Mẹ & bé

Tiến sĩ Sản khoa Mỹ: Nếu không muốn ốm nghén, mẹ bầu hãy làm theo 6 cách này

Làm thế nào để đánh bật những cơn ốm nghén mệt mỏi suốt cả ngày? Mẹ bầu có thể tham khảo lời khuyên từ bác sĩ chuyên Sản - Phụ khoa đến từ Mỹ.

Nữ công tước xứ Cambridge Kate Middleton và hoàng tử William mới đây thông báo rộng rãi đến toàn thể người dân về việc công nương đang mang thai đứa con thứ ba. Giống như hai lần bầu bí trước, công nương Kate tiếp tục phải trải qua những cơn ốm nghén nặng có tên HG (hyperemesis gravidarum) rất hiếm gặp ở phụ nữ mang thai.

Tiến sĩ Sản khoa Mỹ: Nếu không muốn ốm nghén, mẹ bầu hãy làm theo 6 cách này - Ảnh 1.

Cả 3 lần mang thai, Công nương Kate Middleton đều phải trải qua hội chứng ốm nghén nặng có tên HG, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc.

HG là hội chứng nôn nghén kéo dài tới gần ngày sinh, dễ khiến mẹ bầu mệt mỏi, kiệt sức vì không thể ăn uống, dẫn đến tình trạng mất nước, tổn thương gan và thận, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé. Khi mang thai Hoàng tử George năm 2012, công nương Kate đã từng phải nhập viện điều trị vì mất nước nghiêm trọng, và khi có công chúa nhỏ Charlotte, mẹ Kate cũng phải hủy bỏ lịch làm việc vì triệu chứng nôn nghén quá nặng.

Tiến sĩ Sản khoa Mỹ: Nếu không muốn ốm nghén, mẹ bầu hãy làm theo 6 cách này - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Nói như vậy để thấy ngoài niềm vui khi có thai, các mẹ bầu cũng phải trải qua những cơn ốm nghén khá mệt mỏi. Chuyên gia y học về Bà mẹ và Thai nhi, Tiến sĩ Chad Klauser (nghiên cứu sinh khoa Sản – Phụ khoa và Khoa học sinh sản Trường y Mount Sinai ở Manhattan - Mỹ) cho biết “"Triệu chứng ốm nghén thường ảnh hưởng đến khoảng 80% phụ nữ có thai trong ba tháng đầu thai kì”.

Tiến sĩ Klauser đã tổng hợp và đưa ra lời khuyên giúp các mẹ bầu giảm bớt cảm giác mệt mỏi, khó chịu và hạn chế tần suất của những triệu chứng ốm nghén như sau:

Tiến sĩ Sản khoa Mỹ: Nếu không muốn ốm nghén, mẹ bầu hãy làm theo 6 cách này - Ảnh 3.

Trà gừng nóng khá hiệu quả giúp chống lại cơn ốm nghén của các bà bầu.

1. Bổ sung các loại thực phẩm Carbohydrate - bột đường, tinh bột như ngũ cốc, bánh mỳ, khoai tây… để cung cấp đủ năng lượng và giảm cảm giác mệt mỏi, thèm ăn trong quá trình mang thai.

2. Tránh đồ ăn hơi âm ấm bởi đồ ấm sẽ làm cho các triệu chứng nghén trở nên trầm trọng hơn. Thay vào đó, mẹ bầu có thể chọn những món đồ lạnh hẳn hoặc nóng hẳn, chẳng hạn như trà.

3. Tránh các đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo vì dầu mỡ là xúc tác khiến chứng nôn nghén nặng thêm.

4. Chia thành các bữa nhỏ trong ngày, mẹ bầu không nên ăn no cùng 1 lúc sẽ khiến đầy bụng và nguy cơ nôn toàn bộ số thức ăn đã ăn vào.

5. Cung cấp đủ nước và muối cho cơ thể, những cơn nôn nghén sẽ khiến mẹ bầu bị mất cả nước và muối, cho nên cần bổ sung cả hai thay vì chỉ uống bù nước đơn thuần. Nếu không bổ sung kịp thời sẽ nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

6. Ngoài ra, mẹ bầu có thể dùng thêm Vitamin B6 và kẽm bởi đây là loại vitamin an toàn cho phụ nữ có thai, giúp giảm 80% các triệu chứng nghén trong thai kì.

Tiến sĩ Sản khoa Mỹ: Nếu không muốn ốm nghén, mẹ bầu hãy làm theo 6 cách này - Ảnh 4.

Ấn huyệt trên cổ tay cũng giúp giảm triệu chứng buồn nôn cho mẹ bầu.

Thêm vào đó, các chuyên gia Sản - Phụ khoa Mỹ khuyến nghị mẹ bầu nên tích cực nghỉ ngơi để ổn định sức khỏe. Mẹ bầu có thể bấm huyệt để làm giảm hội chứng ốm nghén bằng một cách đơn giản là ấn lên huyệt P-6 trên cổ tay. Vị trị huyệt cách cổ tay khoảng 3 đốt ngón tay, nằm giữa 2 đường gân. Ấn huyệt trong 3 phút và đều đặn mỗi ngày giúp giải phóng tình trạng căng thẳng của các cơ bắp và thúc đẩy lưu thông máu, từ đó, gián tiếp làm giảm triệu chứng buồn nôn cho mẹ bầu ngay lập tức.

Nếu những cách trên không hiệu quả, mẹ bầu hãy tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ để được kê đơn và uống bổ sung giúp giảm triệu chứng ốm nghén và cảm giác mệt mỏi.

Nguồn: Health/Pregnancy

aFamily

ốm nghén, mang thai, Sức khỏe bà bầu, mang thai sau sinh


      © 2021 FAP
        1,311,689       671