Mẹ & bé

Cười ngả nghiêng trước tâm sự các kỹ năng “vào nghề” của một ông bố bỉm sữa

Những dòng chia sẻ của anh Dương khiến nhiều người không khỏi bật cười vì giọng điệu hài hước nhưng cũng rất bất ngờ trước hình ảnh của một ông bố mẫu mực.

Thường thì sự xáo trộn cuộc sống của người mẹ sau khi sinh một đứa con vẫn là đề tài được nhắc đến, ngợi ca nhiều hơn cả. Nhưng còn câu chuyện của những người vừa lên chức bố thì sao nhỉ? Mới đây, tâm sự của ông bố bỉm sữa Phạm Dương (33 tuổi, sống tại Hải Phòng) đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Cười ngả nghiêng trước tâm sự các kỹ năng “vào nghề” của một ông bố bỉm sữa - Ảnh 1.

Anh Dương bên "viên ngọc quý" mới hơn 20 ngày tuổi của mình.

Anh Dương đã chia sẻ khá hài hước về cuộc sống của mình sau khi đón em bé đầu lòng:

Sau khi vợ sinh 3 tuần, tôi có lẽ đã mắc phải chứng trầm cảm sau sinh. Qua hơn hai chục ngày cuộc sống ngập trong phân và sữa (đêm pha sữa ngày dọn phân, vật vã thay tã, rửa bình), tôi đã có dấu hiệu bị sang chấn tâm lý. Biểu hiện:

- Vợ sai gì làm nấy, thỉnh thoảng có vừa làm vừa càm ràm nhưng không dám nói to.

- Thường lẩn thẩn làm việc vô thức theo bản năng, không cần suy nghĩ. Thấy con ngọ nguậy là vạch tã ra ngửi, thấy khóc là tự động pha sữa, thấy phân là lao đi lấy tã, khăn lau, thấy bình là vác đi rửa.

Tuy nhiên sau 3 tuần, tôi cũng đã hội tụ đầy đủ phẩm chất của một ông bố bỉm sửa mẫu mực. Thường xuyên học hỏi trao đổi kinh nghiệm với hội các mẹ bỉm sữa tại cơ quan và đã thành thục tất cả các kỹ năng:

- Chuyên gia phân tích phân trẻ em (có thể giám định phân tốt, xấu bằng mắt và mũi).

- Chuyên viên điều chế nước ấm (chuyên chế các thể loại nước nóng lạnh thành ấm đảm bảo chuẩn 40 độ C).

- Thợ pha sữa bậc cao.

- Công nhân rửa bình lành nghề.

- Vận động viên thay tã tốc độ.

- Nghệ nhân quấn tã nghệ thuật.

Giờ đang bế con trên tay (mẹ nó đang lăn quay ra ngủ), tôi chỉ mong ước một điều là khi nó lớn đến tuổi đi học, mình đi họp phụ huynh, cô giáo nó trông xinh một chút.

Thế là đủ!”.

Những dòng chia sẻ của anh Dương khiến nhiều người không khỏi bật cười vì giọng điệu hài hước nhưng cũng rất bất ngờ trước hình ảnh của một ông bố mẫu mực: dù vất vả và nhiều bỡ ngỡ nhưng vẫn rất chăm chỉ, cẩn trọng trong việc chăm con.

Anh luôn túc trực cùng vợ ẵm bế, thay tã, cho con uống sữa và thậm chí còn phân tích, ngửi mùi cả… phân trẻ em để biết con có đang khỏe, hệ tiêu hóa có làm việc bình thường hay không.

Theo như anh Dương chia sẻ, thì ngoài status với những gạch đầu dòng ngắn gọn như trên, thì anh còn học được rất nhiều điều sau khi làm bố: “Con người mình thay đổi nhiều lắm, phải kể đến các giác quan như mũi và tai thính hơn, còn mắt thì tinh hơn. Bây giờ mình ngồi dưới nhà vẫn có thể nghe thấy tiếng bé khóc khe khẽ trên lầu. Có mùi gì lạ trong phòng bé là ngửi thấy ngay, nhất là mùi bé đi ngoài. Còn mắt thì tinh hơn hẳn, trước muỗi đốt mình thì mình mới biết, mà giờ có con gì bay lướt qua phòng thôi cũng biết là ruồi hay muỗi, nói vui là có thể phân biệt được đực, cái.” Anh còn hóm hỉnh tự nhận mình đã trở thành một nghệ sĩ hát ru quần chúng và kỹ thuật viên “bú mồi” vì vợ anh ít sữa.

Cười ngả nghiêng trước tâm sự các kỹ năng “vào nghề” của một ông bố bỉm sữa - Ảnh 2.

Ông bố thú vị này luôn nhận phần chăm con vất vả hơn để vợ được nghỉ ngơi.

Để có được những kỹ năng như trên thì ngoài tâm huyết của một ông bố, anh Dương còn chuẩn bị khá nhiều trước khi vợ sinh con. Anh không ngừng tìm hiểu kiến thức thông qua đọc sách, tra cứu trên mạng, trao đổi với các ông bố, bà mẹ có kinh nghiệm khác và đương nhiên là có cả việc nhận sự tư vấn sát sao của hai bà nội, ngoại.

Tuy vậy, ông bố thú vị này cũng chia sẻ thêm: “Học hỏi nhiều rồi nhưng lý thuyết vẫn cách xa thực tế đến tận nửa vòng trái đất. Ví dụ điển hình như ngay đêm vừa sinh em bé, dù đã được các nữ đồng nghiệp cảnh báo về phân su em bé. Nhưng cái cảm giác lần đầu nhìn thấy phân em bé thật ngây ngô, trong sáng, vụng dại làm sao, cứ như… lần đầu nắm tay người yêu ấy. Hai vợ chồng bần thần nhìn nhau ngơ ngác, hỏi nhau không biết làm sao, làm thế nào. Ấy thế mà vật lộn một hồi rồi cũng xong. Vậy mới nói kinh nghiệm là phải qua thực tiễn, từ “gà mờ” sẽ thành chuyên nghiệp.

Và đặc biệt là dù có bà em bé hỗ trợ nhưng anh Dương vẫn đảm nhận nhiệm vụ trông con vào ban đêm vì sợ bà mệt. Em bé cứ ban ngày chỉ ăn xong lăn quay ra ngủ rất ngoan còn ban đêm mới bừng tỉnh “quẩy” cùng ba mẹ. Hài hước nhất là chuyện ông bố một con nói đùa: “Cả đi ị em cũng đợi đến đêm dành cho ba mẹ”.

Nhưng dù cuộc sống có xáo trộn và vất vả hơn trăm đường so với khi chưa có con, anh Dương vẫn cảm thấy rất hạnh phúc: “Mệt nhưng vui lắm. Mình lúc nào cũng thấy con dễ thương, đáng yêu dù cho con có làm gì đi nữa.”

Anh cũng chia sẻ thêm về suy nghĩ trước trọng trách của các ông bố mới “vào nghề”: “Mình nghĩ việc chăm con phải là việc chung, vợ chồng nên phân công nhau hợp lý. Tháng đầu người vợ mới sinh sức khoẻ còn yếu, các ông bố nên dành nhiều phần việc hơn. Về sau khi em bé cứng cáp và mẹ khoẻ hơn thì bố sẽ có nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp riêng, nhưng vẫn phải dành thời gian cho bé. Vì chăm bé không chỉ là nhiệm vụ, mà hãy coi đó là niềm vui. Có một đứa con có nghĩa là có thêm một viên ngọc quý. Vừa vui thích ngắm nghía nó, nhưng cũng vừa phải có trách nhiệm nâng niu bảo vệ nó, chứ để việc chăm bé hết cho mẹ thì mình khác nào là chú chứ không phải ba.”

aFamily

làm bố, bố và con, làm cha, nuôi con


      © 2021 FAP
        1,311,408       884