao. Da trẻ nhỏ rất nhạy cảm, khả năng kháng khuẩn kém rất dễ bị nhiễm vi sinh vật ngoại lai vào cơ thể.
trị ho, bài thuốc trị ho, biện pháp hạ sốt, Giúp bé hạ sốt, chữa ho