Đây là danh sách những sách tham khảo ở tiểu học môn Tiếng Việt mà chị Phan Hồ Điệp - mẹ Đỗ Nhật Nam gợi ý bố mẹ nên mua cho con.
Một số sách tham khảo Tiếng Việt bậc Tiểu học được chị Phan Hồ Điệp gợi ý:
1. Những đầu sách chung cho tất cả các lớp học
- Từ điển tiếng Việt (Vietlex phát hành)
- Từ điển chính tả tiếng Việt (Nguyễn Như Ý - Đỗ Việt Hùng)
2. Sách cho từng lớp
Một số sách tham khảo môn tiếng Việt mà mẹ Đỗ Nhật Nam gợi ý.
- Kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, sách này có cả môn Toán và tiếng Việt, có ở tất cả các lớp.
- Giúp em thực hành luyện từ và câu từ lớp 2- 5.
- 35 đề ôn luyện tiếng Việt lớp 1-5. Các ngữ liệu trong sách tốt, các đề kiểm tra cũng tương đối "văn minh", không lệ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa. Nếu bạn nào có con học cuối cấp thì có thể mua thêm cuốn 35 đề ôn luyện cuối cấp, bao gồm 17 đề lớp 4 và 18 đề lớp 5.
Ngoài ra có một số cuốn có thể mua để đọc thêm, vừa tăng thêm vốn văn học lại dạy về kĩ năng sống, đó là:
Truyện kì nghỉ đáng nhớ.
Khám phá kì tích thế giới.
Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ.
Mẹ Đỗ Nhật Nam cũng đưa ra quan điểm khi chọn sách tham khảo cho con đó là:
- Không ưu tiên cho những sách là các bài văn mẫu.
- Không ưu tiên cho những sách chỉ để giải bài trong sách giáo khoa.
Cách sử dụng sách tham khảo
1. Với những cuốn như từ điển tiếng Việt, từ điển chính tả… bạn nên dạy cho con có thói quen tra từ/cụm từ. Ví dụ như khi con đọc/nghe một bài nào đó (trong sách giáo khoa cũng được) con có thể tra từ con không hiểu/ phân vân không biết viết thế nào cho đúng. Hãy khuyến khích con đặt câu với từ đó. Hoặc tìm từ đồng nghĩa với từ đó.
2. Với những loại sách tham khảo khác:
- Nên có thời gian cố định trong tuần để làm các sách tham khảo, ví dụ: tối thứ 2, thứ 4 và chủ nhật (bạn xem tối nào mà thời gian biểu hôm đó không có nhiều môn "nặng"). Việc bạn định ra thời gian đều đặn sẽ giúp các bé có ý thức hơn.
- Thường các sách sắp xếp theo thứ tự tuần học. Bạn chỉ cần tra xem con đang học đến tuần bao nhiêu là sẽ ra được bài tập tương ứng.
Có được thói quen đọc sách, các bé sẽ học tiếng Việt rất "êm", sử dụng tiếng Việt rất đẹp mà đôi khi không cần sách tham khảo (Ảnh minh họa).
- Khi làm bài, hãy ghi lại thời gian làm. Điều này rất quan trọng vì con sẽ có thói quen học những thứ ngoài chương trình một cách nghiêm túc.
- Đừng chạy theo số lượng. Mỗi một bài, bạn nên dạy con thói quen dừng lại để tra cứu, tham khảo thêm thông tin. Ví dụ, trong cuốn 35 đề có bài đọc về tả cảnh thiên nhiên, bạn khuyến khích con lên mạng tìm những bài tương tự hoặc tìm quyển sách đọc có đoạn tả cảnh khác. Ghi lại càng tốt.
- Đừng lo lắng khi nghĩ rằng bạn không biết thì sẽ không dạy được. Hãy thay đổi vị trí, để con làm rồi giảng cho mẹ. Sách tham khảo mà, học lấy kiến thức chứ không phải học để thực hiện một nghĩa vụ nào đó.
- Điều quan trọng nhất trong quá trình làm sách tham khảo là bạn tạo được hứng thú, mong muốn cho con tìm hiểu những cuốn sách khác ngoài sách giáo khoa. Và ngay cả sách tham khảo cũng chỉ là một số lượng tri thức rất giới hạn. Vậy nên, cứ thử cho con tự ra đề, tự làm, nếu bạn cùng làm rồi cùng nhau chấm điểm nữa thì càng vui. Chính vì thế, không cần chạy theo số lượng.
Chị Phan Hồ Điệp lưu ý rằng, với tiểu học, môn Tiếng Việt, rèn kĩ năng đọc sách vẫn là thói quen nên được lưu tâm nhất. Có được thói quen này, các bé sẽ học tiếng Việt rất "êm", sử dụng tiếng Việt rất đẹp mà đôi khi không cần sách tham khảo.
sách tham khảo, học tiếng việt, môn tiếng việt, chọn sách cho con, mẹ Đỗ Nhật Nam, tiểu học, con vào lớp 1