Trẻ con thành phố có trung thu kéo dài từ đầu đến cuối tháng 8. Nơi nào cũng nhộn nhịp, đông vui, bánh trái vô số kể. Thế nhưng rốt cục, con không biết trung thu chính thức là ngày nào.
Chung cư tổ chức phát quà.
Khu phố tổ chức phát quà.
Trường mẫu giáo tổ chức và phát quà.
Cơ quan bố, cơ quan mẹ, chỗ học tiếng anh, chỗ học vẽ... tổ chức và phát quà!
Bữa đầu tiên, con háo hức cả ngày chờ đến tối để được dự hội trung thu. Cái bánh được phát, háo hức tự cắt và thưởng thức.
Bữa thứ 2, nghe bảo đi dự lễ trung thu thấy có vẻ hờ hững.
Bữa thứ 3, nhận cái bánh về quẳng vô góc bàn, chẳng thèm mở ra xem là bánh nướng hay bánh dẻo.
Khắp nơi, người ta tổ chức trung thu. Trẻ con thành phố có trung thu kéo dài từ đầu đến cuối tháng 8. Nơi nào cũng nhộn nhịp, đông vui, bánh trái vô số kể. Thế nhưng rốt cục, con không biết trung thu chính thức là ngày nào. Chúng ta thừa thời gian để tổ chức trung thu cho các con nhưng thiếu thời gian nói với chúng vì sao có trung thu? Ý nghĩa là gì? Chỉ cho chúng thấy trăng đêm rằm đẹp và sáng thế nào?...
Trung thu có vẻ trở nên thừa mứa quá mức với trẻ con thành phố!
Chúng ta thừa thời gian để tổ chức trung thu cho các con nhưng thiếu thời gian nói với chúng vì sao có trung thu (Ảnh minh họa).
Trung thu chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh về sự đáp ứng nhu cầu của con một cách quá thừa mứa của bố mẹ: Vật chất, thời gian, thông tin và cả tình yêu. Chúng ta đang cho con chúng ta quá nhiều! Mà cái gì cũng vậy, quá thừa thì trở nên ít thậm chí mất giá trị và làm cho nhận thức của bé trở nên rối loạn.
Chúng ta dành tiền mua quá nhiều đồ chơi cho con để rồi món nào chúng cũng chơi qua loa rồi quẳng xó nhà.
Chúng ta đọc quá nhiều sách, dạy cho bé quá nhiều thứ chưa cần thiết để rồi đặt sự kì vọng quá nhiều lên đôi vai của con khiến đầu chúng lùng bùng đủ thứ thông tin.
Chúng ta lên thời khóa biểu dày đặc các hoạt động cho con để rồi chúng thiếu thời gian chơi tự do, thiếu thời gian quyết định hoạt động của mình.
Chúng ta đáp ứng ngay và luôn nhu cầu của con để rồi chúng quên mất giá trị của sự chờ đợi và tình yêu.
....
Tuần trước, mình có buổi nói chuyện với cô giáo nơi An - con trai mình học, rất tâm đắc khi cô giáo nói: "Khi nhu cầu của con được xác định là chính đáng, mẹ đừng đáp ứng ngay, hãy cho bé biết chờ đợi và cao hơn là nổ lực để có được nó... Đó là lý do đôi khi nhà trường cắt một cữ sữa để dạy cho bé giá trị của cái bụng đói, giá trị mỗi bữa ăn".
Tâm đắc vì cô nói đúng quan điểm vợ chồng mình áp dụng với con từ khi lên 2 tuổi: Không đáp ứng quá thừa và quá nhanh nhu cầu của con.
Vợ chồng mình quan niệm không đáp ứng quá thừa và quá nhanh nhu cầu của con (Ảnh: NVCC).
Khi mua ít sách lại, con mình đọc chúng chăm chú hơn, xem kĩ hơn và 10 lần xem 1 cuốn sách đều phát hiện ra một điều mới mẻ. Có khi chỉ là chú bọ nhỏ xíu nằm ở góc trang sách mà 9 lần trước con chưa nhìn thấy...
Khi mua đồ chơi ít lại, con sẽ biết sáng tạo chụp cái bao nilong lên xe tải để làm mái che cho nó, gắn cái móc khóa bằng len vào xe ô tô để biến nó thành xe tăng, dán cái lõi ống giấy vệ sinh làm ống nhòm. Nếu muốn mua đồ chơi mới, hãy nhặt ve chai, nuôi heo để có được nó...
Sáng nay, bạn ấy đến lớp vẫn chưa được bố mẹ mua đèn lồng trung thu dù đã đòi từ bữa thứ 7, mẹ hẹn chiều nay về sẽ đưa bạn đi chọn một cái...
Đôi khi thấy mình "ác mẫu" nhưng thực sự không muốn nhu cầu của con được đáp ứng một cách quá thừa và quá nhanh, để con nhận ra hết những giá trị mình sẽ có được.
Trung thu này, khi con nhận được quá nhiều bánh, mình cùng con chia sẻ với người khác.
Hi vọng, con lớn lên đúng với nhịp điệu mà ấu thơ xứng đáng được có!
trung thu, làm cha mẹ, Nuôi dạy con