Tránh những sai lầm khi cho con ngủ này trong những tháng đầu sẽ khiến việc chăm sóc trẻ đỡ vất vả hơn và giúp trẻ ngủ ngoan hơn.
Bé thức giấc giữa đêm hay thường tỉnh giấc sớm khiến bố mẹ cảm thấy rất bực bội và mệt mỏi, nhưng liệu các mẹ có xem xét lại mình đã cho con ngủ đúng cách hay chưa? Dưới đây là một số sai lầm khiến trẻ không ngủ ngoan và cách khắc phục:
1. Không thống nhất giờ ngủ cho bé
Trẻ được ngủ đúng giờ, đủ giấc sẽ cao lớn và phát triển nhanh hơn so với bạn cùng lứa liên tục thiếu ngủ. Thế nhưng, hầu hết cha mẹ đều chưa biết cách hình thành thói quen ngủ đúng giờ cho con mà để bé thích ngủ lúc nào thì ngủ. Điều này rất bất lợi đối với sự phát triển của bé.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia giấc ngủ và đào tạo kĩ năng nuôi con cho bố mẹ, Zoe Chu của chương trình Supernanny Singapore khuyên rằng: Trước khi cho bé đi vào giấc ngủ, mẹ hãy dành chút thời gian để hai mẹ con cùng thư giãn. Khoảng một tiếng trước khi bé say giấc, mẹ cho bé vào giường, kéo rèm, bật đèn ngủ, tạo môi trường thoải mái. Mẹ có thể tắm hoặc lau người sơ qua cho bé bằng nước ấm, thay quần áo và bỉm để bé thêm dễ chịu. Đừng quên chuẩn bị những bản nhạc êm ái hoặc có thể đọc hoặc kể một câu chuyện cho bé dễ dàng đi vào giấc ngủ. Khi tạo được thói quen cho bé thì đến giờ bé sẽ tự ngủ mà khong cần đến sự giúp đỡ của bất cứ ai.
2. Lệ thuộc dụng cụ hỗ trợ
Pamela Lee, mẹ của bé Aiden chia sẻ, Aiden chỉ có thể ngủ được khi ngậm ti giả, nhưng khi con ngủ say, vợ chồng cô lấy núm vú đi, và khi tỉnh dậy không thấy ti giả đâu, cậu bé lại gào khóc.
Cuối cùng, Lee quyết định sẽ không trả lại ti giả nữa. Đêm đầu tiên, nhìn con gào khóc tìm ti giả, vợ chồng Lee đau lòng và xót con lắm nhưng vẫn kiên quyết không dỗ, bé Aiden khóc một lúc rồi tự nín và lại chìm vào giấc ngủ.
Từ đó, Pamela Lee rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân rằng nếu cứ thấy con khóc là bố mẹ lại nhét ti giả vào miệng con thì sẽ hình thành thói quen xấu cho con.
3. Dỗ dành bé quá nhanh
Mặc dù biết con quấy khóc lúc nửa đêm là chuyện bình thường nhưng đây là chuyện không ai muốn. Zoe Chu đưa ra lời khuyên cho các bà mẹ rằng đừng thấy con khóc mà dỗ dành ngay, bởi bạn làm như vậy con bạn sẽ nghĩ rằng bé luôn cần ai đó vỗ về và hình thành thói quen nũng nịu cho bé.
Cả trong giấc ngủ trưa của bé cũng vậy. Khi con ngủ được tầm 30 phút và khóc lóc tỉnh dậy, điều đó chứng tỏ con vẫn chưa ngủ đủ giấc và còn muốn ngủ tiếp, chỉ vì tác động nào đó khiến con tỉnh giấc thôi. Hãy dành cho bé vài phút tự dỗ dành mình chứ đừng vội bế bé lên, bởi nếu bạn bế lên liền sẽ khiến giấc ngủ của bé không được dài và sâu nữa.
4. Bắt bé đi ngủ ngay lập tức
Bạn cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi khi đêm đã về khuya mà con bạn vẫn tròn xoe mắt chưa chịu ngủ. Bạn nghĩ rằng chỉ cần đặt con nằm vào nôi một lúc là con sẽ chịu ngủ ư?
Nếu bạn suy nghĩ như vậy là bạn sai rồi. Zoe Chu giải thích: “Nếu bố mẹ vội vàng muốn con đi ngủ, con sẽ không ngủ ngay, thậm chí đứa trẻ sẽ khóc bởi trẻ chưa sẵn sàng đi ngủ mà bố mẹ không đáp ứng mong đợi của trẻ.” Zoe Chu khuyên bố mẹ nên cho con thư giãn trước lúc ngủ tầm 20-30 phút bằng các biện pháp như kể chuyện, đọc sách hay hát ru để tăng lượng melatolin cho bé, kích thích bé dễ chìm vào giấc ngủ.
5. Cho bé ngủ muộn
Đối với phụ nữ sau sinh, vấn đề quay trở lại công việc thật khó khăn. Khi mẹ đi làm về muộn, thật khó để con đi ngủ sớm. Zoe Chu cho biết, trẻ sơ sinh cần ngủ khoảng 10-11 tiếng mỗi đêm. Nếu trẻ ngủ muộn thường khi thức dậy sẽ rất mệt mỏi và chán nản.
Hãy dành thời gian bên con nhiều hơn, nếu có thể, hãy sắp xếp công việc về với con sớm hơn một chút và cho con đi ngủ sớm.
6. Không áp dụng thời gian biểu ngủ cho con
Zoe Chu chỉ ra lỗi sai cơ bản mà hầu như bố mẹ nào cũng mắc phải là nhiều bé có thói quen ngủ rất thất thường, nhưng bố mẹ lại hi vọng con có thể sớm vượt qua gia đoạn này, lớn một chút con sẽ khác. Cô cho rằng ngủ cũng là một kĩ năng như bao kĩ năng khác, bố mẹ cần phải dạy cho con. Hãy tạo môi trường để rèn luyện kĩ năng ngủ cho con, không được để bé thích ngủ lúc nào, ngủ ở đâu cũng được, mà phải lên thời gian biểu và áp dụng.
7. Mong đợi con sẽ ngủ xuyên đêm
Trẻ sơ sinh không thể ngủ xuyên suốt đêm được bởi vì dạ dày của bé rất nhỏ, bé phải thức dậy liên tục để được mẹ cho ăn. Hơn nữa, trẻ dưới 3 tháng tuổi vẫn chưa phân biệt được bóng tối và ánh sáng, nên không thể mong chờ bé ngủ suốt cả đêm được.
“Đến khi con bạn cứng cáp hơn thì không có gì đáng ngạc nhiên khi con ngủ được khoảng 11-12 tiếng mỗi ngày. Nhưng nếu con bạn vẫn hay bị thức giấc giữa đêm, hãy điều chỉnh thời gian biểu sao cho hợp lí và đừng sớm bỏ cuộc”, Zoe Chu khuyên.
8. Luyện con ngủ mà không có hướng dẫn khoa học
Khi con bạn gặp vấn đề về giấc ngủ, hãy rèn luyện con ngủ một cách khoa học, nên tham khảo lời khuyên từ các chuyên gia hoặc những người đã có kinh nghiệm nuôi con.
Tuy nhiên, Chu nói thêm, luyện con ngủ cũng như việc giải quyết một câu đố, cần phải xem xét từng phần của câu đố, đặt trong từng hoàn cảnh khác nhau. Đối với việc giáo dục trẻ cũng vậy, mỗi đứa bé khác nhau, mỗi gia đình khác nhau sẽ có một vấn đề khác nhau, vì vậy, việc dạy bé như thế nào cũng khác nhau. Việc hỏi ý kiến, kinh nghiệm chỉ là vấn đề tham khảo, cơ bản các mẹ phải nắm được tình hình của con như thế nào để áp dụng cho phù hợp.
Nguồn: parents
cho con ngủ, giấc ngủ của con, giấc ngủ của trẻ sơ sinh, Chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ từ 0-1 tuổi